Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã ca ngợi mối quan hệ của Bắc Kinh với năm quốc gia Trung Á, khẳng định rằng mối quan hệ này đã đạt đến tầm cao mới với sự hợp tác trong an ninh khu vực.

Embed from Getty Images

Trong một bài viết trên tờ Nhân dân Nhật báo, ông Vương đã nhấn mạnh dấu mốc kỷ niệm 30 năm Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với 5 nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, bày tỏ rằng kể từ đó “chúng ta đã giúp đỡ lẫn nhau qua mỗi thăng trầm và thiết lập một khuôn khổ hợp tác an ninh mới”.

Ông cho biết, Trung Quốc và năm quốc gia – Uzbekistan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Kazakhstan – đã đạt đến “tầm cao mới của sự tin cậy chính trị lẫn nhau”.

Ông nhận định: “Chúng ta đang phải đối mặt với một môi trường an ninh phức tạp và thay đổi, và chúng tôi tin rằng việc bảo mật chỉ có thể trở thành hiện thực khi nó được phổ biến cho tất cả mọi người.”

Ông ca ngợi sự hợp tác của Trung Quốc với năm quốc gia trong việc chống tội phạm và “ba thế lực xấu” – chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa ly khai sắc tộc và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, ngoài ra còn “chống lại các thế lực nước ngoài xúi giục” các cuộc cách mạng màu “ở Trung Á”.

Ngoại trưởng Trung Quốc nói thêm, các quốc gia này đã hợp tác chặt chẽ về vấn đề Afghanistan sau khi Mỹ rút quân và Taliban tiếp quản.

Bắc Kinh đã tăng cường các hoạt động an ninh với các nước láng giềng Trung Á do lo ngại về bất ổn ở Afghanistan. Tháng trước Tajikistan cho hay, Bắc Kinh đã đề nghị đầu tư 8,5 triệu USD để xây dựng một căn cứ sát biên giới với Afghanistan.

Trên bề mặt, trọng tâm của Trung Quốc là chống lại chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo, cái cớ để chính quyền cộng sản gây ra hàng loạt vụ tấn công ở Tân Cương.

Tuy nhiên, các nhóm nhân quyền và các nước phương Tây đã cáo buộc Trung Quốc phạm tội ác chống lại loài người với nhóm thiểu số Hồi giáo và người Duy Ngô Nhĩ – bao gồm cả việc giam giữ hàng loạt người đưa vào các trại tập trung, thực thi lao động cưỡng bức và kiểm soát sinh sản.

Bắc Kinh nhất mực bác bỏ các cáo buộc, đồng thời lập luận rằng chính sách của họ trong khu vực được đưa ra nhằm chống lại chủ nghĩa cực đoan.

Trung Quốc cũng muốn mở rộng vai trò của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, thế nhưng Nga (một thành viên của tổ chức này) lại muốn tập trung vào xem xét ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh ở Trung Á, mà nước này coi là một phần trong phạm vi ảnh hưởng của họ.

Tuần này, Nga và Ấn Độ đã trao đổi sách trắng về các cách thúc đẩy hợp tác quốc phòng của họ ở Trung Á, bao gồm các khuyến nghị về cách cả hai nước có thể cùng sản xuất thiết bị quốc phòng ở các quốc gia Trung Á, đồng thời tiến hành các cuộc tập trận chống khủng bố và quân sự song phương, truyền thông Ấn Độ đưa tin.

Minh Ngọc (Theo SCMP)

Xem thêm: