Quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, Washington đang chuẩn bị bơm vốn vào ngành công nghiệp chip của Việt Nam, nhằm phát triển chuỗi cung ứng bán dẫn. Ông cũng kêu gọi Việt Nam hành động sớm để thu hút đầu tư của Hoa Kỳ vào các ngành công nghiệp then chốt khi Hoa Kỳ cố gắng thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Embed from Getty Images

Ngày 11/9/2023, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (phải) và Tổng thống Mỹ Biden (trái) hội đàm tại Hà Nội. (Ảnh: Minh Hoàng /Pool /AFP via Getty Images)

Ông Jose Fernandez, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ về Tăng trưởng Kinh tế, Năng lượng và Môi trường đã có chuyến công du 3 nước châu Á bao gồm Việt Nam, Philippines và Hàn Quốc từ ngày 22/1 tới ngày 1/2.

Việt Nam là chặng dừng chân đầu tiên của chuyến công du này. Các quan chức Việt Nam đã yêu cầu Hoa Kỳ xếp Việt Nam vào nền kinh tế thị trường để được giảm thuế.

Ông Fernandez cho biết, Washington đã nhắm tới 7 quốc gia làm mục tiêu tài trợ cho Đạo luật Khoa học và CHIPS, trong đó bao gồm 500 triệu USD cho việc cải thiện đào tạo bán dẫn toàn cầu, an ninh mạng và môi trường kinh doanh.

Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia, ông Fernandez nói, Hoa Kỳ đã lập danh sách các quốc gia có cơ hội được hưởng lợi từ sự hỗ trợ của nước này. Việt Nam là một trong những quốc gia ưu tiên.

“Chúng tôi đã xem qua danh sách các quốc gia mà chúng tôi cảm thấy có tiềm năng hưởng lợi từ sự hỗ trợ của chúng tôi, và Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên mà chúng tôi nghĩ đến”, Nikkei dẫn lời ông Fernandez trong một cuộc phỏng vấn.

Hoa Kỳ sẽ phân bổ viện trợ nước ngoài theo Đạo luật CHIPS và Khoa học dựa trên các khuyến nghị của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, dự kiến được đưa ra vào tháng Hai. Nghiên cứu bao gồm việc hỏi các công ty Việt Nam cần những gì để phát triển ngành bán dẫn, chẳng hạn như đào tạo, ông Fernandez cho biết thêm.

Ông ủng hộ và tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ, nhằm giúp Việt Nam đạt mục tiêu đào tạo 50.000 – 100.000 kỹ sư ngành bán dẫn trong các năm tới, thông qua các khoản hỗ trợ từ quỹ do đạo luật CHIPS và Khoa học.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ kêu gọi Việt Nam sớm hành động để thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp quan trọng, như năng lượng sạch và khoáng sản có thể sử dụng trong xe điện và pin.

Ông Fernandez cũng cho biết, ông đã thảo luận vấn đề năng lượng tái tạo với các quan chức Việt Nam. Ông nói, vấn đề cấp phép có thể cản trở khoản đầu tư lên tới 8 tỷ USD của Hoa Kỳ, gồm cả các công ty chip cam kết chỉ sử dụng năng lượng sạch.

Việt Nam là nước xuất khẩu lớn về điện tử, quần áo và thực phẩm, đồng thời là nút thắt quan trọng trong nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.

Theo thống kê của Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), tài nguyên đất hiếm của Việt Nam đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc, nhưng chưa rõ có thể khai thác được bao nhiêu.

Trong nhiều thập kỷ, thị trường đất hiếm bị Trung Quốc thống trị, điều mà Washington coi là điểm yếu chiến lược. Hoa Kỳ đang khởi động lại các mỏ của riêng mình và đã đạt được thỏa thuận với 13 quốc gia, nhằm phối hợp hỗ trợ tài chính và ngoại giao cho khoáng sản.

Hoa Kỳ cũng đề nghị hỗ trợ Việt Nam thăm dò các mỏ khoáng sản.

“Có một cơn đói lớn trên thế giới đối với các khoáng sản quan trọng”, Nikkei dẫn lời ông Fernandez. “Lợi thế cạnh tranh” của Hoa Kỳ và các đối tác là khai thác mỏ “mang lại lợi ích cho cộng đồng, không làm suy thoái môi trường và mang lại thêm công nghệ và đầu tư”.

Khi được hỏi về việc đầu tư của Mỹ cho kế hoạch rời khỏi Trung Quốc, ông Fernandez nói: “Đây là một cơ hội. Việt Nam có tiềm năng trở thành một trung tâm sản xuất lớn hơn nữa”, theo Nikkei.

Theo lời Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, một trong những thách thức lớn nhất của Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn là thiếu nhân lực có đủ kỹ năng tay nghề phù hợp. Ông nói có nhiều công ty muốn đầu tư vào Việt Nam nhưng gặp khó khăn khi tìm kiếm nguồn nhân sự đủ năng lực.

Quan chức Mỹ nói thêm rằng lực lượng lao động trẻ của Việt Nam là một tài sản và ông đã nói với các sinh viên trong chuyến thăm của mình rằng “Hãy tận dụng lợi thế này vì nó có thể không tồn tại ở đây mãi mãi”.

Bình Minh (t/h)