Dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa là dự án trọng điểm nhưng nhiều năm qua, đoạn 2, 3, 4 của dự án vẫn bất động. Chủ đầu tư cho biết sẽ chấm dứt hợp đồng với các nhà thầu yếu kém làm chậm tiến độ thi công dự án.

chong sat lo ban dao thanh da
Nhiều vị trí ven bờ sông đoạn 2 để ngổn ngang vật liệu thi công. (Ảnh: vnexpress.net)

Bán đảo Thanh Đa (rộng 635 ha, quận Bình Thạnh, cách trung tâm TP.HCM gần 5km) được bao quanh bởi sông Sài Gòn và kênh Thanh Đa, lối tiếp cận duy nhất bằng đường bộ thông qua cầu Kinh Thanh Đa, trên trục đường Bình Quới – Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Vùng đất này nằm trọn giữa các tuyến sông, kênh, từng xảy ra nhiều vụ xói lở.

Năm 2003, UBND TP.HCM giao Sở GTVT nghiên cứu, đề xuất xây dựng Dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa. Đây là dự án trọng điểm nhằm chống sạt lở trên tuyến đường sông Sài Gòn.

Năm 2006, UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương đầu tư, xây dựng kè chống sạt lở ở khu vực này, chia thành 4 đoạn chính.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2019 chỉ có đoạn 1 được xây dựng hoàn tất.

Riêng đoạn 2, 3, 4 có tổng chiều dài khoảng 9km, vốn đầu tư hơn 1.340 tỷ đồng, đến nay vẫn dang dở, nhiều đoạn đã dừng thi công từ lâu.

Tại đoạn 2 (sông Sài Gòn – khu vực khách sạn Sài Gòn Domine), dài gần 2,8km, vốn đầu tư 319 tỷ đồng, hiện toàn bộ hoạt động thi công đã dừng. Xung quanh nơi này đang tập trung đông dân cư, nhiều xưởng kinh doanh biển quảng cáo, nhà trọ… ở gần bờ. Công trình xây kè chưa hoàn thành nên đoạn này vẫn trong danh sách nguy cơ sạt lở đặc biệt nguy hiểm ở TP.HCM.

Tương tự, tại đoạn 4 (sông Sài Gòn – Khu biệt thự Lý Hoàng đến Nhà thờ La San Mai Thôn), công trường thi công đang ngưng trệ. Đoạn này dài khoảng 2,7 km, vốn đầu tư hơn 380 tỷ đồng.

Hiện có đoạn 3 của dự án từ xưởng cơ khí Tiền Phong đến ngã ba Rạch Chùa, dài 4 km, vốn đầu tư hơn 643 tỷ đồng, đang được triển khai.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, cho biết để đảm bảo tiến độ công trình, trong tháng 7 và 8, Ban sẽ tiến hành các thủ tục chấm dứt hợp đồng, đi kèm là biện pháp xử lý hành chính đối với các nhà thầu yếu kém làm chậm tiến độ thi công kè chống sạt lở bán đảo Thanh Đa; đồng thời sẽ đấu thầu chọn đơn vị mới đủ năng lực để tiếp tục thi công.

Sở GTVT TP.HCM cho biết công trình Chống sạt lở bán đảo Thanh Đa nằm tại các vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Theo đó, việc chậm triển khai thi công đã gây ảnh hưởng đến mục tiêu phòng, chống sạt lở cấp bách cũng như bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân và các công trình hạ tầng trong khu vực.

Theo thống kê, TP.HCM có 32 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Trong đó có 8 vị trí đặc biệt nguy hiểm và 24 vị trí nguy hiểm gây ảnh hưởng khoảng 1.328 hộ dân.

Trong số 8 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm có 3 điểm ở huyện Nhà Bè, 2 ở TP. Thủ Đức, 2 ở huyện Bình Chánh, 1 ở huyện Cần Giờ.

Minh Long