Báo Nhật: Vương Kỳ Sơn truyền đạt mật lệnh của Tập Cận Bình, tham gia “dập lửa” ở Hồng Kông
- Trí Đạt
- •
Phong trào phản đối dự luật dẫn độ tại Hồng Kông đã kéo dài 3 tháng, mặc dù Trưởng Đặc khu hành chính Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga tuyên bố rút lại dự luật dẫn độ sửa đổi, tuy nhiên sự phẫn nộ của người dân Hồng Kông vẫn không hề nguôi. Một tờ báo Nhật Bản có phân tích, cuối tháng trước, thân tín của ông Tập Cận Bình là ông Vương Kỳ Sơn đi xuống phía Nam thuộc tỉnh Quảng Đông, có lẽ từng truyền đạt mật lệnh của ông Tập Cận Bình tới bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, tin chắc rằng ông Vương Kỳ Sơn cũng đóng vai trò quan trọng trong tình hình Hồng Kông hiện nay.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, ngày 29 – 31/8, ông Vương Kỳ Sơn đã đi đến tỉnh Quảng Đông để khảo sát dự án bảo vệ “Di sản văn hoá”, do tình hình ở bên kia eo biển (Hồng Kông) vẫn đang tiếp tục leo thang, do đó không ai có thể tin rằng ông Vương Kỳ Sơn lại có thể bỏ ra thời gian 3 ngày để đi thưởng thức thư pháp và hội hoạ cổ đại.
Tờ Nihon Keizai Shimbun tại Nhật Bản đưa tin hôm 6/9, truyền thông tại Trung Quốc chính thức đưa tin nói rằng ông Vương Kỳ Sơn dành 3 ngày để khoan thai “thị sát Di sản văn hoá”, thực tế đúng là “giấu đầu hở đuôi”. Ông Vương Kỳ Sơn – một trong những tâm phúc của ông Tập Cận Bình, đã phát huy tác dụng quan trọng trong tình hình Hồng Kông gần đây.
Nihon Keizai Shimbun cho rằng, mục đích thực sự của ông Vương Kỳ Sơn khi đi xuống miền Nam có lẽ là để triệu kiến bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, một mặt là nhằm nắm chắc tình hình thực tế của Hồng Kông, một mặt là truyền đạt mật lệnh của ông Tập Cận Bình tới bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, và bố trí để làm lắng lại tình hình ở Hồng Kông.
Ngày 4/9, Trưởng Đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga đột nhiên tuyên bố rút lại dự luật dẫn độ.
Bài viết của Nihon Keizai Shimbun nói, sau khi bùng nổ phong trào phản đối dự luật dẫn độ, chủ quản các sự vụ Hồng Kông – Macau là ông Hàn Chính đã nhiều lần trấn thủ Thâm Quyến, nhưng tình hình vẫn tiếp tục tiến triển không như mong muốn. Còn bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đột nhiên tuyên bố rút lại dự luật dẫn độ, điều này tương đối gây bất ngờ so với cách làm cứng rắn trước đó. Bắc Kinh đột nhiên thể hiện sự mềm mỏng, thực ra là ý của ông Tập Cận Bình.
Bài viết chỉ ra, rút lại dự luật dẫn độ là biện pháp được đưa ra để đáp ứng yêu cầu của các “nguyên lão” trong nội bộ đảng tại kỳ họp kín tại Bắc Đới Hà. Chính sách mà Bắc Kinh lựa chọn là “nhượng bộ vụn vặt”, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga rút lại dự luật, có nghĩa là kháng nghị của người dân Hồng Kông là có hiệu quả, nhưng trong lịch sử, đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hầu như không hề đáp ứng yêu cầu chính trị nào của người dân. Nhưng vì lễ kỷ niệm 70 năm xây dựng chính quyền, ĐCSTQ lựa chọn thà mất mặt ở Hồng Kông, cũng không thể mất mặt ở lễ kỷ niệm 70 năm được.
Bài viết nói, Bắc Kinh cần hiểu rõ rằng, rút lại dự luật dẫn độ vẫn còn cách quá xa so với 5 yêu cầu lớn của người Hồng Kông, vẫn không đủ để giảm nhiệt tình hình căng thẳng. Do đó, chính quyền dù có phái ông Vương Kỳ Sơn lộ diện, rất có khả năng sẽ có biện pháp tiếp theo sau khi làm lắng tình hình, bao gồm cả thoả hiệp lớn hơn nữa.
Bài viết cho rằng, Bắc kinh cũng không muốn gây ra “cách mạng màu” tại Hồng Kông, bởi vì có thể sẽ khiến cho người tại Đại lục bắt chước và lật đổ chính quyền. Vì thế, ĐCSTQ không thể nào để cho Hồng Kông thực hiện bầu cử phổ thông thật, sự mẫu thuẫn giữa hai điều này không cách nào giải quyết được.
Sau khi ông Vương Kỳ Sơn tới Quảng Đông, tình hình Hồng Kông đột nhiên có biến đổi. Ngày 2/9, Reuters công khai đoạn ghi âm phát biểu nội bộ của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, trong băng ghi âm, bà Lâm nói, Bắc Kinh không có ý phái quân đội tới Hồng Kông, cũng không có hạn chót giải quyết vấn đề Hồng Kông trước ngày 1/10, mà là sẽ lựa chọn sách lược “dài hạn” để làm lắng tình hình.
Ngày 4/9, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đột nhiên tuyên bố rút lại dự luật, mặc dù chưa hồi đáp 4 yêu cầu còn lại, nhưng bà cũng cho biết muốn triển khai đối thoại với người dân. Điều này lại trái với giọng điệu doạ nạt người Hồng Kông “Trong khuôn khổ ‘một quốc gia, hai chế độ’ có thể điều động quân đội đồn trú tại Hồng Kông” tại cuộc họp báo hôm 3/9 của Văn phòng Hồng Kông – Ma Cau.
Việc bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga rút lại dự luật dẫn độ khiến cho truyền thông của ĐCSTQ gần như “thất thanh” tập thể, Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Văn phòng Hồng Kông – MaCau đều từ chối trả lời về vấn đề này, điều này cho thấy hành động của bà Lâm khiến các cơ quan này không kịp trở tay.
Tổng biên tập Kim Chung của Tạp chí “Khai Phóng” (Open Magazine) ở Hồng Kông chia sẻ với Đài Á châu Tự do cho biết: Trung ương ĐCSTQ hiện tại có khả năng sẽ đưa ra một số hành động nhỏ, chính quyền Bắc Kinh hy vọng khủng hoảng tại Hồng Kông có thể sớm được lắng xuống, bởi ĐCSTQ sẽ tiến hành phô trương rất lớn vào ngày 1/10, để cho thấy cái gọi là thành tựu của cải cách mở cửa; nhượng bộ chính là vì mục tiêu vô cùng cấp bách này.”
Sau khi tuyên bố rút lại dự luật dẫn độ, những người chủ trương kháng nghị hoà bình, lý tính, phi bạo lực cho rằng, người Hồng Kông đã phải hy sinh tính mạng, và đổ máu trong 3 tháng qua, nhưng hồi đáp của chính phủ Hồng Kông là “quá muộn, quá ít và quá giả”.
Hiện tại các hoạt động kháng nghị của người Hồng Kông vẫn không hề giảm. Ngày 6/9, nhiều sinh viên học sinh các trường tại Hồng Kông cùng tổ chức hoạt động nắm tay nhau, nhân viên y tế tổ chức mít tinh. Ngày 7/9, nhiều hoạt động kháng nghị vẫn tiếp tục bùng nổ ở nhiều nơi.
Ngoài ra, còn có nhiều người dân tổ chức tĩnh toạ tại nhà ga Prince Edward, yêu cầu công ty đường sắt cao tốc Hồng Kông công khai video được camera giám sát ghi lại vào tối ngày 31/8, trả lại sự thật đối với cuộc tấn công của cảnh sát trong tối cùng ngày, yêu cầu công bố sự thật về tin đồn 6 người bị cảnh sát “vặn cổ đến tử vong”.
Sự đối đầu giữa người biểu tình Hồng Kông và người đại diện cho Bắc Kinh Lâm Trịnh Nguyệt Nga, liệu có tiếp tục leo thang? Hiện tại, chỉ còn 3 tuần là đến ngày kỷ niệm 1/10, tình hình Hồng Kông vẫn khó có thể dự đoán.
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện phản đối luật dẫn độ biểu tình Hồng Kông Vương Kỳ Sơn Lâm Trịnh Nguyệt Nga