Các nhà hoạt động nhân quyền và một số học giả ở Trung Quốc đã bị hạn chế các tài khoản WeChat của họ trong những tuần gần đây, khi Bắc Kinh đàn áp bất đồng chính kiến trước thềm Thế vận hội Mùa đông, theo hãng tin AFP.

Embed from Getty Images

Trung Quốc hy vọng biến Thế vận hội tuần tới thành một chiến thắng của quyền lực mềm, mặc dù bị một vài cường quốc phương Tây tiến hành chiến dịch tẩy chay ngoại giao vì hồ sơ nhân quyền tồi tệ của Bắc Kinh.

Đối với cộng đồng các nhà hoạt động đang ngày càng thu nhỏ của Trung Quốc, việc các vận động viên trên khắp thế giới sắp xuất hiện đồng nghĩa với việc họ sẽ hứng chịu một kiểu đàn áp quen thuộc.

Tám cá nhân đã nói với AFP rằng tài khoản WeChat của họ đã bị hạn chế dưới nhiều hình thức kể từ đầu tháng 12. Một số người thậm chí không thể sử dụng tài khoản của họ và buộc phải đăng ký lại tài khoản mới. 

Các hạn chế được đưa ra trong bối cảnh ĐCSTQ bắt giữ hai nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng là luật sư Xie Yang, và nhà văn Yang Maodong vì tình nghi “kích động lật đổ nhà nước,” theo các thông báo chính thức được chia sẻ với AFP.

Trong khi đó, một luật sư nhân quyền khác là Tang Jintian đã mất tích kể từ đầu tháng 12. Ông Tang mất tích khi đang trên đường đến dự sự kiện Ngày Nhân quyền của Liên minh châu Âu tại Bắc Kinh. Thân nhân của ông nói với AFP họ tin rằng ông đang bị giữ dưới hình thức giam cầm bí mật thường được sử dụng đối với những người bất đồng chính kiến, có khả năng tại tỉnh Cát Lâm quê hương ông.

“Chúng tôi không biết ông ấy đang ở đâu. Tôi đã báo việc ông mất tích với cảnh sát nhưng chưa có kết quả nào,” một người thân không muốn giấu tên vì sợ bị trả thù nói. “Họ nói trường hợp này không đáp ứng  các yêu cầu trình báo (người mất tích) và rằng ông ấy đã quét mã sức khoẻ ở tỉnh Cát Lâm.”

Những người bị bắt vì “xâm phạm an ninh quốc gia” ở Trung Quốc có thể biến mất nhiều tháng tại một nơi giam giữ riêng biệt trước khi nhà chức trách buộc tội họ hoặc tiết lộ số phận của họ.

Cả cơ quan an ninh công cộng Cát Lâm và Bắc Kinh không trả lời yêu cầu bình luận. 

Trung Quốc thường đàn áp các tài khoản mạng xã hội cũng như việc đi lại của các nhà bất đồng chính kiến trong các giai đoạn nhạy cảm về chính trị, như các cuộc họp của Đảng cộng sản ở Bắc Kinh hoặc những dịp kỷ niệm quan trọng như vụ đàn áp Thiên An Môn 1989.

Yaqiu Wang, nhà nghiên cứu cao cấp về Trung Quốc tại Cơ quan theo dõi Nhân quyền nói rằng “Chính phủ Trung Quốc hiện muốn bảo đảm rằng người dân không vượt quá giới hạn trên mạng để phá quấy hình ảnh của một Thế vận hội Mùa đông hoàn hảo.”

Ứng dụng WeChat của Tencent là một nhân tố quan trọng trong cuộc sống hàng ngày ở Trung Quốc. Ngoài trò chuyện, nười dùng thường sử dụng nó cho hàng loạt dịch vụ, bao gồm thanh toán và quét mã sức khoẻ để có thể được phép vào các địa điểm công cộng.

Một luật sư giấu tên ở Bắc Kinh có tài khoản bị giới hạn vào tháng trước cho biết, “Tôi biết gần đây nhiều người đã bị cấm đăng bài trong các nhóm trò chuyện hoặc trên WeChat Moments”. 

Nhà văn hiện đang ngụ tại Bắc Kinh Zhang Yihe nói chức năng trò chuyện nhóm trên WeChat và Moments của cô – tương tự như Tường của Facebook và các Câu chuyện của Instagram – đã bị giới hạn từ ngày 8/1.

Giáo sư xã hội học đại học Thanh Hoa Guo Yuhua xác nhận tài khoản của bà bị chặn vĩnh viễn vào cùng ngày, trong khi học giả pháp lý nổi tiếng He Weifang nói ông đã gặp phải sự cố tương tự cũng vào ngày 9/1.

“Chẳng phải điều này cũng giống tước đi không gian công cộng của một cá nhân sao?” Zhang nói thêm rằng hiện nay bà chỉ có thể gửi tin nhắn WeChat cho những người dùng cá nhân.

“Trước và trong Thế vận hội là một giai đoạn nhạy cảm lớn,” một nhà hoạt động tại Bắc Kinh bổ sung, tài khoản của ông đã bị hạn chế hai lần trong hai tháng qua.

Tencent, chủ sở hữu WeChat, không trả lời yêu cầu bình luận.

Trong khi đó, Uỷ ban Thế vận hội Quốc tế (IOC) đã phản hồi qua thư điện tử rằng họ “không có nhiệm vụ cũng như không có khả năng thay đổi luật pháp hoặc hệ thống chính trị của một quốc gia có chủ quyền.” IOC còn bổ sung rằng họ “phải giữ thái độ trung lập trong tất cả các vấn đề chính trị toàn cầu.”

Các nhà tổ chức Thế vận hội nói với AFP rằng họ “phản đối chính trị hoá thể thao,” và “không biết về các vấn đề này.”

Xuân Lan (theo AFP)

Xem thêm: