Vào ngày 2/6, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố Báo cáo Thường niên về Tự do Tôn giáo Toàn cầu năm 2021, trong đó chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) về hành vi “diệt chủng” người Duy Ngô Nhĩ. 

Embed from Getty Images

Ngày 2/6/2022, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken công bố Báo cáo Tự do Tôn giáo Toàn cầu năm 2021. (Ảnh: Win McNamee / Getty Images)

“Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn tiếp tục diệt chủng và đàn áp người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi và các nhóm thiểu số tôn giáo khác”, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Blinken cho biết tại một cuộc họp báo. “Kể từ tháng 4/2017, đã có hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakh, người Kyrgyz bị giam giữ  trong các trại giam ở Tân Cương,” ông nói.

Trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm (2/6), Đại sứ Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, ông Rashad Hussain, nói với giới truyền thông rằng: “Có quá nhiều chính phủ vẫn chưa ngừng đàn áp công dân của họ. Trung Quốc là một ví dụ điển hình, điều này không có gì đáng ngạc nhiên.” “Chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) tiếp tục thực hiện tội ác diệt chủng và tội ác chống lại loài người đối với người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi và thành viên của các nhóm dân tộc và tôn giáo khác.”

Ông Blinken cho biết, tự do tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của con người. Khi các quyền cơ bản của người dân được tôn trọng trong việc tín phụng hoặc lựa chọn không theo tôn giáo, họ hoàn toàn có thể đóng góp vào thành tựu của cộng đồng và mang lại lợi ích cho toàn xã hội; Ngược lại, nếu quyền này bị chính phủ tước đoạt, nó thường gây ra sự căng thẳng, chia rẽ, bất ổn và xung đột trong xã hội.

Một ngày trước khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nhậm chức, Washington kết luận rằng Trung Quốc đang thực hiện “tội ác diệt chủng và chống lại loài người”, chống lại người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Các nhóm nhân quyền và nhân chứng cho biết hơn 1 triệu người đang bị giam giữ trong các trại giam ở Tân Cương.

Ban đầu, ĐCSTQ phủ nhận sự tồn tại của bất kỳ trại giam nào ở Tân Cương, nhưng vào năm 2018 đảng này lại cho biết, họ đã thành lập các “trung tâm đào tạo nghề” cần thiết, nhằm kiềm chế “chủ nghĩa khủng bố”, “chủ nghĩa ly khai” “chủ nghĩa cực đoan tôn giáo” ở khu vực Tân Cương mà họ tuyên bố.

ĐCSTQ đã bác bỏ các cáo buộc ngược đãi, lên án “các cuộc tấn công phỉ báng” đối với tình hình của người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số tôn giáo khác ở Tân Cương.

Báo cáo của Bộ Ngoại giao cũng cáo buộc Chính phủ Trung Quốc tuyên bố kiểm soát và hạn chế “hoạt động và quyền tự do cá nhân của các tín đồ tôn giáo mà họ cho là đe dọa lợi ích của nhà nước hoặc ‘Đảng Cộng đồng của người Hoa’”.

“Các tổ chức phi chính phủ và giới truyền thông liên tiếp đưa tin về những vụ tử vong khi bị giam giữ; chính phủ (ĐCSTQ) đã tra tấn, ngược đãi thể xác, bắt giữ, làm mất tích, giam giữ, kết án tù, lao động cưỡng bức và tẩy não thành viên của các nhóm tôn giáo đã đăng ký và chưa đăng ký,” báo cáo viết.

Báo cáo còn cho biết: “‘Nhân quyền không biên giới’, một tổ chức phi chính phủ, ước tính, đến ngày 7/12/2021, Chính phủ (ĐCSTQ) đã bỏ tù 2.987 người vì thực hiện quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng của họ.

Theo trang web Minghui.org (Minh Huệ) của Pháp Luân Công, năm 2021, ít nhất 101 học viên Pháp Luân Công đã thiệt mạng vì bị bức hại tín ngưỡng, năm 2020 là khoảng 107 người. Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, cảnh sát đã bắt giữ hơn 5.000 học viên Pháp Luân Công và quấy rối hơn 9.000 người.

Báo cáo còn nói: “Những người theo đạo Thiên chúa, đạo Hồi, Phật giáo Tây Tạng và các học viên Pháp Luân Công nói rằng họ bị xã hội phân biệt đối xử nghiêm trọng khi tìm việc, nhà ở và cơ hội kinh doanh. Truyền thông quốc tế đưa tin rằng phong trào chống Hồi giáo đang gia tăng trong xã hội do chiến dịch Hán hóa của Chính phủ (ĐCSTQ).”

Theo “Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế” của Hoa Kỳ năm 1998, hàng năm Bộ Ngoại giao sẽ đánh giá tình trạng tự do tôn giáo ở các quốc gia khác nhau và công bố một báo cáo về kết quả trên. Báo cáo năm 2021 gồm gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Hôm 12/04, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã buộc tội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thực hiện tội ác diệt chủng và tội ác phản nhân loại trong suốt năm 2021.

“Những tội ác này vẫn tiếp diễn không ngừng và gồm có: việc bỏ tù tùy tiện hoặc tước đoạt tự do thể chất nghiêm trọng khác của hơn 1 triệu thường dân; cưỡng bức triệt sản, cưỡng bức phá thai, và áp dụng các chính sách kiểm soát sinh sản mang tính hạn chế hơn đối với đất nước; cưỡng hiếp; tra tấn một lượng lớn những người bị giam giữ tùy tiện; cưỡng bức lao động; và có những hạn chế hà khắc đối với tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng, tự do ngôn luận và tự do đi lại.”

Báo cáo nói rằng nhà cầm quyền Bắc Kinh đang lạm dụng hệ thống thông báo đỏ được sử dụng để ban hành lệnh truy nã quốc tế của Interpol, bằng cách gửi các cáo buộc không có thật cho cảnh sát quốc tế với hy vọng các quốc gia buộc các đối thủ chính trị hồi hương về Trung Quốc để họ có thể bị cầm tù.

Ngày 25/4, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) đã công bố Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2022, cho biết “Pháp Luân Công” “đặc biệt dễ bị bức hại” ở Trung Quốc.

Nhiều cựu tù nhân và người bị giam giữ cho biết họ bị đánh đập, cưỡng hiếp, bị cho điện giật, bị bắt ngồi trên ghế đẩu trong nhiều giờ liên tục, bị treo mình lên không trung bằng cổ tay, bị cấm ngủ, bức thực, bị ép uống thuốc trái với ý muốn của họ, nếu không tuân theo họ sẽ bị ngược đãi về thể chất và tinh thần.

Pháp Luân Công dạy mọi người thực hành “Chân – Thiện – Nhẫn” trong cuộc sống, giúp các học viên khỏe mạnh về thể chất và tinh thần. Năm 1999, cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công với quy mô chưa từng có, được Công an, Viện kiểm sát và các Sở Tư pháp phối hợp triển khai, và đã vượt xa phạm vi pháp luật. Đến nay, Pháp Luân Công đã có mặt tại hơn 100 quốc gia và giành được hơn 3.000 giải thưởng quốc tế.

Ông Blinken cũng nêu tên Đài Loan, Morocco, cùng nhiều quốc gia và khu vực khác đã đạt được tiến bộ đáng kể về vấn đề tự do tôn giáo.

Bình Minh (t/h)