Liên quan việc người dân mua nhà ở thương mại nhưng chưa được cấp sổ hồng do dự án đã bị thế chấp, đại biểu HĐND TP.HCM đề nghị khởi tố chủ đầu tư.

tp hcm 41 60 du an bi the chap nhieu nguoi mua nha chua duoc cap so hong
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại phiên giải trình ngày 5/7. (Ảnh: Chụp màn hình/video/hcmcpv.org.vn)

Chiều ngày 5/7, Thường trực HĐND TP.HCM tổ chức phiên giải trình về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất (sổ hồng) tại các dự án nhà ở thương mại ở TP.

Theo thống kê của Sở TN&MT, TP. hiện có 60 dự án nhà ở bị chủ đầu tư thế chấp cho ngân hàng, trong đó có 41/60 dự án thế chấp từ năm 2016 – 2023 và nhiều dự án thế chấp từ các năm 2008 – 2011, đến nay chủ đầu tư vẫn chưa giải chấp nên người mua nhà không được cấp giấy chứng nhận.

Nhiều đại biểu HĐND chất vấn trách nhiệm của Sở Xây dựng trong việc kiểm soát khi tiếp nhận hồ sơ xác nhận đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai đối với các dự án có thế chấp.

Đại biểu Châu Trương Hoàng Thảo chỉ ra có trường hợp dự án người mua nhà đã đóng tiền mua mà chủ đầu tư vẫn cố tình mang đi thế chấp dù không được sự đồng ý của người mua nhà. “Trường hợp này cơ quan công an có khởi tố được không? TP. có giải pháp ngăn chặn thế nào?”, đại biểu Thảo hỏi.

Giải trình nội dung này, Phó giám đốc Sở Xây dựng Huỳnh Thanh Khiết cho hay từ thời điểm Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực thi hành (năm 2015) đã quy định rõ dự án nhà ở hình thành trong tương lai được Sở Xây dựng ra văn bản xác nhận đủ điều kiện mở bán thì chủ đầu tư mới ký kết hợp đồng bán cho khách hàng.

Đối với dự án thế chấp thì chỉ được bán khi có văn bản đồng ý của bên nhận thế chấp là ngân hàng hoặc khách hàng mua nhà. Trong trường hợp này, Sở Xây dựng sẽ ghi vào văn bản xác nhận là dự án có thế chấp để người mua nhà biết và cân nhắc.

“Trường hợp chủ đầu tư cố tình bán nhà đang thế chấp cho khách hàng hoặc nhà đã bán vẫn mang thế chấp mà không được sự đồng ý của bên mua thì vi phạm pháp luật hình sự”, ông Khiết khẳng định.

Về việc xử lý hành vi trên của chủ đầu tư, Đại tá Trần Thị Kim Lý – chánh văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho rằng có thể xem xét trách nhiệm hình sự của chủ đầu tư.

“Tuy nhiên, cơ quan công an phải căn cứ quy định để xác định ý thức chủ quan của chủ đầu tư khi đã bán nhà cho khách mà vẫn mang tài sản đó đi thế chấp, xem xét dự án có đủ điều kiện mở bán hay không, nội dung thỏa thuận cụ thể giữa khách hàng và chủ đầu tư, làm rõ phạm vi tài sản mang thế chấp là toàn bộ hay một phần dự án, khả năng tài chính của chủ đầu tư…”, bà Lý nêu.

Đến nay, TP.HCM chưa có cơ quan nào chủ trì trong việc theo dõi, tổng hợp, đánh giá toàn diện về tình hình phát triển các dự án nhà ở thương mại; TP. chưa có số liệu tổng thể về các dự án đã cấp và chưa được cấp giấy chứng nhận. Do đó, TP. không thể xác định đầy đủ các nguyên nhân, cũng như đề ra các hướng giải quyết, không dự báo thời gian, tiến độ cụ thể và không chuẩn bị được nguồn lực để xem xét, tháo gỡ những vướng mắc này.

Để khắc phục, theo Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ UBND TP. cần rà soát tổng thể các dự án phát triển nhà ở thương mại đã được đưa vào sử dụng nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận, xác định rõ nguyên nhân, vướng mắc, có kế hoạch, lộ trình, thời gian cụ thể để xem xét, giải quyết cho người mua nhà.

Khánh Vy