Trong những ngày qua, không hiểu sao một chủ đề lại trở nên nóng hổi [ở Trung Quốc Đại Lục], chính là sách giáo khoa Toán tiểu học phiên bản của Nhà xuất bản Giáo dục Nhân dân bị chỉ trích vì phong cách minh họa quá phản cảm.

p3158771a773351632
Sách giáo khoa Trung Quốc “Khăn trùm đầu màu đỏ” – Bình phẩm bài đọc (phần khoanh tròn): “Những người từng đọc bài văn này không khỏi xúc động trước nhân cách cao thượng và tình yêu gia đình, đất nước vĩ đại của người cách mạng đã tự tay hành quyết chính vợ mình.– (Ảnh: MXH)

Một số cư dân mạng chỉ trích [vụ ảnh minh họa sách] dữ dội đến mức lôi cả chuyện “thế lực thù địch” đang cố tình phá hoại văn hóa vào cuộc. Các cơ quan liên quan ngay lập tức tuyên bố sẽ điều tra toàn diện tài liệu dạy học của các trường tiểu học, trung học trên toàn Trung Quốc, thậm chí sẽ truy cứu trách nhiệm.

Các con tôi đã sử dụng loạt tài liệu giảng dạy này khi chúng học ở Trung Quốc, vì vậy tôi sớm đã đọc chúng. Xét trên quan điểm thẩm mỹ thuần túy, rõ ràng chúng không đáp ứng được yêu cầu của người Trung Quốc về minh họa sách giáo khoa.

Từ quan điểm cá nhân, có thể phê phán những bức tranh minh họa này quá xấu xí, phản cảm cũng không sao, thậm chí một số chi tiết còn độc ác hoặc phi đạo đức.

Nhưng vấn đề là phiên bản sách giáo khoa này sớm đã được xuất bản vào tháng 3/2013. Từ đó đến nay đã 9 năm, biết bao thế hệ trẻ từng học qua, những lời phàn nàn về sách giáo khoa cũng không phải hôm nay mới xuất hiện, tại sao tới nay tự dưng lại bị lôi ra, hơn nữa còn có các thế lực thù địch can dự vào câu chuyện đường lối chính sách này?

Rất nhiều thứ ở cấp độ văn hóa, dù là kiệt tác nổi tiếng được cả thế giới công nhận nhưng không phải ai cũng thích và trân trọng. Đối với những người làm nghệ thuật không có thực lực lại càng không đáng nhắc tới. Nhưng dù trình độ tệ đến mức nào, thì đây cũng chỉ là vấn đề trong phạm vi năng lực nghiệp vụ, nếu nâng lên cấp độ chính trị thì có khác chi với việc vu oan giá họa. Giống như chúng ta đi ăn, đầu bếp không đủ giỏi, nên nấu một bàn toàn những món không ngon, việc không hài lòng, chỉ trích, thậm chí yêu cầu chủ cửa hàng hoàn lại tiền là điều bình thường. Nhưng nếu đập bàn và nói rằng đầu bếp này đang cố tình đầu độc bạn, thì đây không còn là một lời chỉ trích.

Nhiều người thậm chí còn phát hiện ra rằng khoảng cách giữa 2 mắt của trẻ quá rộng và có cả lá cờ sao và sọc (quốc kỳ của Hoa Kỳ) trong hình minh họa, rồi suy đoán rằng đây là sự xâm nhập văn hóa của đế quốc Mỹ … Những “trái tim thủy tinh” nhạy cảm và độ suy diễn quen thuộc này đã gần đạt đến cảnh giới “thế lực thù địch là cái rổ, chứa thứ gì cũng được”.

sgk 1 16537537388722107507113
Ảnh minh họa trong sách. (Nguồn: MXH)

Nó đã hoàn toàn vượt quá phạm trù đánh giá nghệ thuật, mà giống như chuyện “Thanh phong không biết chữ, cớ chi lật tung sách”, phải lôi ra chém đầu.

(Ghi chú: Đang đọc sách trước cửa sổ, một cơn gió nhẹ thổi qua cuốn sách, lật sang vài trang, khiến thi nhân ngẫu hứng ngâm 2 câu thơ trên. Tuy nhiên, những người nắm quyền trong triều đại nhà Thanh lúc bấy giờ lại tin rằng nhà thơ đang chế nhạo những người cai trị nhà Thanh không biết đọc, dùng chữ “Thanh phong – gió mát” để ám chỉ nhà Thanh, nên đã kích hoạt một loạt vụ án “ngục văn” (ngồi tù vì thi văn) nổi tiếng trong lịch sử.)

Có thể việc vẽ một bức tranh minh họa xấu xí là do năng lực không đủ, nhưng ai đó đã nâng cấp lên thành thế lực thù địch, đây mới là động cơ thực sự phía sau.

Trong thời đại công nghệ tiên tiến ngày nay, trẻ em có thể tiếp cận nhiều kênh thông tin như sách báo, sách tranh, trò chơi điện tử, sách trực tuyến … Nếu theo logic này, thì ở đâu cũng có thế lực thù địch, ở đâu cũng có nhân tố xâm nhập văn hóa.

Trong sách giáo khoa toán học, vật lý và hóa học của chúng ta, tất cả những điều cơ bản đều bắt nguồn từ các lý thuyết khoa học của phương Tây từ hàng trăm năm qua, tất cả các công thức và định lý đều mang tên của phương Tây. Nếu muốn nói về sự thâm nhập, liệu có cần phải phí sức vẽ thêm tranh minh họa nữa hay không?

Tôi không bênh vực những bức tranh minh họa này, với tư cách là một người không chuyên về nghệ thuật, rất khó để đưa ra một phân tích dựa trên quan điểm chuyên môn. Tuy nhiên, theo tôi, vấn đề hình ảnh minh họa trong sách giáo khoa mà con em chúng ta đọc chỉ là một vấn đề nhỏ, còn vấn đề lớn thực sự lại không được quan tâm: Đó chính là nội dung.

p3158772a420079184
Sách thiếu nhi “Làm xét nghiệm (axit nucleic)”. (Ảnh: MXH)

Một bàn ăn không ngon, không nói đến chất lượng nguyên liệu, mà lại nói đĩa đồ ăn kèm có vấn đề, điều này cực kỳ khó hiểu, chẳng khác gì nhắm vào ngọn mà bỏ quên gốc.

Ví dụ, gần đây tôi đọc được một cuốn sách thiếu nhi, có bài “Làm xét nghiệm (axit nucleic)” như sau:“Ống tuýp đỏ, thẻ màu trắng, cùng xếp hàng, làm xét nghiệm (axit nucleic)… Chạy lung tung có thể mắc COVID, không chừng nằm thẳng cẳng.”

Bài này được cải biên từ một bài đồng dao lạ trên mạng cách đây không lâu, mang hơi thở chết chóc, nguyên ban đầu nhằm cảnh báo sự nguy hiểm của loài nấm độc “mũ đo đỏ, thân trăng trắng”. Chưa nói đến việc nguồn phóng tác có vấn đề, quan trọng là sự cứng nhắc, mang cả nội dung làm xét nghiệm axit nucleic không phù hợp cho học. Việc phóng tác trúc trắc khó hiểu và cải biên ngẫu hứng chẳng phải giống với một trò đùa hay sao?

p3158773a812960010
Sách giáo khoa tiểu học “Chú lừa nhỏ”. (Ảnh: MXH)

Ngoài ra còn có bài “Chú lừa nhỏ”. Sau chương mở đầu “Tôi là một chú lừa nhỏ”, từ tượng thanh “e e” được lặp lại 22 lần, toàn văn có 53 từ, trong đó có 45 từ là “e e”. Lẽ nào muốn dạy trẻ học cách kêu như một con lừa hay sao? Kêu 1 lần không đủ, mà phải kêu liên tiếp đến 22 lần?

p3158774a431918165
Sách thiếu nhi “Khăn trùm đầu màu đỏ”. (Ảnh: MXH)

Điều khó tin hơn nữa là một bài trong sách thiếu nhi “Khăn trùm đầu màu đỏ” được đăng trên tờ “Tin tức khóa học mới”, kể về một nhà cách mạng đã quyên góp một mẻ vàng làm “kinh phí cách mạng”, nhưng vợ ông không đồng ý, sau đó nhà cách mạng đã tự tay bắn chết vợ mình.

Phần bình luận sau bài đọc mô tả: “Những người từng đọc bài văn này không khỏi xúc động trước nhân cách cao thượng và tình yêu gia đình, đất nước vĩ đại của người cách mạng đã tự tay hành quyết chính vợ mình.”

Dù câu chuyện tàn nhẫn, phản đạo đức này có thật hay không, chỉ xét đến nội dung, thì con mắt nào của độc giả có thể thấy được nhân cách cao thượng, còn con mắt nào thấy được tình yêu gia đình, đất nước?

Chẳng phải nội dung này còn “độc” hơn cả những hình ảnh minh họa phản cảm kia hay sao? Những nội dung trái với nhân tính, đạo đức con người, thậm chí có thể nói là vô nghĩa này dẫu có ghép tranh minh họa của những danh họa nổi tiếng như Trương Đại Thiên (Chang Dai-chien) và Tề Bạch Thạch cũng ích gì?

Giống với đoạn văn trong sách giáo khoa của Triều Tiên kể về “Ông nội Kim xây vệ tinh của Mỹ bằng đá”, dù có chèn thêm tranh của họa sĩ nổi tiếng thế giới vào làm minh họa, thì cũng không thể cõng nổi ý nghĩa giáo dục này.

Những người thuộc thế hệ của tôi, lớn lên trong những năm 1980, vô cùng “xúc động” trước nội dung sách giáo khoa từ thời đó cho đến nay. Ngoài nhớ rõ mối thù thù giai cấp, nỗi hận máu và nước mắt ra, chúng tôi không nhớ được thứ gì khác.

Nói thực lòng, giờ đến độ tuổi trung niên quay đầu nhìn lại, chỉ còn lại nụ cười chua xót và bất lực. Còn những bức tranh minh họa đó hình thù thế nào, có phải của các bậc thầy hay không, có tuyệt mỹ hay không, thì tôi nghĩ rằng điều này đã không còn quan trọng.

Nếu ngày nay được chọn một cuốn sách giáo khoa cho con, tôi sẽ không bao giờ chọn chúng vì những hình ảnh minh họa. Tôi cũng tin rằng độc giả cũng giống mình. Chuyện ngốc lấy ngọn bỏ gốc hàng ngàn năm qua e rằng đã đến lúc phải tỉnh ngộ, trứng phân lừa dẫu được mạ vàng, thì suy cho cùng cũng vẫn chỉ là một đống phân mà thôi.

Vì vậy tôi không quan tâm lắm đến việc thay đổi hình minh họa, có thay đổi nội dung và cách làm hay không mới là điều đáng quan tâm.

Nhị Đại Gia – Link bài gốc 原文链接
(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, được đăng trên Vision Times.)