Việc phong tỏa phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt do chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) áp đặt và hàng rào biên giới được xây dựng ở miền nam Trung Quốc trong những năm gần đây, đã khiến những kẻ buôn người tạm thời ngừng bắt cóc phụ nữ từ Việt Nam, Myanmar và những nơi khác bán sang Trung Quốc. Hiện có những dấu hiệu cho thấy hoạt động bất hợp pháp này đã hồi sinh.

shutterstock 411771103
(Ảnh minh họa: Structuresxx/ Shutterstock)

Tháng trước, một chiếc Toyota Highlander 7 chỗ chở 14 người đã rơi xuống vách đá ở thành phố Tĩnh Tây, Quảng Tây, khiến 11 người thiệt mạng.

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết đang khẩn trương phối hợp các cơ quan chức năng của Trung Quốc để xác minh nhân thân của 9 người Việt thiệt mạng sau khi một chiếc ô tô 7 chỗ rơi xuống một vách đá gần biên giới Việt Nam – Trung Quốc hôm 19/5.

Trong số 11 người thiệt mạng, có 9 người mang giấy tờ tùy thân Việt Nam. 3 người may mắn sống sót là 2 người Việt Nam khác và 1 tài xế người Trung Quốc.

Các nhóm nhân quyền cho rằng họ có thể là phụ nữ bị buôn bán sang Trung Quốc. Chính quyền thành phố Tĩnh Tây cho biết, họ đang điều tra vụ việc theo hướng buôn người.

Theo báo cáo của Wall Street Journal, vào tháng 2 năm nay, công an tỉnh Bạc Liêu cho biết, họ đã triệt phá một đường dây tội phạm buôn bán các bé gái Việt Nam dưới 16 tuổi. Tất cả các cô gái đều bị bán sang Trung Quốc, chính quyền Việt Nam cho biết họ bị bán để kết hôn dù chưa đủ tuổi thành niên.

Các nhóm nhân quyền nhận định, các vụ việc cho thấy nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em gái vào Trung Quốc đã quay trở lại.

Ông Phil Robertson, Phó giám đốc châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết, những gì chúng ta đang thấy là sự hồi sinh chậm chạp (của nạn buôn người), một phần là do nhu cầu vẫn chưa biến mất.

Ông nói vẫn còn sự mất cân bằng giới tính ở Trung Quốc, và việc buôn bán những phụ nữ và trẻ em gái này vẫn khá béo bở.

Ông Robertson cho biết một số kẻ buôn người đã sử dụng cơ hội việc làm để dụ dỗ phụ nữ. Trong khi một số người khác lừa các cô gái, giả vờ hẹn hò với họ và dụ họ đi du lịch Trung Quốc cùng.

Dưới chính sách “một con” kéo vài thập kỷ của ĐCSTQ, tỷ lệ giới tính ở vùng nông thôn Trung Quốc đã bị chênh lệch nghiêm trọng, khiến hàng triệu đàn ông không thể tìm được vợ.

Theo điều tra dân số năm 2020, nam giới trong độ tuổi kết hôn nhiều hơn nữ giới 17,5 triệu người. Nhiều người trong số những người đàn ông này sống ở các vùng nông thôn và không ngừng cố gắng tìm vợ với hy vọng nối dõi tông đường.

Trong vài thập kỷ qua, phụ nữ là nạn nhân của nạn buôn người thường đến từ các khu vực nghèo khó của Trung Quốc. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều cô dâu đến từ bên ngoài Trung Quốc, bao gồm Việt Nam, Myanmar và Triều Tiên, theo tài liệu của cảnh sát Trung Quốc, tòa án và các nhóm nhân quyền.

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các cửa khẩu biên giới của Trung Quốc tăng cường giám sát, hầu hết các hoạt động buôn người tạm thời bị đình chỉ.

Các nhóm viện trợ nói, ở phía bắc Trung Quốc, giáp với Bắc Triều Tiên, nhiều phụ nữ chạy trốn khỏi chế độ ở Bình Nhưỡng cuối cùng bị ép làm gái mại dâm hoặc kết hôn với đàn ông Trung Quốc. Họ thường bị bắt và gửi đến các trung tâm giam giữ, vì chính quyền Trung Quốc tin rằng họ đã nhập cảnh bất hợp pháp vào đất nước này.

Các nhà quan sát nhân quyền ước tính, gần 2.000 người Triều Tiên đang bị giam giữ tại các trung tâm giam giữ dọc biên giới Trung Quốc-Triều Tiên. Bắc Kinh sẽ cho hồi hương người Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng dỡ bỏ kiểm soát biên giới do virus viêm phổi Vũ Hán (COVID-19).

Các nhóm nhân quyền cho biết, ngay cả những phụ nữ Triều Tiên kết hôn với đàn ông Trung Quốc cũng có thể bị trục xuất. Họ có thể phải đối mặt với án tử hình hoặc bị đưa đến trại tập trung khi về nước.

Ông Tim Peters, người sáng lập tổ chức Helping Hands Korea, cho biết đầu tháng trước, trong số những người Triều Tiên băng qua sông Mekong từ Trung Quốc vào Thái Lan, có một người phụ nữ và con gái của cô đều trốn khỏi Triều Tiên vào năm 2012.

Ông Peters cho biết, người phụ nữ này đã bị bán làm vợ cho một người đàn ông ở đông bắc Trung Quốc. Sau khi chạy trốn khỏi người đàn ông này vào năm 2019, cô và con gái đã trốn ở tỉnh Hà Bắc. Họ phải vật lộn để tìm việc làm do không có giấy tờ tùy thân và cuối cùng trốn thoát khỏi Trung Quốc.

Đồng thời, tại biên giới Trung Quốc và Việt Nam, chính quyền Trung Quốc cũng bắt đầu trục xuất một số phụ nữ bị buôn bán sau 3 năm gián đoạn.

Cảnh sát ở Đông Hưng, Quảng Tây, giáp với Móng Cái của Việt Nam, cho biết họ đã bàn giao những phụ nữ Việt Nam được giải cứu ở Trung Quốc cho cảnh sát Việt Nam.

Ông Robertson của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết, các nhà chức trách thường dựa vào các nhóm phi lợi nhuận giải cứu phụ nữ và giúp họ tái định cư ở Việt Nam.

Những người tham gia chiến dịch giải cứu cho biết, một hàng rào cao 3,6 mét ở biên giới Trung Quốc đã khiến việc vượt biên trái phép trở nên khó khăn hơn sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại. Nhưng những kẻ buôn người vẫn có thể tìm cách đưa người vào Trung Quốc.

Theo Wall Street Journal, một yếu tố góp phần làm gia tăng nạn buôn người là nhận thức của giới trẻ Việt Nam rằng cuộc sống ở Trung Quốc tốt hơn nhiều, khiến nhiều phụ nữ Việt Nam dễ bị dụ dỗ trước những cơ hội làm việc không có thật. Nhưng nhiều thanh niên Việt Nam không biết rằng thanh niên Trung Quốc cũng đang chật vật tìm việc.

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) xác nhận, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm tuổi 16-24 đạt mức cao kỷ lục 20,4% trong tháng Tư, tăng từ mức 19,6% trong tháng Ba.

Bình Minh (t/h)