Nhận lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân, Tổng thống Đức Frank- Walter Steinmeier và Phu nhân, bà Elke Büdenbender, sẽ thăm cấp nhà nước đến Việt Nam từ ngày 23 đến ngày 24/1.

tong thong duc va phu nhan tham viet nam
Tổng thống Đức Frank- Walter Steinmeier. (Ảnh: photocosmos1/shutterstock)

Thông tin từ Đại sứ quán Đức tại Việt Nam cho biết qua chuyến thăm này, Tổng thống Frank- Walter Steinmeier muốn nhấn mạnh mục tiêu của Đức là mở rộng và đa dạng hóa quan hệ chính trị và kinh tế với Việt Nam.

Tháp tùng Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức Frank- Walter Steinmeier có một phái đoàn doanh nghiệp.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Frank- Walter Steinmeier dự kiến có các buổi hội đàm với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, hội kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Tổng thống Frank- Walter Steinmeier sẽ tới đặt vòng hoa tưởng niệm tại Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, thăm Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng như gặp gỡ các học viên, giáo viên, các đối tác tuyển chọn lao động để tìm hiểu về chủ đề trao đổi lao động lành nghề giữa Việt Nam và Đức. Sau đó, Tổng thống dự kiến sẽ tham dự buổi trò chuyện về tiểu sử và kinh nghiệm nhập cư.

Trong ngày làm việc thứ hai tại Việt Nam, Tổng thống Frank- Walter Steinmeier sẽ rời đi TP.HCM. Tại đây, ông và đoàn doanh nghiệp Đức sẽ có cuộc trao đổi với đại diện các doanh nghiệp tại Việt Nam về triển vọng hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước.

Sau đó, Tổng thống sẽ tới thăm Trường Đại học Việt Đức (VGU) và có bài phát biểu trước sinh viên, giảng viên của trường. Việt Nam và Đức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1975. Hai nước nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược năm 2011. Từ năm 2020, Việt Nam được xếp là “Đối tác toàn cầu” trong Chiến lược hợp tác phát triển đến năm 2030 của Đức.

Theo ông Guido Hildner, Đại sứ Đức tại Việt Nam, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là lĩnh vực trụ cột quan trọng trong quan hai nước.

Năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 11 tỷ USD. Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu u. Trên 350 doanh nghiệp Đức đang hoạt động tại Việt Nam.

Tính đến tháng 5/2023, Đức có 444 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2,36 tỷ USD, đứng thứ 18/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.

Giáo dục là một trong những lĩnh vực trọng tâm hợp tác của Đức tại Việt Nam. Hiện khoảng 300 nghiên cứu sinh Việt Nam nhận học bổng nghiên cứu tại Đức và khoảng 7.500 sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường đại học của Đức. Hai nước thúc đẩy hợp tác đào tạo nghề.

Trường Đại học Việt Đức, trường đại học công lập hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức hướng đến mô hình trường đại học xuất sắc không chỉ của Việt Nam mà có tầm nhìn lâu dài thành một trường đại học xuất sắc của khu vực. Ngoài ra, hai nước tập trung phát triển các lĩnh vực hợp tác khác như năng lượng, môi trường và biến đổi khí hậu.

“Cuối cùng, tôi xin nhắc đến cộng đồng người Việt đông đảo ở Đức với gần 200.000 người. Người Việt Nam ở Đức là cầu nối quan trọng giữa hai nước chúng ta”, ông Guido Hildner nói.

Minh Long