Sau khi 15 lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ gặp lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc họp kín, lo lắng của họ không những không giảm bớt, mà cái nhìn tiêu cực về nền kinh tế Trung Quốc còn được củng cố thêm.

Embed from Getty Images

Vào ngày 25/3/2024, ĐCSTQ đã tổ chức Diễn đàn Phát triển Trung Quốc tại Bắc Kinh. Ngày 27/3, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình, đã gặp đại diện cộng đồng doanh nghiệp Mỹ tham gia diễn đàn. (Ảnh: Pedro Pardo/AFP qua Getty Images)

Ông Tập Cận Bình đã nói gì trong cuộc thảo luận kín? Cộng đồng doanh nghiệp phản ứng thế nào? Các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ đã không đưa tin về điều những điều này.

Ông Tập muốn thông qua cuộc họp này để trực tiếp xoa dịu các công ty nước ngoài và đưa ra những tín hiệu kinh tế tích cực. Tuy nhiên, sau cuộc họp các giám đốc điều hành được phỏng vấn thừa nhận rằng “kinh doanh vẫn rất tồi tệ” và niềm tin vào nền kinh tế Trung Quốc rất thấp.

Phóng viên của CNBC Michelle Caruso-Cabrera tiết lộ trên mạng xã hội X vào ngày 27/3 rằng cô đã phỏng vấn một quản lý cấp cao của doanh nghiệp Mỹ, vị này vừa mới tham dự diễn đàn “Phát triển Trung Quốc” (CDF), và tham dự cuộc tọa đàm với ông Tập Cận Bình. Vị giám đốc điều hành giấu tên nói với giới truyền thông rằng trong cuộc họp kéo dài một tiếng rưỡi, các doanh nhân đã đặt ra những vấn đề hóc búa và ông Tập Cận Bình cũng đưa ra những câu trả lời cứng rắn.

Trong cuộc họp, ông Tập đã tìm cách trấn an các giám đốc điều hành rằng nền kinh tế Trung Quốc “khỏe mạnh và bền vững” và thị trường Trung Quốc vẫn quan trọng đối với các công ty nước ngoài. Ông Tập trấn an rằng sự phát triển của Trung Quốc sẽ không đạt đỉnh do “thuyết đạt đỉnh của Trung Quốc”. Nhưng đồng thời, ông cũng nhiều lần nói rằng mỗi nước đều có những khó khăn riêng và Bắc Kinh biết cách giải quyết vấn đề của chính mình.

Khuôn khổ của cuộc đàm phán về cơ bản giống với những tuyên bố trước đây của ông Tập Cận Bình, chẳng hạn như “tuyệt đối không chấp nhận cách thuyết giáo hống hách của một ‘giáo viên'”.

Trong cuộc phỏng vấn với chương trình “Squawk Box” của CNBC vào ngày 28/3, cô Caruso Cabrera nói rằng thực tế là môi trường kinh doanh của Trung Quốc vẫn rất tồi tệ, nhưng ông Tập Cận Bình đã nói rõ rằng Bắc Kinh sẽ không từ bỏ chế độ kinh tế tập trung.

Trọng tâm của ông Tập là hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân sẽ luôn là doanh nghiệp nhỏ

Khi các giám đốc điều hành đề cập đến các công ty tư nhân tại cuộc họp, Tập Cận Bình đã nói: “Các ông đang nói về các doanh nghiệp nhỏ”. Cô Caruso-Cabrera cho rằng theo quan điểm của Bắc Kinh, doanh nghiệp nhỏ không bao giờ có thể đuổi kịp doanh nghiệp nhà nước lớn, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp nhỏ không ổn định bằng doanh nghiệp nhà nước lớn, cho nên phải hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước.

Vị CEO này cũng tiết lộ, mặc dù doanh nghiệp tư nhân được nhắc đến nhiều lần trong cuộc họp, nhưng lãnh đạo ĐCSTQ luôn kéo trọng tâm trở lại vấn đề hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước lớn đang đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.

Cô Caruso-Cabrera nói: “Họ (lãnh đạo ĐCSTQ) thích các công ty do nhà nước sở hữu và kiểm soát. Nhưng đây không phải là phương thuốc tốt cho sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc”.

Cô cho biết, các công ty Mỹ tham gia cuộc họp này là các công ty đã bắt đầu đầu tư mạnh vào Trung Quốc từ 20 – 30  năm trước, nhưng môi trường kinh doanh hiện tại hoàn toàn khác so với khi các công ty này mới bước chân vào.

Ông Tập muốn tập trung hóa kinh tế, đại gia Trung Quốc bán tháo máy bay tư nhân

Theo bài đăng của phóng viên Caruso-Cabrera trên X ngày 27/3, các giám đốc điều hành doanh nghiệp Mỹ đã thảo luận với ông Tập Cận Bình, cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy ông Tập sẽ thay đổi xu hướng tập trung hóa kinh tế, ông cũng nhấn mạnh thể chế quản trị của Trung Quốc sẽ không thay đổi.

Các nhà điều hành tại cuộc họp tiết lộ rằng những người giàu nhất Trung Quốc nhìn chung lo lắng và đã bán hết tài sản được coi là thể hiện sự giàu có của họ, bao gồm cả máy bay phản lực tư nhân, vì “có tiền ở Trung Quốc là rất nguy hiểm” và giờ họ đang cố gắng chuyển tiền ra nước ngoài. Ông thậm chí còn đề cập chuyện ông biết rằng phải tạo ra ít nhất 10 triệu cơ hội việc làm mới cho sinh viên mới tốt nghiệp hàng năm.

Được biết, trong cuộc hội đàm, ông Tập Cận Bình đặc biệt nhấn mạnh rằng Đài Loan là ranh giới đỏ và nói rằng Trung Quốc không can thiệp vào biên giới của các nước khác, vì vậy các nước khác không nên cố gắng can thiệp vào biên giới của họ.

Nhưng thực tế là ĐCSTQ đã thường xuyên quấy nhiễu nước láng giềng và vẫn đang bắt nạt các tàu từ Philippines, Đài Loan và các quốc gia hoặc khu vực khác ở Biển Đông.

Dòng vốn quay trở lại Mỹ từ Trung Quốc, chứng khoán Mỹ gần đây đã tăng mạnh

Phóng viên Caruso-Cabrera cho biết trong chương trình rằng theo quan sát của cô, do cộng đồng doanh nghiệp Mỹ không còn đầu tư vào Trung Quốc nên gần đây việc phân bổ tài sản nội địa ở Mỹ đã tăng mạnh.

Cô đề cập đến một câu hỏi rất thú vị, trước đây các nhà đầu tư Mỹ lo lắng về Nhật Bản, nhưng “thập kỷ mất mát” của nền kinh tế Nhật Bản không làm tổn hại đến Mỹ, liệu Mỹ chắc chắn sẽ bị kéo xuống bởi tốc độ tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc? Xem xét hiện tại có rất nhiều doanh nghiệp đầu tư vào Mỹ.

Cô cho rằng sự khác biệt là lúc đó Mỹ không lo lắng về Nhật Bản, nhưng bây giờ họ lo lắng về việc ĐCSTQ tấn công Đài Loan.

Cô đề cập rằng Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen đang chú ý đến ĐCSTQ bán phá giá “3 thứ mới” ra toàn thế giới, bao gồm xe điện, tấm pin mặt trời và pin lithium-ion.

Chính quyền Biden lo ngại rằng các biện pháp của Bắc Kinh nhằm vực dậy nền kinh tế đang suy yếu của Trung Quốc sẽ gây ra làn sóng xuất khẩu hàng hóa giá rẻ và gây bất ổn cho thị trường toàn cầu.

Đối mặt với sự cản trở nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế do cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc gây ra, ĐCSTQ đã ưu tiên sản xuất hơn là giải quyết vấn đề nghiêm trọng nhất là mức tiêu dùng yếu.

Ngoài việc Mỹ không hài lòng về các chính sách hỗ trợ của ĐCSTQ, Liên minh Châu Âu còn có ý định áp dụng thuế quan bổ sung đối với xe điện của Trung Quốc nhập khẩu vào khối, với lý do là bằng chứng mới cho thấy Bắc Kinh đang cung cấp hỗ trợ tài chính bất hợp pháp cho ngành này.

Theo Reuters, nhiều giám đốc điều hành nước ngoài có chung thái độ thận trọng khi rời Trung Quốc, tức là rủi ro khi mở rộng kinh doanh tại Trung Quốc vẫn lớn hơn lợi ích thu được.