Ngày 25 tháng 4 năm 1999, 10.000 người tập Pháp Luân Công từ khắp Trung Quốc tới bên ngoài Trung Nam Hải, tụ tập dọc theo những bức tường đỏ bao quanh khu phức hợp chính phủ trên phố Phủ Hữu để thỉnh nguyện cho quyền tự do tập luyện Pháp Luân Công, môn khí công còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp. Ethan Gutmann, một nhà báo Mỹ từng được đề cử giải Nobel Hòa Bình, đã viết về những hiểu biết của ông về sự kiện này trong bài viết có tựa đề “An Occurrence on Fuyou Street” (Một việc xảy ra trên phố Phủ Hữu) đăng trên tạp chí National Review tháng 7/2009. Dưới đây là bản dịch của bài viết.

*

Một việc xảy ra trên phố Phủ Hữu

Mười năm trước, vào ngày 25 tháng 4 năm 1999, khi đang tham dự một đám cưới ở Bắc Kinh, tôi nghe tin đồn rằng một đám đông đã tập trung tại Trung Nam Hải, khu phức hợp của chính phủ Trung Quốc. Tôi gọi điện cho một người quen ở tờ South China Morning Post. “Họ là ai?” Tôi hỏi. “Chúng tôi nghĩ họ được gọi là ‘Pháp Luân Công’,” ông nói. “Dường như đó là một phong trào tín ngưỡng lớn của Trung Quốc, nhưng chúng tôi thực sự không biết gì về họ.” Không ai biết nhiều về họ, nhưng quy mô của sự kiện thật đáng kinh ngạc: 10.000 người Trung Quốc đứng im lặng trong cuộc biểu tình rầm rộ đầu tiên kể từ sự kiện đàn áp Thiên An Môn. Điều gây sốc không kém là cuộc đàn áp tàn bạo của Đảng cộng sản Trung Quốc diễn ra vào ngày 20 tháng 7 sau đó.

Pháp Luân Công, một phong trào với 70 triệu người ở thời kỳ cực thịnh, hầu như vô hình đối với các nhà báo Trung Quốc và chỉ xuất hiện như một dòng chú thích với các nhà báo phương Tây. Lý do là, trong số tất cả các nhóm bất đồng chính kiến, Pháp Luân Công là nhóm mang đặc trưng khó hiểu và mang tính chất Trung Hoa nhất: hình thức thể hiện sự phân định nghiêm ngặt của Đạo giáo về thiện và ác, trang phục lụa màu vàng truyền thống gợi nhớ đến những cánh đồng trong một ngôi làng cổ trong phim thời sự về kế hoạch 5 năm thời vận động cộng sản, các biểu ngữ tựa như những ẩn dụ tiếng Trung được dịch nửa chừng (“KÊU CỨU KHẨN CẤP”, “Đưa cảnh sát tàn bạo ra trước công lý”, “Pháp Luân Đại Pháp mở ra một kỷ nguyên mới cho nhân loại!”). Những khẩu hiệu đó làm người phương Tây khó hiểu – lầm tưởng đó là tuyên truyền Cộng sản.

Nhiều người ở Washington muốn loại trừ Pháp Luân Công khỏi quần thể bất đồng chính kiến. Lễ kỷ niệm Thiên An Môn ngày 4 tháng 6 đã huy động nhiều quan chức Washington: hội nghị, điều trần, những đề cập bất tận của bà Nancy Pelosi về hoạt động ủng hộ nhân quyền của bà ở Thượng Hải, và cái tít “Người thanh niên chặn xe tăng đang ở đâu?”, đó là tin bài trên các tờ báo lớn. Tuy nhiên, khi hoạt động biểu tình tại đại sứ quán Trung Quốc trên Đại lộ Connecticut diễn ra, chỉ có 300 người có mặt.

Nhưng Pháp Luân Công thì khác, người tập Pháp Luân Công xuất hiện vào ngày 20 tháng 7 sẽ dài tới 3 dặm, có lẽ lên tới 5.000 người. Họ sẽ giặt khô áo lụa màu vàng, mua vé máy bay và ngủ trên sàn – để người dân Washington có thể phàn nàn rằng họ đang cản trở giao thông. Một số nghị sĩ có thể phát biểu ngắn gọn tại cuộc biểu tình, nhưng hầu hết sẽ giữ khoảng cách an toàn. Và sẽ không có cái giá chính trị nào cho việc không tham dự vì sẽ có rất ít báo chí đưa tin. Báo chí không đưa tin về cuộc diễu hành của Pháp Luân Công.

Điều này thật kỳ lạ nếu xét đến những thành tựu của Pháp Luân Công: Họ là nhóm bất đồng chính kiến duy nhất đã giúp vượt tường lửa Internet của Trung Quốc trên quy mô lớn (những người bất đồng chính kiến Iran sử dụng các hệ thống do Pháp Luân Công thiết kế để liên lạc và lướt Web một cách tự do). Cho đến gần đây, họ vận hành đài truyền hình độc lập duy nhất phát sóng từ hải ngoại vào Trung Quốc, phát sóng trong nước 24 giờ mỗi ngày. Họ in tờ nhật báo bất đồng chính kiến duy nhất, duy trì sự hiện diện đáng kể của đài phát thanh sóng ngắn, v.v..

Hãy xem xét Pháp Luân Công từ góc độ đổ máu. Nói một cách ẩn dụ, cứ 1 người trong số 300 người đến Đại sứ quán Trung Quốc vào ngày 4 tháng 6 sẽ tương ứng với 3 hoặc 4 nạn nhân của vụ đàn áp Quảng trường Thiên An Môn; về phía Pháp Luân Công, chúng tôi mới chỉ bắt đầu đánh giá thiệt hại. Họ đã phải chịu hơn 3.000 cái chết được xác nhận là do bị nhà nước tra tấn, lạm dụng và không điều trị. Theo nghiên cứu hiện tại của tôi, ít nhất 10.000 người tập Pháp Luân Công đã bị giết để lấy nội tạng. Tôi ngờ rằng kết luận cuối cùng sẽ vượt xa con số đó, bởi vì hoạt động đàn áp này vẫn đang diễn ra. Vì vậy, hãy suy đoán rằng cứ một người trong số 5.000 người tập Pháp Luân Công xuất hiện để diễu hành vào ngày 20 tháng 7 tương ứng với 10, thậm chí là 20 người chết – bị sát hại trong các trại lao động, trại tạm giam, bệnh viện tâm thần hoặc trên bàn mổ, thường là dưới bàn tay của một bác sĩ phẫu thuật quân đội. Đồng nghiệp Leeshai Lemish của tôi phân tích rằng sự chú ý của giới truyền thông Mỹ đối với Pháp Luân Công đã giảm gần như chính xác theo tỷ lệ tử vong gia tăng. Vì vậy, khi nghĩ về ngày kỷ niệm cuộc đàn áp Pháp Luân Công, chúng ta phải thừa nhận rằng phản ứng của phương Tây đã mang lại cho Cộng sản Trung Quốc quyền tự do đàn áp. Và sự thất bại bắt đầu từ việc truyền thông phương Tây chấp nhận cách diễn giải của Đảng cộng sản Trung Quốc về sự kiện ngày 25/4/1999.

Thậm chí khó có thể đề cập đến sự kiện 25/4 này mà không nói đến cách giải thích của Bắc Kinh: Giữa tiết trời trong xanh, vào ngày 25 tháng 4 năm 1999, một cách đầy kỷ luật, 10.000 người tập Pháp Luân Công đã “vây quanh” (theo tờ AP và Reuters) hoặc “bao vây” (theo AFP) Trung Nam Hải [, trụ sở của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc vụ viện], làm bất ngờ giới lãnh đạo Trung Quốc. Ý kiến cho rằng ‘Pháp Luân Công bao vây Trung Nam Hải một cách đầy đe dọa’ đã truyền tải trực tiếp tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nó được lặp lại trong các tác phẩm học thuật về lịch sử Pháp Luân Công và gần như được coi là tội lỗi dẫn đến cuộc đàn áp. Có lẽ vì cảm thấy quá khó giải thích, ngay bản thân người tập viết Pháp Luân Công khi viết tin bài trên các ấn phẩm của Pháp Luân Công cũng thường gọi ngày 25 tháng 4 là ngày “tụ tập tại Trung Nam Hải” [mà không dùng từ “biểu tình”]. Dường như họ coi “biểu tình” là một hành vi bẩn thỉu, trong xã hội của Đảng Cộng sản Trung Quốc thì nó là như vậy. Dù bạn gọi cuộc biểu tình đó là gì đi nữa, nó không nhắm mục tiêu cụ thể vào Trung Nam Hải, càng không phải là một cuộc bao vây. Bất chấp điều đó, với những người Trung Quốc mà Pháp Luân Công đang cố gắng tiếp cận để nói về sự thật, cách tư duy đó vẫn là theo ngôn ngữ và lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Nhưng phương Tây thì phải khác chứ? Không hẳn, hãy nhớ lại tuyên bố của Henry Kissinger về cuộc đàn áp Thiên An Môn – “ Không chính phủ nào trên thế giới sẽ chấp nhận việc quảng trường chính của thủ đô bị hàng chục nghìn người biểu tình chiếm đóng trong 8 tuần”. Tuyên bố này được Charles Freeman, người được chính quyền Obama đề cử làm chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ, nhắc lại. Nếu giới tinh hoa về chính sách đối ngoại của Mỹ nói như vậy về các sinh viên ở Quảng trường Thiên An Môn, hãy tưởng tượng cách họ nhìn nhận một phong trào phục hưng tín ngưỡng phương Đông mà ít người biết đến: Ồ, thì đó là Trung Quốc, những người tập Pháp Luân Công đang tự chuốc vạ. Các học giả có thể diễn đạt việc này hơi khác một chút. Theo lời kể của họ, cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu như một hiện tượng là kết quả của chuỗi hành động từ hai phía và kết thúc như một bi kịch: Như vậy thì hẳn là Pháp Luân Công rất giỏi phạm sai lầm?

Nhưng thật khó để tin rằng họ tự chuốc vạ bằng cách xin được tử vì đạo, hoặc giả lãnh đạo tinh thần của Pháp Luân Công bảo họ chạy vào các trại lao động và phòng phẫu thuật ghép tạng của Trung Quốc. Nếu tin vào điều đó, bạn nên xem lại lịch sử và phỏng vấn những người đã tham gia vào ngày 25 tháng 4 và những việc đã dẫn đến sự kiện hôm đó.

Xã hội Trung Quốc thường được ví như một kim tự tháp, hình ảnh gợi lên sự trường tồn và sự hùng vĩ của đế quốc. Nhưng dưới thời Cộng sản, nó giống như một tên lửa trong những ngày đầu khám phá không gian: đầy tham vọng, được trang bị đầy đủ và có khả năng gây nổ. Ở bên dưới tên lửa là một bộ phận đẩy mạnh mẽ với đông đảo nông dân và công nhân nghèo khó. Đi lên tới tầng thứ hai và thứ ba, người ta tìm thấy giới trí thức, quân đội, doanh nhân và những người giàu có mới nổi. Và ở trên cùng quả tên lửa là buồng của đảng cộng sản. Từ quan điểm của Đảng cộng sản Trung Quốc, Pháp Luân Công, một phong trào nhấn mạnh vào đạo đức truyền thống Trung Quốc, đã lan truyền dọc quả tên lửa như một luồng lửa điện. Đến năm 1996, chỉ bốn năm sau khi phong trào bắt đầu, nó đã lan rộng đến tận buồng tên lửa cao cấp nhất, và làn khói của luồng lửa đã khiến người ta phải nghiêm túc chú ý. Vậy là có phản ứng đầu tiên: Cuốn sách Chuyển Pháp Luân của người sáng lập Pháp Luân Công, ông Lý Hồng Chí, đã bị cấm và bản thân ông đã tới Hoa Kỳ.

Đảng tiếp tục xem xét Pháp Luân Công, nhưng chưa đàn áp ngay lập tức. Đầu năm 1998, Amy Lee, một người tập Pháp Luân Công có nhiều mối quan hệ ở thành phố Quảng Châu, đã trở về thăm cha mẹ cô ở Sơn Đông. Khi mở cửa, cô nhìn thấy một điều khiến bản thân kinh hãi: Cha mẹ cô, cả hai đều từng tích cực tập Pháp Luân Công, đã gỡ bỏ mọi tấm áp phích Pháp Luân Công và chân dung của ông Lý Hồng Chí khỏi tường nhà. Tất cả sách của môn tập đều biến mất. Sử dụng giác quan thứ sáu được phát triển qua nhiều thập kỷ bên dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cha mẹ cô, giống như những con vật trước cơn bão, đã chui xuống lòng đất.

Năm 1999, Cục Công an Trung Quốc ước tính rằng Pháp Luân Công đã thu hút 70 triệu người tập, nhiều hơn 5 triệu người so với Đảng Cộng sản. Vào thời điểm đó, một nhà vật lý xuất bản một bài báo trên tạp chí của Đại học Sư phạm Thiên Tân miêu tả Pháp Luân Công là một giáo phái nguy hiểm. Trung Quốc không phải là phương Tây, và những điều này không phải ngẫu nhiên. Nhà vật lý đó là Hà Tộ Hưu, em rể của La Cán – người đứng đầu cơ quan công an. Và tạp chí Đại học Sư phạm Thiên Tân làm theo ý Đảng. Bài báo là một tia sét trên bầu trời đêm, một tín hiệu và một phép thử của Đảng.

  • Bí mật phía sau cuộc Đại Thỉnh Nguyện của Pháp Luân Công:

Ở Trung Quốc, khi nhìn thấy tín hiệu như vậy và biết mình là mục tiêu, có hai lựa chọn. Bạn có thể giữ im lặng và có thể sẽ bị nghiền nát. Hoặc bạn có thể đứng lên và vẫn có thể sẽ bị đè bẹp. Nhưng Pháp Luân Công coi việc bác bỏ những lời dối trá là một phần cốt lõi của đạo đức. Và họ có một phương pháp riêng để phản ứng: họ xuất hiện hàng loạt (chặt đầu một nhà lãnh đạo tôn giáo thì dễ, làm điều đó với hàng nghìn người tin theo thì khó), giữ im lặng và chỉ cần đứng đó cho đến khi ai đó nói chuyện với họ. Họ đã sử dụng phương pháp này để chống lại các báo cáo tiêu cực trước đó – các bài báo năm 1997, một phóng sự truyền hình Bắc Kinh năm 1998.

Trước ngày 25 tháng 4, khoảng 5.000 người đã tổ chức một cuộc biểu tình im lặng vào ngày 22 tháng 4 tại Đại học Sư phạm Thiên Tân, yêu cầu đối thoại hoặc rút lại bài báo của ông Hà Tộ Hưu. Cảnh sát được điều động, và sĩ quan Hác Phượng Quân là một trong số đó. Anh kể rằng “toàn bộ lực lượng cảnh sát bất ngờ được điều động đến trường đại học, được yêu cầu thi hành thiết quân luật và phong tỏa khu vực.” Khi đến hiện trường, anh kể, “tất cả chúng tôi đều nhận ra rằng việc này không giống như những gì đã được mô tả cho chúng tôi, rằng Pháp Luân Công tìm cách đánh nhau, gây rối trật tự công cộng, v.v.. Nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác.” Quả thực, video giám sát không cho thấy gì hơn ngoài việc có người ngồi xung quanh đó, nhưng cảnh sát vẫn đánh đập và bắt giữ 45 người tập Pháp Luân Công. Những người cố gắng tranh luận với các quan chức và cảnh sát đều được thông báo rằng vấn đề đã được Bộ Công an, trực thuộc chính quyền trung ương, tiếp nhận và được hướng dẫn rằng họ nên đến Bắc Kinh để khiếu nại.

Trong 2 ngày sau vụ bắt giữ ở Thiên Tân, thuật ngữ “kháng cáo” đã lan truyền rộng rãi trong cộng đồng người tập Pháp Luân Công – không xuất phát từ sự chỉ huy của một người nào đó – mà chỉ đơn giản là do truyền miệng. Điều này có một ý nghĩa rõ ràng: Văn phòng Khiếu nại Quốc gia, một chiếc van an toàn chống tham nhũng, địa điểm duy nhất ở Trung Quốc mà công dân có thể khiếu nại về chính phủ một cách hợp pháp. Mọi người đều biết rằng các vụ bắt giữ ở Thiên Tân đã tạo ra một tiền lệ đáng sợ, và một số người tin rằng tốt hơn hết là nên ở nhà. Sư phụ Lý Hồng Chí của Pháp Luân Công đã nhiều lần nói rằng người tập nên tránh xa chính trị. Những người khác thì lập luận rằng cần bảo vệ sự thật và những gì họ đang muốn thực hiện không phải là một cuộc biểu tình mà là một thủ tục pháp lý. Vào ngày 24 tháng 4, hàng nghìn người tập lên đường tới Bắc Kinh. Một số người đã lập di chúc vào đêm hôm trước.

Họ đã bị theo dõi. Một nhóm người từ tỉnh Cát Lâm đã bị đội cảnh sát đặc nhiệm chặn tại bến xe buýt và yêu cầu: Về nhà, vấn đề Thiên Tân đã được giải quyết. Nhóm người khác bị chặn lại ở Thẩm Dương bởi một cảnh sát, người đã ghi nhớ cẩn thận các cụm từ trong cuốn sách Chuyển Pháp Luân, để thuận tiện cho việc giao tiếp. Một nhóm 20 người bắt chuyến tàu đêm từ thành phố Cáp Nhĩ Tân phía đông bắc. Khi họ bước lên một sân ga ở Bắc Kinh, nơi đang tràn ngập người tập Pháp Luân Công khác, một nhóm cảnh sát đã kiên quyết hướng dẫn họ quay trở lại tàu.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi địa điểm của Văn phòng Khiếu nại Quốc gia không được công bố rộng rãi. Không một người tập nào mà tôi từng phỏng vấn có thể mô tả nó một cách chính xác trên bản đồ. Sự bí ẩn về vị trí của nó, nơi gần tâm điểm trung tâm chính trị nhạy cảm của Bắc Kinh, là trung tâm của câu chuyện. Biên giới phía tây của Trung Nam Hải, nằm liền kề với Tử Cấm Thành, được xác định bởi một đại lộ dài rợp bóng cây, phố Phủ Hữu. Con phố hơi phình ra, tựa như chứa đựng sức mạnh của khu vựa lãnh đạo nơi có tường bao quanh. Về phía bắc, phố Phủ Hữu kết thúc tại phố Văn Tân, biên giới phía bắc của Trung Nam Hải. Về phía nam, Phủ Hữu giao với Đại lộ Trường An, con đường đông-tây ở trung tâm Bắc Kinh. Một số người tập nghĩ rằng Văn phòng Khiếu nại Quốc gia ở gần ngã tư Phố Văn Tân. Những người khác cho rằng nó gần Đại lộ Trường An hơn. Nhưng hầu hết mọi người đều tin rằng văn phòng này nằm trong ngõ nhỏ, trong mê cung những con hẻm chật hẹp ngay sát đường Phủ Hữu về phía tây. Lối vào những con hẻm này nằm đối diện với lối vào phía Tây của Trung Nam Hải.

Rạng sáng ngày 25 tháng 4, Tằng Tranh, một nữ tư vấn trẻ và là người tập Pháp Luân Công, dắt xe đạp vào phố Phủ Hữu và nhận thấy có điều gì đó không ổn. Cô Tằng đã từng làm việc tại Trung Nam Hải một thời gian ngắn và hiểu rõ về an ninh. Bình thường có nhiều lính canh đến nỗi khó mà ra đường mà không bị thẩm vấn. Bây giờ, ngay trước 7 giờ sáng, người tập Pháp Luân Công đang đi dạo trên phố Phủ Hữu, trò chuyện và nhìn quanh văn phòng khiếu nại như thể họ đang ở trong một trung tâm mua sắm. Nhưng một hàng cảnh sát đứng ở đầu phía nam. Cảnh sát ra lệnh cho người tập Pháp Luân Công quay trở lại dãy nhà và đứng ở lối vào, đối diện với cổng phía tây của Trung Nam Hải. Cô Tằng hiểu rằng Văn phòng Khiếu nại sẽ mở cửa lúc 8 giờ. “Họ đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng,” cô nói. “Họ đang đợi chúng tôi.”

Lúc 7 giờ 30, một cặp vợ chồng trẻ trên đường đến Văn phòng Khiếu nại đi ngang qua hào nước ở phía đông Tử Cấm Thành. Họ nhìn thấy một toán lớn binh lính Hồng quân ngồi trên xe jeep, lưỡi lê sẵn sàng, hướng về phía Phủ Hữu. Đến 8 giờ, La Hồng Vệ, một cô gái trẻ mới cưới, vừa mới đến và chọn chỗ ở gần cổng phía Tây của Trung Nam Hải. Có lẽ mọi chuyện sẽ ổn thôi, cô nghĩ, hân hoan trước kỷ luật của người người tập Pháp Luân Công. “Có rất nhiều người, rất nhiều người,” cô nói. “Thật khó để tránh mọi thứ trở nên hỗn loạn. Nhưng những chiếc ô tô chạy qua đã lao vút đi không gặp trở ngại gì.”

Đến 8 giờ 30, một người tập lớn tuổi (bà yêu cầu tôi không dùng tên bà – hãy gọi bà là bà Dee) đi vào ngã tư Trường An và Phũ Hữu. Đường phố lúc này chật cứng người tập, chủ yếu là người dân quê, ăn mặc giản dị và mang giày vải rẻ tiền. Khi bà nhìn họ đi lại, mang theo khẩu phần lương khô hoặc cúi xuống ăn, nỗi lo lắng mà bà đang kiềm chế bỗng dâng lên trong lòng . Mười năm trước, bà đã nghe được tiếng xe tăng lao vút về phía học sinh khi họ ngồi xổm, ăn uống và biểu tình – một cách ôn hòa – nhưng dù sao thì họ cũng bị bắn.

Người dân vẫn chen chúc nhau trước cổng Tây Trung Nam Hải. Tuy nhiên, từ sự hiện diện đông đảo của cảnh sát đang tiến vào, rõ ràng là Văn phòng Khiếu nại, dù ở đâu, cũng sẽ không mở cửa – không phải hôm nay. Dì Dee chen qua đám đông nhanh nhất có thể, không dám đứng trước mặt Trung Nam Hải, cố gắng không để mắt liếc nhìn. Cuối cùng bà cũng đến được ngã tư phía bắc Phủ Hữu với phố Văn Tân. Lúc này mọi người đang tràn vào từ phía đông bắc, và bà có thể thấy cảnh sát đang cẩn thận đưa người tập dọc theo phố Văn Tân, đối diện với phía bắc của Trung Nam Hải. Một người bạn của bà Dee (hãy gọi là dì Sha) nhớ rất rõ: “Họ bảo chúng tôi, đi bên này, đi bên này, và chúng tôi đi theo”.

Nguoi trong cuoc ke ve cuoc thinh nguyen 02
Hình ảnh về cuộc thỉnh nguyện ngày 25 tháng 4 năm 1999. (Ảnh: Minghui.org)

Trong khi xe buýt và xe cảnh sát tuần tra đi quanh ngã tư, dì Dee chợt nhận ra rằng các máy quay video đã được lắp đặt và đang quay. Sợ hãi, bà cố gắng lùi lại từ hàng người phía trước: “Tôi nghĩ nếu họ bắt gặp tôi trên phim thì họ sẽ đến tìm tôi sau đó”. (Bà đã đúng: Dì Dee và dì Sha cuối cùng sẽ bị kết án 3 năm vào trại lao động. Tằng Tranh sẽ phải chịu 2 năm, và chồng của La Hồng Vệ mới được ra tù vào năm ngoái [2008].)

Lúc này đã gần 9 giờ sáng. Sân khấu đã được chuẩn bị cho màn diễn tiếp sau: Sự xuất hiện trước công chúng mang tính hòa giải của Thủ tướng Chu Dung Cơ và vòng vây âm ỉ của Giang Trạch Dân quanh Trung Nam Hải trên chiếc limousine kính màu khói của ông ta. Không có hồ sơ, phim ảnh hay lời kể hợp lý nào cho thấy người tập Pháp Luân Công đã làm bất cứ điều gì thậm chí mang tính khiêu khích nhẹ trong toàn bộ “tập phim” kéo dài suốt 16 giờ. Không hề xả rác, hút thuốc, hô khẩu hiệu hoặc nói chuyện với phóng viên. Khi một người tập đề nghị họ thay phiên nhau đi ăn hoặc uống, những người khác nói không, chắc chắn là không – nếu chúng ta uống, chúng ta sẽ phải đi vệ sinh, và điều đó có thể làm phiền những người sống hoặc làm việc trong khu vực. Ngay cả theo tiêu chuẩn của Đảng Cộng sản, không có lý do gì để có thể sử dụng quân đội vốn đang chờ sẵn ở Tử Cấm Thành. Có thông báo vào buổi tối rằng người tập ở Thiên Tân sẽ được thả ra. Nó được chào đón với sự nhẹ nhõm thầm lặng. Những người biểu tình rời đi với tâm trạng lạc quan. Ngày hôm sau dì Sha đọc được báo cáo chính thức trên các phương tiện truyền thông. “Họ nói: ‘Pháp Luân Công tập trung ở Trung Nam Hải.’ Họ không nói rằng chúng tôi bao vây Trung Nam Hải. Họ cũng nói rằng chúng tôi có quyền tự do luyện tập hoặc không luyện tập theo ý muốn,” cô nói. Huyền thoại về một cuộc biểu tình hoặc bạo loạn mất trật tự chưa xuất hiện cho đến mãi sau này, trong các báo cáo truyền thông chính thức và trong một bộ phim dài một giờ miêu tả cuộc biểu tình như một hành động khủng bố. Bởi vì các phương tiện truyền thông phương Tây biết quá ít về Pháp Luân Công, nên câu chuyện hư cấu này vẫn tồn tại trong các bài viết về ngày 25 tháng 4.

Phần còn lại, tôi nghĩ chúng ta đều biết hoặc có thể đoán: Đảng cộng sản Trung Quốc thường xuyên trấn an rằng mọi thứ đều bình thường, rằng chính sách hiện hành đối với Pháp Luân Công – về cơ bản là không hỏi, không nói – vẫn có hiệu lực. Trong khi đó, điện thoại của người tập bị nghe lén, gián điệp xuất hiện tại các điểm luyện công, cảnh báo được đưa ra có chọn lọc tại nơi làm việc, và đảng đã thành lập Phòng 610 (được đặt tên theo ngày thành lập của nó vào ngày 10 tháng 6), một trong những cơ quan cảnh sát mật đáng sợ nhất từng được thành lập. Cỗ máy trấn áp đã sẵn sàng khởi động. Ngày 20 tháng 7 năm 1999, cái gọi là những “kẻ cầm đầu” ngày 25 tháng 4 đã bị bắt.

Để đối phó với cuộc đàn áp ngày 20 tháng 7, người tập Pháp Luân Công đã quay trở lại phố Phủ Hữu vào ngày 21 tháng 7. La Hồng Vệ nằm trong số đó: “Ngày 21 tháng 7 giống như ngày 25 tháng 4. Chúng tôi xếp hàng trên đường chờ một quan chức đến để có thể nói chuyện. Nhưng không có quan chức nào đến. Thay vào đó, những chiếc xe tải khổng lồ nối tiếp nhau cùng với cảnh sát đến và đưa chúng tôi đi.” Cuộc đàn áp được biện minh bằng huyền thoại về một ngày ô nhục – ngày 25 tháng 4 – một điều hư cấu được dựng lên như một cái cớ để tiến hành một cuộc đàn áp chưa từng có, một cuộc đàn áp vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.

Một chi tiết cuối cùng. Sĩ quan Hác Phượng Quân đến làm việc tại Phòng 6-10 vào năm 2000. “Phòng giám sát của chúng tôi đã có hồ sơ và dữ liệu toàn diện về người tập Pháp Luân Công,” ông nói. “Những thứ này không phải là thứ có thể làm được và thu thập được chỉ trong 1 hoặc 2 năm.” Theo một cựu quan chức cấp huyện – hãy gọi ông là Bộ trưởng X – quyết định nhằm tiêu diệt Pháp Luân Công và sự chuẩn bị của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho nhiệm vụ đó đã diễn ra từ rất lâu trước khi bất kỳ lệnh cấm nào được công bố. Nó đã được thảo luận rõ ràng trong các cuộc họp đảng. Giang Trạch Dân sẽ không thể giải quyết tình trạng căng thẳng sau vụ thảm sát Thiên An Môn mà không tạo ra một mục tiêu mới, và đó chính là Pháp Luân Công. Ít nhất một nguồn tin khẳng định rằng cách lý giải này đã được lưu hành ở Đại học Thanh Hoa ngay từ năm 1998. Không có bằng chứng xác thực nào cho thấy ông Chu Dung Cơ, hoặc bất kỳ lãnh đạo đảng nào khác, đưa ra bất kỳ hành vi phản đối nghiêm trọng nào đối với quyết định đàn áp vào thời điểm đó, hay vào bất cứ thời điểm nào khác. Về phần mình, Bộ trưởng X được yêu cầu ngừng cấp giấy phép kinh doanh cho những người tập Pháp Luân Công. Ngày 25 tháng 4 chỉ đơn giản là một phần của một trò lừa bịp phức tạp, trong đó Pháp Luân Công là nhóm bị lừa.

Có lẽ kẻ bị lừa cũng có thể là từ được áp dụng cho phương Tây. Đã mười năm rồi. Có phải Đảng Cộng sản Trung Quốc thực sự muốn giết nhiều người như vậy? Có lẽ là không chăng. Người ta dễ tin vào luận điệu ấy.

Các phóng viên phương Tây cũng vậy. Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ không tự bắn vào chân mình, và đã đến lúc phương Tây phải đối mặt với thực tế Trung Quốc. Một xã hội dân sự hậu Cộng sản ở Trung Quốc sẽ có vai trò của Pháp Luân Công, và chúng ta nên hiểu rõ hơn về lịch sử thực sự của phong trào này. Ngày nay, ít nhất cần xua tan đi một huyền thoại nuôi dưỡng quan điểm sai lầm rằng phương Tây không có quyền bình luận về cái gọi là ‘một cuộc cãi vã gia đình khó hiểu’. Pháp Luân Công không bắt đầu cuộc chiến này. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã làm như vậy. Và đảng phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về điều đó.

Tác giả: Ethan Gutmann
Quang Minh biên dịch

Xem thêm:

Mời xem video: