Chợ đường Thất Phố là khu chợ bán buôn quần áo nổi tiếng ở Thượng Hải, người dân từ khắp nơi tại Trung Quốc đều đến chợ này để mua hàng, nhưng nay lại vắng tanh. Có cửa hàng mở cửa cả ngày, nhưng không bán được gì. Cố gắng cầm cự đã trở thành thực trạng của hầu hết doanh nghiệp trên đường Thất Phố.

r shutterstock 1267615948
Chợ bán buôn quần áo Thất Phố nổi tiếng ở Thượng Hải, hình ảnh ngày 17/7/2010. (Ảnh: Shootdiem / Shutterstock)

Chợ đường Thất Phố quen thuộc với người Thượng Hải, nằm ở vị trí đắc địa ở tại thành phố này. Quần áo ở chợ này có giá cả phải chăng, thời trang và nổi tiếng khắp Trung Quốc vì chất lượng cao và giá thành rẻ.

Theo báo cáo, doanh số bán hàng của Chợ quần áo đường Thất Phố Từ tháng 1 – 7/1995 đạt 120 triệu nhân dân tệ (tương đương khoảng hơn 360 tỷ VNĐ với tỷ giá hiện tại). Những người trong ngành quần áo ở 29 tỉnh, thành phố trên cả nước đều đến đây nhập hàng.

Ngày 19/11, truyền thông Trung Quốc Đại Lục đưa tin, các cửa hàng ở Chợ bán buôn đường Thất Phố hiện khá vắng vẻ. Vào lúc 4h30 chiều, ông Chu, một thương gia ở chợ này lần lượt bê các manocanh và mẫu khăn lụa đặt trước cửa vào trong, kết thúc một ngày không bán được gì.

Ông nói: “Các chương trình khuyến mãi thương mại điện tử đã có một số tác đụng trong những năm trước, nhưng hoạt động kinh doanh năm nay còn tệ hơn nhiều”.

Hơn 10 năm trước, lưu lượng người trung bình hàng ngày ở Chợ đường Thất Phố có thể đạt khoảng 40.000 người. Lưu lượng người trung bình hàng ngày trong những ngày nghỉ lễ có thể đạt khoảng 100.000 người, với doanh thu hàng năm lên tới hàng tỷ nhân dân tệ (1 tỷ nhân dân tệ tương đương 138,28 triệu USD).

“Doanh thu ngày hôm nay chỉ là 500 nhân dân tệ (khoảng 69,34 USD). May mắn là giá thuê cửa hàng rẻ”, ông Vương, chủ một hộ buôn bán ở đường Thất Phố cho biết.

Tầng ngầm thứ 2 của trung tâm mua sắm được mệnh danh là “Phố phụ nữ Thượng Hải”, với đủ loại quần áo, phụ kiện, ba lô, giày dép và tiệm làm móng dành cho phụ nữ. Nếu đi thang cuốn và đi lên từ tầng này sang tầng khác, tiếng nhạc sẽ tắt dần, ánh đèn cũng mờ dần, dòng người sẽ giảm theo cấp số nhân, vì hầu hết các cửa hàng đã đóng cửa.

“Tầng này có hơn 100 cửa hàng, hiện đều đóng cửa hoặc biến thành nhà kho, chỉ 3, 4 cửa hàng còn mở cửa,” theo ông Thái, chủ cửa hàng nằm trên tầng 3 Liên Phú, đối diện thang cuốn, chuyên bán sườn xám. Cửa hàng này vừa được tân trang lại.

Ông Thái bán buôn quần áo hơn 30 năm và đã tích lũy được một lượng khách hàng thường xuyên trong và ngoài nước. “Trước đây, người dân từ khắp nơi trong cả nước, còn có Singapore, Malaysia, đến mua hàng. Khi kinh doanh phát đạt nhất, danh sách khách đến mua hàng có thể lên tới 20 cuốn sổ.Nhưng năm nay khách ít hơn nên ông không lấy hàng nữa.

Điều tương tự cũng xảy ra với ông Chu, người có cửa hàng trên tầng 2. Doanh thu của ông trong năm nay đã giảm ít nhất 80%. Ngoài quần áo Liên Phú, việc kinh doanh ở các trung tâm mua sắm gần đó như Tân Thất Phố và Tân Kim Phố cũng không mấy khả quan.

Ông chủ Chu tại Tân Thất Phố cho biết, trong kho vẫn còn hàng triệu hàng hóa chất đống. Ông không thể đóng cửa, nên hiện vẫn đang trụ tại cửa hàng này, bán được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Hàng tồn đọng như một cái hố không đáy quấn chặt lấy ông.

Sự suy thoái trong kinh doanh trên Đường Thất Phố là một vấn đề nan giải mà toàn bộ ngành công nghiệp quần áo phải đối mặt. Từ góc độ dữ liệu vĩ mô, lợi nhuận chung của ngành may mặc đã giảm và nợ phải trả tăng lên.

Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), tính đến tháng 9 năm nay, doanh thu và tổng lợi nhuận của ngành dệt may đã tăng trưởng âm 11 tháng liên tiếp, kể từ tháng 10 năm ngoái. Trong tháng 9, doanh số giảm 8,1%, lợi nhuận giảm 7,2% so với cùng kỳ.

Doanh thu và lợi nhuận ngày càng giảm, nợ phải trả ngày càng tăng. Theo thống kê, tháng 9/2023, tỷ lệ nợ phải trả tài sản của ngành dệt may đạt 54,43%, giá trị cao nhất trong 10 năm qua.

Hàng tuần ông Chu bắt xe buýt 40 chỗ đi từ Thượng Hải đến An Huy, đưa các chủ cửa hàng quần áo Hoài Bắc đến đường Thất Phố để lấy hàng. Ông nói: “Ngày xưa đông lắm, nhưng hôm nay không quá 10 người”.

Trung Quốc đang rơi vào tình trạng giảm phát. Lễ hội mua sắm 11/11 được coi là chỉ số quan trọng về niềm tin của người tiêu dùng, đã kết thúc trong sự vắng vẻ. Các chuyên gia cho rằng kỳ vọng của người dân Trung Quốc về tương lai rất bi quan.

Dữ liệu mới nhất cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc trong tháng 10 giảm 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái, rơi vào tình trạng giảm phát một lần nữa. Chỉ số giá sản xuất (PPI) cũng giảm tháng thứ 13 liên tiếp.

Nếu tỷ lệ thất nghiệp và niềm tin của người tiêu dùng tiếp tục xấu đi, thì việc đảo ngược xu hướng kinh tế sẽ rất khó khăn. Cộng thêm cuộc khủng hoảng bất động sản đã kéo dài, tình hình kinh tế ảm đạm của Trung Quốc sẽ càng khó đảo ngược hơn.

Bình Minh (t/h)