Trước chính sách thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc cực đoan của Đảng Cộng sản Trung Quốc và căng thẳng chính trị Trung – Nhật leo thang những năm qua, dường như xu thế bài Nhật tại Trung Quốc đang ngày càng khó lường, khiến người Nhật lo ngại khi sống cũng như đến nước này du lịch.

shutterstock 1808537434
Phụ nữ Nhật mặc trang phục yukata. (Ảnh minh họa: Boyloso/ Shutterstock)

Theo Newtalk, vào ngày 10/8 một phụ nữ ở Tô Châu tỉnh Giang Tô Trung Quốc khi ra phố Hoài Hải mặc trang phục yukata kiểu Nhật Bản chụp ảnh vai diễn trong bộ phim hoạt hình Nhật Bản Summer Time Rendering, đã bị cảnh sát hét lên chỉ trích, kinh khủng hơn là quần áo bị xé rách ngay tại hiện trường và bị đưa vào đồn để thẩm vấn với tội danh “gây rối”. Để phản ứng với “sự cố kimono Tô Châu”, giám đốc chi nhánh Đài Bắc tờ Sankei Shimbun Nhật Bản Akio Yaita đã đăng trên Facebook vào ngày 18/8, nói rằng nhiều người Nhật Bản sống lâu năm ở Trung Quốc mà ông từng quen biết cho biết ngày càng khó kiếm tiền ở Trung Quốc, cuộc sống ngày càng bấp bênh nên muốn quay về nước.

Ông Akio Yaita cũng đề cập đến chính sách ‘Zero-COVID’, nói rằng động chút là bị nhà chức trách bắt kiểm tra axit nucleic, hoặc có thể đột nhiên mất tự do vì mã sức khỏe của điện thoại di động chuyển sang màu đỏ. Đặc biệt là vấn đề chủ nghĩa dân tộc cực đoan của người Trung Quốc ngày càng lớn và xu thế bài Nhật leo thang. Những yếu tố này là rất rủi ro.

Ông Akio Yaita kể lại rằng 10 năm trước, có một cuộc biểu tình chống Nhật quy mô lớn nổ ra ở nhiều nơi trên lãnh thổ Trung Quốc. Lúc đó vừa lúc ông đang ở Bắc Kinh và đã chứng kiến cảnh các cửa hàng Nhật Bản trên đường phố bị tấn công, nhiều chiếc ô tô thương hiệu Nhật bị đập vỡ cửa kính, một thanh niên tên Cai Yang ở Tây An đánh một chủ xe hơi Nhật Bản bằng thanh kim loại khiến ông chủ người Nhật kia thành người thực vật. Nhưng ông Yaita nhấn mạnh rằng vào thời điểm đó những người Nhật ở Trung Quốc chưa thấy quá bất an, vì họ biết rằng các cuộc biểu tình chống Nhật sẽ sớm kết thúc, miễn là trong thời gian đó họ không ra ngoài thì không sao. Khi đó cảnh sát Trung Quốc cũng hiểu vấn đề hơn, họ cử người đến những khu vực có người Nhật Bản để giữ trật tự. Sau đó hung thủ Cai Yang cũng bị bắt và bị kết án 10 năm tù về tội cố ý gây thương tích.

Ông Yaita thẳng thắn nói rằng sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012 đã thúc đẩy nền giáo dục chống Nhật, khiến cuộc sống của người Nhật ở Trung Quốc ngày càng khó khăn hơn. “Sự cố kimono Tô Châu” khiến nhiều người Nhật cảm thấy tình cảm chống Nhật của người Trung Quốc đã trở nên “bình thường hóa”“nhất quán giữa Chính phủ ĐCSTQ và nhân dân Trung Quốc”.

Ông Yaita cho biết, ở Trung Quốc thì Tô Châu là một trong những thành phố tập trung nhiều người Nhật nhất, ở đó có hơn 3000 doanh nghiệp Nhật Bản. Để thu hút đầu tư của Nhật, vào những năm 1990 chính quyền địa phương đã đầu tư xây dựng “Phố phong cách Nhật Bản”. Nhưng những năm gần đây yếu tố Nhật Bản ngày càng ít đi. Giờ đây ngay cả việc mặc kimono để chụp ảnh trên đường phố kiểu Nhật cũng không được phép. Nhưng Trung Quốc không có luật nào cấm mặc kimono, người Nhật tại đây ban đầu chỉ mong đợi lời xin lỗi từ cảnh sát Trung Quốc, nhưng không ngờ thứ nhận được lại là lời xin lỗi từ cô gái bị bắt.

Chuyên gia truyền thông Yaita nhấn mạnh rằng lời xin lỗi từ cô gái có lẽ thực hiện theo lệnh của cảnh sát, mô tả việc mặc kimono là “hành động không phù hợp và nguy hiểm”, kết quả vụ việc như vậy đã khiến nhiều người Nhật lo lắng.

Cuối cùng ông đặt câu hỏi, “Tôi tự hỏi liệu sau này nói tiếng Nhật nơi công cộng có nguy hiểm không?”

Nhiều cư dân mạng đã để lại lời nhắn dưới bài viết trên Facebook của ông Yaita, bày tỏ quan điểm như: “Du khách Trung Quốc có thể mặc kimono để đi mua sắm ở Nhật Bản, nhưng người Trung Quốc mặc kimono ở Trung Quốc lại thành vấn đề”; “Mặc một bộ quần áo lại có thể làm tổn thương tình cảm dân tộc!… Tấm lòng dân tộc Trung Quốc này mỏng manh biết bao… ”.

Một số cư dân mạng khác nhấn mạnh sự nguy hiểm khi sống ở Trung Quốc, “Đừng quên sự cố Tô Châu, hãy trân trọng cuộc sống của bạn và tránh xa Trung Quốc”; “Đó không phải là đất nước có thể sống lâu dài”; “Nơi nguy hiểm không nên gần”…

Một số cư dân mạng khác còn đề cập đến tình hình phát triển hiện nay ở Trung Quốc, “Đừng có suy nghĩ ngây thơ về Trung Quốc, ngay cả giáo dục mẫu giáo cũng đang thấm nhuần quan niệm căm thù Nhật Bản”; “Làn sóng chống Nhật và chống Mỹ khắp Trung Quốc đã thay đổi thành thứ văn hóa kiêu căng và hiếu chiến!”; “Người Trung Quốc ngày càng dân tộc chủ nghĩa và bài ngoại”…