Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài 410km, TP.HCM sẽ xây dựng 8 tuyến với chiều dài khoảng 173km. Tuy nhiên, hiện tại các dự án đường sắt đô thị 2 thành phố này đều chậm, đến nay mới đưa vào khai thác 13km.

r tuyen cat linh ha dong
Theo Báo cáo tài chính năm 2021 của Công ty MTV Đường sắt đô thị Hà Nội được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C, lỗ lũy kế từ khi thành lập đến ngày 31/12/2021 tại dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông là 159 tỷ đồng. (Ảnh: CTV/Trí Thức VN)

Truyền thông Nhà nước ngày 19/10 đưa tin Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng thừa ủy quyền của Thủ tướng báo cáo Quốc hội về việc phát triển giao thông đường sắt và sử dụng ngân sách Nhà nước đầu tư vận tải đường sắt.

Theo báo cáo, mạng lưới đường sắt Việt Nam bao gồm: đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị và đường sắt chuyên dùng. Trong đó, đường sắt quốc gia hiện nay đi qua 34 tỉnh/thành phố, gồm 7 tuyến chính và một số tuyến nhánh, với tổng chiều dài 3.143km.

Báo cáo này nhận định do đầu tư đã lâu và nhiều nguyên nhân khác như chiến tranh, thiên tai nên hiện tại đường sắt chắp vá, tốc độ hạn chế, nguy cơ mất an toàn.

Đáng lưu ý, một số khu vực kinh tế quan trọng như Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên chưa có đường sắt. Hệ thống đường sắt nối vào khu vực cảng biển còn hạn chế, chưa có đường sắt kết nối cảng hàng không quốc tế.

Về đường sắt đô thị, theo quy hoạch, Hà Nội sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài 410km. TP.HCM sẽ xây dựng 8 tuyến với chiều dài khoảng 173km; 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray.

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã định hướng quy hoạch các tuyến đường sắt đô thị trong một số quy hoạch tỉnh: Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bình Hương, Bà Rịa – Vũng Tàu…

Tuy nhiên, tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM đều chậm so với dự kiến, đến nay mới đưa vào khai thác 13km, đạt 10,4% các tổng chiều dài mạng lưới cần đầu tư trước năm 2020.

Thị phần vận tải đường sắt đô thị chưa đáp ứng được khoảng 15% – 20% nhu cầu vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội và TP.HCM như quy hoạch đề ra.

Việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM đều chậm tiến độ và tăng tổng mức đầu tư.

Chất lượng kết cấu hạ tầng các tuyến đường sắt hiện có lạc hậu, xuống cấp; đường sắt kết nối cảng biển lớn chưa được triển khai, kết nối quốc tế hạn chế; tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam chưa được thông qua chủ trương đầu tư. Việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM đều chậm tiến độ và tăng tổng mức đầu tư.

Đối với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, báo cáo cho hay Bộ GTVT đã tổ chức đoàn công tác liên ngành đi nghiên cứu kinh nghiệm tại 4 nước gồm: Trung Quốc, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Đức.

Báo cáo của Chính phủ Việt Nam cũng cho biết đến năm 2030 sẽ nâng cấp, cải tạo các tuyến đường sắt hiện có; triển khai đầu tư hai đoạn ưu tiên của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam (Hà Nội – Vinh và Nha Trang – TP.HCM).

Chính phủ Việt Nam cho hay cũng sẽ ưu tiên xây dựng một số tuyến đường sắt kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế đặc biệt khu vực Hải Phòng và Bà Rịa – Vũng Tàu; kết nối TP.HCM với Cần Thơ, kết nối quốc tế với Trung Quốc, Lào và Campuchia.

Khánh Vy (t/h)