Trong một tweet bằng tiếng Anh và tiếng Ả Rập trên X (Twitter) hôm 15/10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng trong quá khứ, Trung Quốc từng bảo hộ cho 20.000 người tị nạn Do Thái. Cư dân mạng chỉ ra bà Hoa đã xuyên tạc công lao trong sự kiện lịch sử này.

id14097158 1z 600x400 1
Người phát ngôn Hoa Xuân Oánh của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ chia sẻ bằng tiếng Ả Rập trên nền tảng xã hội X, đề cập đến 20.000 người Do Thái đã tị nạn ở Thượng Hải trong Thế chiến II. (Ảnh chụp màn hình)

Ngày 15/10 bà Hoa Xuân Oánh đăng trên nền tảng X rằng Trung Quốc lên án và phản đối mọi hành động gây tổn hại cho dân thường, hy vọng Palestine và Israel sẽ đạt được lệnh ngừng bắn và xoa dịu tình hình càng sớm càng tốt. Tất cả các bên cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là luật nhân đạo quốc tế.

Bà Hoa cho hay, trong Thế chiến II, người dân Trung Quốc đã cho 20.000 người Do Thái tị nạn: “Có câu ‘Việc mình không muốn, chớ làm cho người’, bi kịch trong quá khứ không nên tái diễn với bất kỳ ai hôm nay. Mỗi mạng sống đều quý giá, bất kể tín ngưỡng hay chủng tộc của họ”.

Một số cư dân mạng để lại tin nhắn cho rằng bà Hoa Xuân Oánh đánh tráo vấn đề công lao này: “Trung Hoa Dân Quốc liên quan gì đến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)? Các người lên nắm quyền thông qua một cuộc đảo chính, có được quyền lực bằng thủ đoạn không chính đáng”; “Bảo hộ cho người Do Thái trong Thế chiến II là Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc, họ có liên quan gì đến Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bây giờ?”; “Đó là một kỳ công trong thời Trung Hoa Dân Quốc bị chiến tranh tàn phá, liên quan gì đến ĐCSTQ?”…

Hoa Xuan Oanh
Phát ngôn viên BNG Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Ảnh: Twitter Hoa Xuân Oánh)

Trong khi có người chế giễu rằng Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc trong Thế chiến II đã tiếp nhận đến ở Thượng Hải gần 20.000 người tị nạn Do Thái, còn năm 2023 chính quyền ĐCSTQ đã cho hồi hương tới 2.600 “người đào thoát” Bắc Triều Tiên.

Các nguồn tư liệu lịch sử chỉ ra, quan chức đại diện chính thức của Trung Quốc có công lao đó thời Thế chiến II là ông Hà Phụng Sơn (He Fengshan). Khi đó ông Hà Phụng Sơn là Tổng lãnh sự của Lãnh sự quán Trung Hoa Trung Quốc [Quốc dân đảng của Đài Loan hiện nay] tại Vienna – phục vụ tại Vienna từ năm 1938 đến năm 1940. Giai đoạn lịch sử đó Áo đang bị Đức Quốc xã chiếm đóng, các nước khác vì sợ chọc giận Đức Quốc xã nên không sẵn lòng cấp thị thực cho những người nhập cư Do Thái đang chạy trốn. Tuy nhiên bất chấp phản đối của cấp trên, ông Hà Phụng Sơn đã cấp hàng ngàn thị thực Thượng Hải cho người Do Thái, cho phép họ trốn sang Thượng Hải hoặc các nước khác để tị nạn.

Sau khi chính quyền Đức Quốc xã tịch thu Tổng lãnh sự quán với lý do vốn là tài sản của người Do Thái, ông Hà Phụng Sơn đã thuê một căn hộ nhỏ bằng tiền riêng của mình để chuyển Tổng lãnh sự quán đến đó và tiếp tục giúp đỡ người Do Thái.

Được biết, trong thời kỳ Đức Quốc xã chiếm đóng Áo, một thanh niên Do Thái 17 tuổi tên là Eric Goldstaub đã đến hơn 50 lãnh sự quán nước ngoài nhưng không xin được thị thực, cuối cùng thanh niên này đã cầu cứu lãnh sự quán Trung Hoa Dân Quốc và ông Hà Phụng Sơn đã cấp 20 thị thực cho thanh niên này cùng người thân, nhờ đó họ có thể rời Áo một cách thuận lợi.

Sau khi Goldstaub qua đời ở Canada vào năm 2012, con trai ông nói: “Rất nhiều người có lẽ bây giờ không còn tồn tại nếu không có Tiến sĩ Hà, trong Thế chiến II nhiều người đã được ông ấy đã cứu sống”.

Hiện không thể biết ông Hà Phụng Sơn đã cấp bao nhiêu thị thực cho người Do Thái, nhưng dựa trên số thị thực có số sê-ri gần 4.000, có thể suy đoán ông đã cấp hàng ngàn thị thực. Vì hành động chính nghĩa cứu người Do Thái mà ông Hà Phụng Sơn còn được ví là “Oskar Schindler Trung Quốc”.

Trong suốt cuộc đời, ông Hà Phụng Sơn chưa bao giờ kể cho vợ con hay bạn bè về công lao đó của ông trong Thế chiến II, mãi cho đến năm 1997 khi ông qua đời ở San Francisco (tuổi 96) thì cáo phó của ông mới tiết lộ một số manh mối. Vào thời điểm đó khi con gái ông là Hà Man Lễ (He Manli) viết cáo phó, cô đã viết về cuộc gặp gỡ của ông với Gestapo (cảnh sát mật Đức) và việc cứu những người bạn Do Thái trong Thế chiến II, đây là sự kiện duy nhất trong quá khứ thời chiến mà ông từng kể cho cô nghe. Không ngờ, có người phụ trách cuộc triển lãm về việc giải cứu các nhà ngoại giao nhìn thấy cáo phó và liên lạc với cô, điều đó khiến cô trăn trở và bỏ ra nhiều năm thu thập các tài liệu lịch sử liên quan đến cha mình.

Mộc Vệ (t/h)