Ở Trung Quốc Đại Lục, sự xuất hiện của một ca nhiễm biến thể Delta có thể khiến toàn bộ thành phố bị phong tỏa; khi trở về Bắc Kinh từ một khu vực có ca nhiễm Delta, có thể phải đối mặt với việc cách ly trong khách sạn 3 tuần. Đây là những cách Trung Quốc giữ cho tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 hàng ngày ở một con số. Tuy nhiên, khi biến thể Delta rất dễ lây lan ở Trung Quốc, các chuyên gia y tế cộng đồng phương Tây đã bắt đầu đặt câu hỏi liệu phương pháp đưa số ca nhiễm virus “về 0” này có thể kiểm soát sự lây lan nhanh chóng của COVID-19 về lâu dài hay không, và cái giá phải trả cho nó có đáng hay không?

Ngày 2/9, Đài Phát thanh Quốc gia Hoa Kỳ (NPR) đưa tin, Trung Quốc đã phân phối 2 tỷ liều vắc-xin, hầu hết là vắc-xin sản xuất trong nước, và đủ để cung cấp cho gần 80% dân số. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn do dự trong việc nới lỏng các chính sách nghiêm ngặt của mình, vì không có dữ liệu công khai nào cho thấy vắc-xin của Trung Quốc vẫn còn hiệu quả theo thời gian, hoặc vắc-xin của Trung Quốc cũng sẽ có hiệu quả với các biến thể. Các kênh truyền thông ngoài Trung Quốc cho rằng, việc đóng cửa các khu vực rộng lớn của đất nước bất cứ lúc nào có hiệu quả trong việc giảm tổng số ca nhiễm, và cũng có thể giảm sự đông đúc ở các bệnh viện. Tuy nhiên, nó lại có một số tác dụng phụ khác như: trong chốc lát có thể mang đến gánh nặng cho công dân bình thường; phong tỏa ngắn hạn cũng không thể kiểm soát được virus; phong tỏa dịch bệnh sẽ hy sinh hy sinh kết nối thương mại và học thuật toàn cầu.

Cách ly 2 – 3 tuần trong khách sạn phải tự trả các chi phí

Tại Trung Quốc, những người tiếp xúc gần với người lây nhiễm hoặc những người đi lại từ vùng có rủi ro lây nhiễm cao, đều phải cách ly 2 – 3 tuần trong cơ sở cách ly, tính theo chi phí mỗi ngày 300 tệ, thời gian cách ly ngắn nhất là hai tuần thì cũng phải tiêu tốn trên dưới 4000 tệ (hơn 14 triệu VNĐ). Con số này đối với phần lớn công dân Trung Quốc mà nói cũng không phải là số tiền nhỏ. 

Cụ thể đối với lao động đến từ nông thôn, nhóm người này là nhóm cung cấp động lực cho ngành dịch vụ và ngành thương mại điện tử tại Trung Quốc. Trong số họ có rất nhiều người không cách nào quay trở về nhà thăm người thân vì quy định này. Bởi vì sau khi thăm người thân và trở lại thành phố làm việc, rất có khả năng họ sẽ phải bị cách ly. Trong tình huống như thế, họ không chỉ mất việc làm, mà chi phí cách ly còn phải tự chi trả, tiền lương cả một tháng làm việc cũng chẳng còn nữa. 

Phong tỏa ngắn hạn cũng không kiểm soát được virus

Một số học giả phương Tây cho rằng chỉ có tiến hành phong tỏa trong dài hạn và liên tục đầy đủ không gián đoạn thì mới có hiệu quả. 

Ông Tamer Oraby, một học giả nghiên cứu về sự lây truyền của dịch bệnh COVID-19, thuộc phân hiệu tại Rio Grande Valley của Đại học Texas (University of Texas,Rio Grande Valley), chỉ ra, “Trong trường hợp phong tỏa ngắn hạn, virus bị nhốt trong các gia đình, nhưng virus không hề biến mất. Nếu mở cửa sau khi phong tỏa ngắn hạn, những virus không biến mất trong các gia đình sẽ lan truyền ra ngoài cộng đồng. Tại các nơi ở Trung Quốc, nhiều nơi xuất hiện khu vực tập trung virus mới, nên phương pháp phong tỏa trong ngắn hạn này có thể có vấn đề nếu vẫn tiếp tục duy trì.”

Tiến sĩ Jennifer Bouey, một nhà dịch tễ học tại Công ty RAND (RAND Corporation) nói, “Trung Quốc có thể kiểm soát được làn sóng lây nhiễm biến chủng Delta, nhưng nếu dịch COVID-19 xảy ra lặp lại nhiều lần thì Trung Quốc cần cân nhắc áp dụng biện pháp khác. Tốc độ lây truyền của Delta nhanh như thế, không thể nào đảm bảo rằng Trung Quốc có thể kịp thời tiến hành liên lạc người nhiễm để theo dõi và cách ly trước khi virus từ người đó lây truyền cho người khác.”

Phong tỏa biên giới sẽ hy sinh kết nối thương mại và học thuật toàn cầu

Thông qua việc giữ tỷ lệ lây nhiễm ở mức tương đối thấp, Trung Quốc đã có thể khởi động lại các lĩnh vực kinh tế và khôi phục lại phần lớn đi lại trong nước. Tuy nhiên, coi việc ngăn chặn toàn diện virus là ưu tiên và tiếp tục thực thi phong tỏa nghiêm ngặt biên giới thì sẽ hy sinh kết nối toàn cầu hóa, thương mại, trí thức toàn cầu của Trung Quốc. 

Ông Rory Truex, trợ lý giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Princeton, cho biết: “Sự lưu động ổn định của người dân trên quốc tế đã hoàn toàn bị suy yếu. Quan chức y tế cộng đồng Trung Quốc nói rằng cần giữ sự cách biệt Trung Quốc với thế giới trong một năm. Việc đóng cửa biên giới quốc tế có khả năng sẽ khiến mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc xấu đi. Bởi vì hiện tại, có một số người Mỹ và Trung Quốc suy đoán hoặc tranh cãi về đối phương đang xảy ra chuyện gì trong khi không có quá nhiều tư liệu đầu tay, điều này dẫn đến hai bên đi theo đường lối giả định tình huống tồi tệ nhất về nhau.”

Về phương diện học thuật, chương trình thu hút sinh viên quốc tế đến Trung Quốc cũng vì mục tiêu “về 0” mà bị gián đoạn. Trước đại dịch, Trung Quốc đã cố gắng trở thành một trung tâm nghiên cứu toàn cầu cạnh tranh với Mỹ bằng cách cung cấp học bổng của chính phủ cho các nhà nghiên cứu tiến sĩ có triển vọng đến học tập và làm việc tại Trung Quốc.

Một sinh viên Pakistan học tiến sĩ ở Trung Quốc cho biết, “Chúng tôi đã được tiêm phòng và sẵn sàng chấp nhận các biện pháp kiểm dịch và làm tất cả các xét nghiệm, nhưng chúng tôi vẫn không thể trở lại Trung Quốc từ Pakistan để hoàn thành chương trình học Tiến sĩ. Các đối tác trong phòng thí nghiệm của tôi đã dọn dẹp hết băng ghế của tôi trong phòng thí nghiệm.”

Những sinh viên quốc tế may mắn hơn có thể hoàn thành chương trình học của mình thông qua hình thức giảng dạy trực tuyến, nhưng giảng dạy trực tuyến còn lâu mới được kiện toàn. Một nữ sinh viên Ấn Độ đang theo học ngành y trực tuyến tại một trường đại học ở Trung Quốc cho biết: “Ở nhà vừa ăn vặt vừa xem 42 slide thuyết trình thì có thể học được phẫu thuật ruột thừa ư, bạn có tin không?” Cô hy vọng được đích thân đến trường đại học Trung Quốc để tiếp tục học.

Trong đợt dịch COVID-19, các kết nối thương mại toàn cầu của Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng. Việc kiểm dịch virus tại các cảng khẩu lớn ở Trung Quốc đã làm gián đoạn nghiêm trọng việc vận chuyển hàng hóa quốc tế. Đồng thời, việc cách ly trong 3 tuần và hạn chế đi lại cũng đã làm suy yếu khả năng thu hút người nước ngoài đến Trung Quốc.

Ông Max Lee, giám đốc nhân sự của JobRight, một công ty hợp tác với các công ty Trung Quốc, cho biết, “Trong nhiều trường hợp, do hạn chế đi lại nên người nước ngoài không thể hoặc không muốn đến Trung Quốc.”

Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Thượng Hải, ông Ker Gibbs cho biết, “Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi hiện nay là cho phép các quản lý cấp cao ra vào Trung Quốc và đoàn tụ với gia đình của họ.”

Tiêu dùng nội địa chậm lại, cộng thêm biến thể Delta lưu hành rộng, đã khiến ông Nick Marro, một chuyên gia kinh tế vĩ mô tại Phòng tin tức của Tạp chí Economist đưa ra mức giảm 0,4% về dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Ông Maro thừa nhận rằng “sự kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ Trung Quốc đối với COVID là một trong những lý do tại sao chúng tôi hạ dự báo kinh tế của Trung Quốc”.

Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh có một bộ quy tắc dịch bệnh của mình

Bắc Kinh đã cam kết tổ chức Thế vận hội Mùa đông trong vòng sáu tháng, và dự kiến ​​sẽ có hàng ngàn vận động viên và nhà báo từ khắp nơi trên thế giới tham gia. Các nhà tổ chức Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh đã cho biết, trước và sau khi vào địa điểm thi đấu, nhân viên phải được cách ly trong các cơ sở do chính phủ thiết lập, và khán giả quốc tế bị cấm vào địa điểm tổ chức.

Theo hai nhà ngoại giao Trung Quốc phụ trách vấn đề tiếp cận Olympic, Bắc Kinh còn có kế hoạch thiết lập ba “bong bóng” hạn chế tiếp cận các cơ sở thể thao lớn trong và xung quanh thành phố. Hơn nữa, các phóng viên đến phỏng vấn đưa tin cần phải rời đi ngay sau Thế vận hội Mùa Đông và không được phép đến các khu vực khác của Trung Quốc, cách làm này giống như Thế vận hội mùa hè 2008 tại Bắc Kinh.

Truyền thông nước ngoài lo ngại rằng các biện pháp phòng ngừa COVID-19 này có thể cản trở việc đưa tin độc lập của các nhà báo ở Trung Quốc trong thời gian diễn ra Thế vận hội, và sẽ biến bối cảnh toàn cầu tham gia thể thao thành một màn trình diễn được quản lý chặt chẽ.

Ông Bill Holstein, thành viên hội đồng quản trị của Câu lạc bộ Báo chí Hải ngoại (Overseas Press Club), đặt câu hỏi, “Liệu các nhà báo có thể có bất cứ hành động tự do nào không? Liệu họ có thể ra khỏi địa điểm của Thế vận hội và tìm hiểu về kết cấu xã hội của nước chủ nhà một cách rộng rãi hơn không?”

Qua Ngự Thi, Vision Times

Xem thêm: