TP.HCM đặt mục tiêu phát triển ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế sản xuất, dịch vụ và kinh tế sáng tạo quan trọng, tạo lợi nhuận và giải quyết việc làm. Dự kiến tổng nhu cầu vốn phục vụ cho công nghiệp văn hóa đến năm 2030 là 14.668 tỷ đồng.

cong nghiep van hoa
Bảng giới thiệu phim chiếu tháng 4 tại một rạp chiếu phim tại TP.HCM, năm 2023. (Ảnh: Sorbis/Shutterstock)

Cuối tháng 10 vừa qua, UBND TP.HCM ra quyết định phê duyệt Đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP.HCM đến năm 2030.

Chính quyền TP.HCM đặt ra mục tiêu việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế sản xuất, dịch vụ và kinh tế sáng tạo quan trọng, phát triển cả về chất và lượng, tạo lợi nhuận để tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm. Không chỉ hướng tới mục tiêu lợi nhuận, chính quyền TP.HCM còn kỳ vọng thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, sẽ xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa của thành phố.

Theo kế hoạch, TP.HCM tập trung vào 8 ngành văn hóa – nghệ thuật gồm: điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa, thời trang.

Trong giai đoạn 2021-2025, chính quyền TP muốn đưa TP.HCM trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước và khu vực. Đầu tư nguồn lực phù hợp, khuyến khích xã hội hóa, tập trung phát triển một số ngành sẵn có lợi thế, có nhiều giá trị đóng góp vào tổng sản phẩm của TP (GRDP).

Trong 5 năm tiếp theo, giai đoạn 2026-2030, mục tiêu là “phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại” tất cả các ngành công nghiệp văn hóa tại TP. một cách bền vững, được ứng dụng công nghệ tiên tiến; các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của thành phố sẽ có thương hiệu uy tín trong khu vực và quốc tế, đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển để xuất khẩu ra khu vực và thế giới.

Đề án đặt mục tiêu đưa TP.HCM trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của khu vực Đông Nam Á.

Dự kiến, tổng nhu cầu vốn để thực hiện đề án là 14.668 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước là 9.615 tỷ đồng (tương đương 65,5%), còn lại ngân sách từ nguồn xã hội hóa.

Hiện tại TP.HCM có 17.670 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực văn hóa, chiếm tỷ lệ 7,74% trong tổng số doanh nghiệp của toàn thành phố.

Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa ở TP.HCM năm 2010 đạt trên 36.094 tỷ đồng, tăng lên trên 84.123 tỷ đồng vào năm 2019. Năm 2020, doanh thu của ngành sụt giảm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán), ở mức 77.135 tỷ đồng.

Trong GRDP của thành phố năm 2010, sản xuất công nghiệp văn hóa chiếm tỷ trọng 3,77%, đến năm 2019 đạt 3,88%, trong đó ngành quảng cáo có tỷ lệ lớn nhất.

Năm 2020, với giá trị sản xuất 36.732 tỷ đồng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các ngành công nghiệp văn hóa vẫn chiếm tỷ trọng 3,54% tổng GRDP của toàn thành phố.

Theo số liệu do TS. Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương tổng hợp, tính trên cả nước, các ngành công nghiệp văn hóa tạo ra giá trị tương đương 2,44% GDP (2010); 3,5% GDP (2015); 3,61% GDP (2018) (tương đương 8.081 tỷ USD).

Nguyễn Sơn