Công an TP.HCM đang đề xuất tăng mức tiền phạt vi phạm giao thông đường bộ tại nội thành thành phố lên gấp đôi mức áp dụng trên toàn quốc để cải thiện tình trạng giao thông. Tuy nhiên, bản dự thảo chưa trả lời được trước những bất cập như “bẫy” giao thông, kinh tế khó khăn hậu COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán), chưa lấy ý kiến từ người dân, doanh nghiệp…

giao thong tphcm
Cảnh ùn tắc trên đường phố TP.HCM nhìn qua cửa kính xe buýt, tháng 1/2017. (Ảnh minh họa: Iryna Hromotska/Shutterstock)

Dự thảo Nghị quyết Quy định khung tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trong khu vực nội thành trên địa bàn TP.HCM được đưa ra lấy ý kiến phản biện vào sáng 11/11, do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM và Ban Giám đốc Công an TP.HCM phối hợp tổ chức.

Dự thảo gồm 3 chương, 8 điều, được quy định với những nội dung cụ thể như: Xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ và quy định về vận tải đường bộ; Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy; Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về thi công, bảo trì công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ.

Theo dự thảo, Công an TP.HCM đề xuất tăng gấp đôi mức phạt tiền phạt trong Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung năm 2021) đối với các hành vi vi phạm giao thông đường bộ trong nội thành TP.HCM.

Thượng tá Đoàn Văn Quới, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an TP.HCM (PC08) cho biết, những năm qua tại TP.HCM, số vụ tai nạn giao thông luôn ở mức cao, tỷ lệ phương tiện giao thông tăng hàng năm, tình trạng ùn ứ giao thông vẫn xảy ra vào các giờ cao điểm…

Trong khi đó, TP.HCM là đầu mối giao thông quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nối các tỉnh Đông Nam bộ và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, với nhiều trục đường quốc lộ quan trọng chạy qua như Quốc lộ 1A, 1K, 13, 22, 50… Vì vậy, theo đại diện Công an TP.HCM, cần thiết phải có quy định, chế tài đặc thù cho TP để nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của người tham gia giao thông, giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông.

Theo ông Quới, việc tăng mức khung tiền phạt sẽ tạo thuận lợi cho việc tuyên truyền, dễ nhớ, “đánh mạnh” vào ý thức của người dân khi tham gia giao thông. Trên thực tế, các vi phạm vi an toàn giao thông phổ biến hiện nay như lưu thông ngược chiều, đi vào đường cấm, sai làn đường, không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu, dừng, đậu sai quy định… ở khu vực nội thành là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông…

Phạm vi không gian để áp dụng khung tiền phạt bao gồm tuyến đường vành đai và toàn bộ các đường bên trong tuyến vành đai. Cụ thể, tuyến đường vành đai được xác định là: Quốc lộ 1 (đoạn từ giao lộ Quốc lộ 1 – Nguyễn Văn Linh đến giao lộ Quốc lộ 1 – Xa lộ Hà Nội) — Xa lộ Hà Nội (đoạn từ Quốc lộ 1 – Xa lộ Hà Nội đến nút giao thông Cát Lái) — đường Mai Chí Thọ – đường Đồng Văn Cống (đến đường Võ Chí Công) – đường Võ Chí Công (từ đường Đồng Văn Cống đến cầu Phú Mỹ) – cầu Phú Mỹ – đường Trên cao (từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Khu A Nam Sài Gòn) – đường Nguyễn Văn Linh (đoạn từ nút giao Khu A Nam Sài Gòn đến Quốc lộ 1).

Đưa ra ý kiến phản biện, luật sư Nguyễn Văn Hậu (Đoàn luật sư TP.HCM), Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng dự thảo này còn nhiều vấn đề cần xem xét lại.

Theo ông Hậu, dự thảo vẫn chưa lấy ý kiến của đối tượng trực tiếp chịu tác động là người tham gia giao thông, chưa đánh giá tác động sau khi ban hành, chưa có báo cáo tổng kết việc thi hành xử phạt vi phạm hành chính trong thời gian qua để có cái nhìn khách quan. Ngoài ra, trên thực tế còn tồn tại nhiều “bẫy” giao thông trên đường, như biển báo hiệu bị che khuất, biển báo không đồng nhất với vạch chỉ đường…

Luật sư Hậu đề nghị tạm dừng thông qua nghị quyết nói trên, để các sở, ban ngành nghiên cứu thêm và làm lại, xem xét, sửa đổi những bất cập về xử phạt vi phạm hành chính vi phạm giao thông dựa trên thực tế hiện nay của thành phố.

Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung, nguyên Trưởng ban Văn hoá – Xã hội HĐND TP.HCM lo ngại có thật sự cần thiết ban hành nghị quyết trong thời điểm hiện nay không. Bà Nhung kiến nghị lấy thêm ý kiến của Hiệp hội vận tải TP.HCM về việc gia tăng mức xử phạt.

Một số ý kiến cho rằng cần có sự thống nhất giữa khái niệm “nội thành” và “nội đô”, khái niệm “nội thành” đưa ra trong dự thảo có khác gì với quy hoạch của TP hay không. Bên cạnh đó, các ý kiến cho rằng dự thảo cần có số liệu, thông tin cụ thể để đánh giá Nghị định 100 hiện hành có điểm nào chưa phù hợp để phải thay thế.

Ngoài ra, ngoài giải pháp tăng mức xử phạt, một số ý kiến cho rằng cần tăng truyền thông về an toàn giao thông, nhất là với học sinh. Đại biểu Đồng Văn Khiêm, thành viên hội đồng tư vấn về Khoa học – Kỹ thuật – Môi trường của Ủy ban MTTQ TP.HCM kiến nghị phải đưa Luật Giao thông vào trường học như môn học bắt buộc, để xây dựng văn hoá giao thông từ lớp trẻ.

Đáng lưu ý, một số đại biểu cho rằng dự thảo nghị quyết chưa đánh giá tác động của mức phạt mới đến người dân. Việc đưa ra chế tài mang tính đặc thù vào thời điểm này là chưa phù hợp trước thực tế dịch bệnh COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) vừa qua đã gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng chưa từng có, còn không ít người dân tại TP.HCM vẫn khó khăn sau dịch bệnh.

Trước các ý kiến phản biện, Thượng tá Đoàn Văn Quới cho biết Công an TP.HCM sẽ cập nhật số liệu, bổ sung vào dự thảo, đồng thời, thời gian tới sẽ triển khai lấy ý kiến người dân về nội dung dự thảo.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt trên cả nước, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Nghị định này vừa được sửa đổi, bổ sung năm 2021 (tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP), áp dụng từ ngày 1/1/2022 với mức phạt tăng đối với nhiều hành vi vi phạm giao thông.

Một số lỗi vi phạm phổ biến bị tăng mức xử phạt như: tăng mức phạt từ 400.000-600.000 đồng thay cho mức từ 200.000-300.000 đồng tại Nghị định 100 đối với người đi môtô, xe máy không đội mũ bảo hiểm, hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai.

Tăng mức phạt từ 800.000 – 1,2 triệu đồng lên 1 – 2 triệu đồng đối với người chạy xe máy không có bằng lái, hoặc dùng bằng lái bị tẩy xóa, bằng lái không hợp lệ. Với người lái môtô trên 175 cm3, mức phạt hành vi này tăng từ 1,2-3 triệu đồng lên 2-4 triệu đồng.

Với người điều khiển xe máy gắn không đủ biển số hoặc biển số không đúng vị trí, không rõ chữ; bị bẻ cong, che lấp; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ số hoặc đổi màu của chữ số, nền biển, bị phạt từ 300.000 – 400.000 đồng thay vì 100.000 – 200.000 đồng như trước. Với những người lái ôtô, mức phạt tăng gấp nhiều lần, từ 800.000 – 1 triệu đồng lên mức 4 – 6 triệu đồng.

Đối với tài xế ôtô không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ, mức phạt tăng từ 3-5 triệu đồng lên 6-8 triệu đồng, tước bằng lái xe 2-4 tháng.

Hành vi chở quá tải bị tăng mức phạt rất cao với tài xế lẫn chủ xe. Chở quá tải trên 10 – 20%, mức phạt tăng gấp đôi, lên 4 – 6 triệu đồng; chở quá tải trên 20 – 50% mức phạt tăng lên đến 15 triệu đồng, tước bằng lái đến 3 tháng…

Tài xế chở quá tải trên 50% mức phạt tăng từ 5 – 7 triệu đồng lên 40 – 50 triệu đồng, tước bằng lái 3 – 5 tháng thay vì 1 – 3 tháng như trước đây. Trường hợp này chủ xe là cá nhân mức phạt tăng từ 14 – 16 lên 70 – 75 triệu đồng, chủ xe là tổ chức mức phạt tăng từ 28 – 32 triệu đồng lên 140-150 triệu đồng.

Minh Sơn