Nhà cầm quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không ngừng đàn áp những người bảo vệ nhân quyền và những người bất đồng chính kiến. Báo cáo mới nhất từ tổ chức “Bảo vệ Nhân quyền Trung Quốc” (Chinese Human Rights Defenders, CHRD) chỉ ra nhiều trường hợp người thân của người đấu tranh nhân quyền bị cơ quan chức năng ĐCSTQ đàn áp.

Báo cáo được CHRD công bố hôm 15/4 có tựa đề: “Nếu tôi không phục tùng, gia đình tôi sẽ chịu nạn”.

nhan quyen
Ngày 27/4/2020, anh Vương Toàn Chương trở về nhà ở Bắc Kinh và chụp ảnh chung với vợ con. (Ảnh chụp màn hình Twitter của Lý Văn Túc)

Báo cáo cho thấy chính quyền ĐCSTQ không chỉ đàn áp các nhà hoạt động nhân quyền mà còn quấy rối cuộc sống con cái họ, tước quyền học tập hoặc ra nước ngoài, hoặc bắt nhốt vào bệnh viện tâm thần hoặc trại trẻ mồ côi. ĐCSTQ thậm chí còn bắt giữ người thân của các nhà hoạt động thông qua tố tụng hình sự để gây áp lực lên các nhà hoạt động đang bị cầm tù và ép buộc họ hợp tác với chính quyền.

Người vợ Lý Văn Túc (Li Wenzu) của luật sư nhân quyền Vương Toàn Chương (Wang Quanzhang) khi tham dự một cuộc họp báo trực tuyến do Tổ chức CHRD tổ chức vào ngày 11/4, đã trình bày chi tiết về việc gia đình cô trong năm qua bị sách nhiễu như thế nào, rằng cuộc bức hại từ phía an ninh nhà nước diễn ra cả ngày lẫn đêm.

Ngày 9/7/2015, chính quyền ĐCSTQ đã phát động chiến dịch bắt giữ các luật sư nhân quyền ở 23 tỉnh (sự kiện 709) – chiến dịch này đã bắt hàng trăm luật sư, người bảo vệ nhân quyền, người khởi kiện và người thân của họ.

Theo Đài VOA, ông Vương Toàn Chương bị bắt và bỏ tù vì ông thường đại diện cho các vụ án nhạy cảm, bao gồm các vụ án về người tập Pháp Luân Công, các vụ đất đai của nông dân, các vụ án theo đạo Cơ đốc… Ông bị kết án 4 năm 6 tháng tù vì tội lật đổ quyền lực nhà nước. Dù vào năm 2020 ông được trả tự do, nhưng sau đó ông vẫn không ngừng bị quấy nhiễu cuộc sống.

Ngoài việc bị chính quyền tước quyền hành nghề luật sư, Vương Toàn Chương còn liên tục bị chính quyền sách nhiễu sau khi ra tù, khiến chỉ trong hai tháng mà gia đình ông buộc phải di chuyển 13 lần. Ông tiết lộ chuyện tại ngôi trường nhận con ông học bị cảnh sát đến quấy rối: “Ngày hôm sau chúng tôi được thông báo rằng con trai tôi không thể đến trường đó được nữa”. 

Trải nghiệm tương tự cũng được một luật sư nhân quyền khác của “sự kiện 709” là Lý Hòa Bình (Li Heping) và vợ ông là Vương Tiêu Linh (Wang Xiaoling) kể lại. Kể từ tháng Tư năm ngoái họ đã không ngừng bị truy đuổi. Mặc dù sống trong một ngôi nhà có hợp đồng thuê 10 năm, tuy nhiên áp lực của cảnh sát khiến chủ nhà đã cắt điện nước, thậm chí còn ném đá để buộc họ phải ra đi.

Cô Vương Tiêu Linh cho biết trong một cuộc họp báo trực tuyến vào ngày 11/4 rằng cảnh sát ĐCSTQ đã không bỏ qua “điểm yếu” của họ: Vì hai vợ chồng cô bị nhà cầm quyền liệt vào “gia đình tù nhân chính trị” nên con cái họ khó được đến trường.

Cả Vương Tiêu Linh và Lý Văn Túc đều cho biết họ đã nghĩ đến việc cho con đi du học, nhưng đã bị chính quyền chặn lại khi cố gắng rời khỏi đất nước, với lý do “có thể gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”.

Ngày 9/6/2023, luật sư nhân quyền Trung Quốc Lý Hòa Bình bị cảnh sát hạn chế xuất cảnh khi ông cùng vợ và con gái đang chuẩn bị lên chuyến bay đến Thái Lan tại sân bay Thiên Phủ – Thành Đô. Sau vụ việc, cô Vương Tiêu Linh nói với Epoch Times rằng cô, ông Lý Hòa Bình và con gái của họ đã bị cảnh sát chặn lại và thu hộ chiếu cùng vé máy bay. Cảnh sát đọc cho họ thông báo cấm họ rời khỏi đất nước vì gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.

Một trường hợp khác mà người thân bị liên lụy là con của Hà Phương Mỹ (He Fangmei) – người sáng lập nhóm bảo vệ quyền lợi “Vaccine Baby Home”. Cô Hà Phương Mỹ và chồng bị cảnh sát ĐCSTQ giam giữ vào tháng 10/2020, vào năm sau cô và hai đứa con nhỏ bị đưa đến bệnh viện tâm thần ở thành phố Tân Hương tỉnh Hà Nam; sau khi cô sinh một cô con gái trong bệnh viện thì bị cảnh sát chuyển đến trại tạm giam, nhưng hai đứa trẻ vẫn để trong bệnh viện tâm thần.

Theo hồ sơ của nhóm nhân quyền, con trai của Hà Phương Mỹ sau đó đã được gửi đến nhà nuôi dưỡng của một người cung cấp thông tin, người này từ lâu đã báo cảnh sát về gia đình Hà Phương Mỹ. Trong khi đó, vào tháng 9/2023 bệnh viện tâm thần thông báo cho biết hai con gái của Hà Phương Mỹ “không có trong hồ sơ bệnh viện”.

Theo Deutsche Welle (Đức), các nhà hoạt động nhân quyền đã thông báo vào tháng Một năm nay rằng cơ quan chức năng huyện Huy tỉnh Hà Nam đã lừa người mẹ 75 tuổi của Hà Phương Mỹ ký vào văn bản từ bỏ quyền nuôi cháu của bà.

Kể từ khi công bố báo cáo, cuộc điều tra cho thấy tung tích của hai cô con gái của Hà Phương Mỹ vẫn chưa được xác định sau khi họ được bệnh viện đưa đến văn phòng thị trưởng thị trấn Thành Quan huyện Huy vào ngày 1/4 năm nay.

Một nạn nhân khác bị liên lụy là mẹ của Ngưu Đằng Vũ (Niu Tengyu – vụ án EsuWiki), khi tham dự cuộc họp báo trực tuyến của CHRD, bà Khả Khả nói rằng anh Ngưu Đằng Vũ đã bị kết án 14 năm tù vì làm rò rỉ dữ liệu mạng liên quan của ông Tập Cận Bình. Trong thời gian bị bắt, anh đã bị tra tấn vô nhân đạo để lấy lời thú tội, bao gồm treo cổ, đánh đập, ngồi trên ghế cọp, cấm ngủ và không cho ăn. Nhưng đến nay Ngưu Đằng Vũ không thừa nhận cáo buộc anh phạm tội, và bản thân bà cũng đã bị bức hại một thời gian dài vì giúp con trai mình kháng cáo.

Bà Khả Khả nói 4 năm qua bà đã phải chịu đựng nhiều cuộc bức hại vì nhất quyết đi tìm công lý cho con trai. Ngay cả chị gái bà, người đến chăm sóc bà khi bà bệnh cũng trở thành nạn nhân; người thân của nhiều bị cáo khác trong vụ án này cũng đã bị buộc phải viết giấy cam kết vạch rõ ranh giới với bà.

Ngoài ra, báo cáo của CHRD cũng lên tiếng trường hợp luật sư nhân quyền Dư Văn Sinh (Yu Wensheng) và vợ là Hứa Diệm (Xu Yan) đã bị chính quyền ĐCSTQ giam giữ trái phép trong một năm. Liên minh châu Âu ngày 13/4 ra tuyên bố một lần nữa kêu gọi Trung Quốc trả tự do cho vợ chồng ông Dư Văn Sinh, cho phép họ nhận hỗ trợ y tế khi cần thiết, thường xuyên gặp gỡ luật sư mà họ lựa chọn và thường xuyên liên lạc với gia đình họ.

Theo Lý Tranh, Epoch Times