Theo một báo cáo nghiên cứu về xu hướng mới của TV thông minh, kể từ năm 2016, tỷ lệ mở TV ở Trung Quốc Đại Lục đã giảm mạnh từ 70% xuống dưới 30% vào năm 2022, điều này cũng làm dấy lên các cuộc thảo luận về lý do đằng sau.

GettyImages 1227548222
Phóng viên CCTV đang phỏng vấn tại hiện trường (Ảnh: Andrea Verdelli / Getty Images)

Tỷ lệ mở TV của Trung Quốc giảm mạnh xuống 30%

Theo “qianzhan.com”, Viện Nghiên cứu Công nghiệp Qianzhan đã công bố “Báo cáo xu hướng mới về tương tác TV thông minh Trung Quốc năm 2024” vào ngày 3/1/2024. Báo cáo chỉ ra rằng kể từ năm 2016, tỷ lệ mở TV ở Trung Quốc đã giảm từ 70% xuống còn chưa đến 30% trong năm 2022. Xu hướng này đã được xác nhận trong một cuộc khảo sát trực tuyến, trong số 4.183 người tiêu dùng tham gia bình chọn, hơn 52,3% cho biết họ đã không bật TV trong vài tháng và chỉ có 15,6% người dùng tần suất cao bật TV trong 1 đến 2 giờ mỗi ngày.

Nguyên nhân dẫn đến kết quả này không chỉ là sự gia tăng của các thiết bị di động màn hình nhỏ như điện thoại di động và máy tính bảng đã ảnh hưởng đến việc sử dụng TV, mà còn do trải nghiệm người dùng kém và các thói quen sử dụng mới cũng khiến người dùng Trung Quốc rời xa TV.

Một số cư dân mạng Trung Quốc phàn nàn trực tiếp về việc xem TV bây giờ:

“Khi bạn bật điện TV lên toàn là quảng cáo, xem gì cũng đều phải trả phí, không tiện như điện thoại di động.”,  “Xem TV toàn phải trả phí, còn những kênh không thu phí thì phần lớn đều là bán hàng, còn ai xem nữa. Vì  sao truyền hình phúc lợi công cộng lại trở nên như thế này?”

Báo cáo cũng chỉ ra rằng người dùng cần phải chịu đựng các quảng cáo khởi động và thực hiện nhiều bước để xem các chương trình sau khi bật TV, quá trình này mất khoảng 1 đến 2 phút, càng làm giảm mong muốn xem TV của người dùng.

Diễn viên Trung Quốc Lý Gia Minh (Li Jiaming) công khai chỉ trích sự hỗn loạn về phí truyền hình chính thức của Trung Quốc vào tháng 1/2023. “Người bình thường kiếm tiền có dễ không?” Ông nói thẳng: “Trước đây bật TV thì chính là TV. Bây giờ bật TV đều là tính phí, cái gì mà thuê bao VIP hàng tháng. Tôi bỏ cả ngàn nhân dân tệ để mua một chiếc TV nhưng tôi vẫn không xem được, mỗi chương trình đều phải tính tiền riêng, tôi cảm thấy rất ghê tởm. “Người dân bình thường kiếm tiền dễ dàng thế sao?”

Bên cạnh tỷ lệ bật TV giảm mạnh, xét về xếp hạng, dữ liệu của CSM (China Broadcasting Soft Media Research) năm 2023 cho thấy xếp hạng trung bình của “Xinwen Lianbo” (chương trình thời sự) của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) vào tháng 8 cùng năm chỉ là 2,3%, mức thấp kỷ lục.

Nhà nghiên cứu kỳ cựu: CCTV không phải đài truyền hình bình thường

Theo phân tích của TMTPost, hiện tượng này cho thấy người xem đã chán nội dung và hình thức của Xinwen Lianbo: “Nội dung của Xinwen Lianbo đều cho khán giả thấy rằng tình hình chung đề rất tuyệt vời, nhiều dữ liệu kinh tế và việc làm đều rất đẹp. Tuy nhiên, thực tế là khó tìm được việc làm và thu nhập thấp, chi phí y tế cao, chi phí giáo dục ngày càng cao hơn… Loại nội dung này không phù hợp với đời thực, khiến mọi người cảm thấy không tin tưởng và không hài lòng, đồng thời cũng khiến mọi người nghi ngờ về tính xác thực và tính khách quan của Xinwen Lianbo.” 

Nhiều cư dân mạng cũng chỉ ra:

“Thành thật mà nói, tôi đã không xem Xinwen Lianbo trong hai hoặc ba năm và tôi không biết bây giờ có bao nhiêu người vẫn xem nó.”  

“Bởi vì chương trình đó không nói sự thật.” 

“Trách ai đây, nó đã bị làm thành nội dung thiểu năng.” 

Năm ngoái, trong một cuộc thảo luận trên nền tảng Zhihu “Vì sao giới trẻ không xem Xinwen Lianbo nữa?”, cư dân mạng viết:

“25 phút đầu là vĩ đại, quang vinh, chính xác, còn 5 phút tiếp theo là thảm họa ở các nước trên thế giới”. 

“Xinwen Lianbo đôi khi cũng có một số công dụng, nhưng nhìn chung 80% nội dung chỉ là tẩy não ca tụng và những lời nói nhảm!” 

“Thành thật mà nói, đây là chương trình tôi ghét xem nhất kể từ khi còn nhỏ.”

“Một mặt thì nhìn thấy mọi người sống hạnh phúc thế, nhưng một mặt thực tế lại là khi nhìn những tòa nhà chưa hoàn thiện, cảm xúc của tôi phức tạp đến không thể giải thích được.” 

“Để duy trì giới hạn làm người thấp nhất, tôi sẽ không bao giờ khen ngợi chương trình này. Vì sự an toàn của bản thân, tôi quyết định mỉm cười và giữ im lặng”.

Tuy nhiên các nội dung thảo luận liên quan đã nhanh chóng bị xóa.

Như chúng ta đã biết, CCTV phát sóng chương trình “Xinwen Lianbo” vào buổi tối, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc yêu cầu tất cả các đài truyền hình khu vực và cấp tỉnh phải tiếp sóng chương trình này một cách kịp thời. Bà Sarah Cook, nhà phân tích kỳ cựu về Đông Á của Freedom House, người phụ trách của “China Media Express” từng viết rằng, các báo cáo hàng ngày của CCTV có thể tập trung vào việc thúc đẩy các chính sách của chính phủ, ca ngợi các lãnh đạo đảng hoặc chiếu cảnh các quan chức tham nhũng bị đưa ra công lý, nhưng khi các mối đe dọa chính trị cụ thể xuất hiện, “chương trình tương tự sẽ thỉnh thoảng được sử dụng như con chó cắn người của ĐCSTQ,” đặc biệt là để vu khống các mục tiêu công kích “và để minh oan cho những hành vi xâm phạm nhân quyền liên tục xảy ra đối với những người bất đồng chính kiến ​​với ĐCSTQ”.

Bà nhắc nhở “tất cả người xem nên nhớ rằng CCTV không phải là đài truyền hình ‘bình thường’”. Nó “có hồ sơ về những hành vi vi phạm đạo đức báo chí một cách trắng trợn và gây sốc, hoặc khuyến khích và hợp pháp hóa việc kích động hận thù và bạo lực đối với những người vô tội.” CCTV là “một thành phần quan trọng trong chế độ độc tài tàn bạo của ĐCSTQ”.

Ông Chu Dung Cơ tối nào cũng xem CCTV “nói vớ vẩn”?

Trên thực tế, vụ bê bối tin tức giả của CCTV không phải là điều gì mới nữa.

Theo tin đồn trên mạng, vào tháng 4/2011, trước lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đại học Thanh Hoa, ông Chu Dung Cơ, 83 tuổi, cùng với vợ và con gái, Ủy viên Quốc vụ Lưu Diên Đông và Bộ trưởng Bộ Giáo dục Yuan Guiren, đã đến tham dự một sự kiện tại Trường Kinh tế và Quản lý, nơi ông từng giữ chức vụ trưởng khoa. Khi đó, các sinh viên tại chỗ đã “truyền hình trực tiếp” việc Chu Dung Cơ tham gia sự kiện. Ông nói rằng sau khi nghỉ hưu, ông đều xem chương trình thời sự Xinwen Lianbo mỗi ngày sau bữa tối: “Tôi xem xem rốt cuộc họ đang nói vớ vẩn những gì.”

Một số cư dân mạng Trung Quốc trước đây cũng đã phát hiện ra một số cảnh quay giả từ CCTV, chẳng hạn như trong chương trình “Phỏng vấn tiêu điểm” của CCTV vào tháng 3/2013, một phụ nữ xuất hiện trong đoạn video và phụ đề cho thấy cô ấy là một công dân Bắc Kinh tên là Diêu Xuân Phương (Yao Chunfang). Nhưng ba phút sau, người phụ nữ này lại hóa thân thành nhân viên trung tâm thương mại ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm tên là Vương Duy (Wang Wei).

p3265811a248538016

Trong chương trình phỏng vấn của CCTV vào tháng 3/2013, một phụ nữ tên Diêu Xuân Phương ở Bắc Kinh, và cũng tên Vương Duy ở Trường Xuân (Ảnh chụp màn hình CCTV)

Vào tháng 2/2020, các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ đã đưa tin rầm rộ rằng đợt bệnh nhân đầu tiên của bệnh viện cabin đã được xuất viện, một “nữ bệnh nhân” xuất hiện trên cảnh quay của CCTV nói về “trải nghiệm bệnh viện” của cô. Cô nói rằng sau khi được chẩn đoán lây nhiễm, ban đầu cô ấy lo lắng điều kiện sinh hoạt ở bệnh viện cabin không tốt, nhưng sau khi chuyển đến cô thấy nơi đây đầy đủ tiện nghi, bữa ăn dồi dào, thậm chí còn nói rằng “không muốn rời đi”. Nhưng sau đó, có cư dân mạng Trung Quốc đã tiến hành tìm kiếm thông tin lý lịch và phát hiện ra rằng người được gọi là “nữ bệnh nhân” hóa ra lại là một nữ diễn viên toàn thời gian.

p3437241a786549922
Có cư dân mạng Trung Quốc đã tiến hành tìm kiếm thông tin lý lịch và phát hiện ra rằng người được gọi là “nữ bệnh nhân” hóa ra lại là một nữ diễn viên toàn thời gian. (Ảnh chụp màn hình)

Lê Tử Hy, Vision Times