Hưng Yên là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, có truyền thống hiếu học, đã hình thành nhiều làng khoa bảng nổi tiếng đóng góp nhân tài cho đất nước. Trong đó riêng huyện Ân Thi đóng góp nhiều nhất với 41 người đỗ đại khoa, có nhiều làng khoa bảng, dòng họ khoa bảng, nhân tài nổi tiếng cả nước.

Ân Thi: Vùng đất xuất sinh nhiều bậc hiền tài cho đất nước
Văn miếu Xích Đằng – nơi ghi danh các bậc đại khoa tỉnh Hưng Yên.. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Làng Thổ Hoàng

“Thổ Hoàng” có nghĩa là “đất vàng”, đất lành chim đậu, người dân trong làng tự hào là nơi duy nhất ở xứ Nhãn có “đảo cò”. Đây là một đảo rộng một sào bắc bộ (1.000m2) nằm giữa hồ nước, cây cối xum xuê, cò đậu trắng xóa. Xung quanh đảo cứ sớm hay chiều tà có những cánh cò trắng bay lượn tô điểm cho ngôi làng thêm phần thơ mộng.

Thổ Hoàng nằm trong số 10 làng khoa bảng nổi tiếng cả nước với 12 người đỗ đại khoa cùng hàng trăm người đỗ cử nhân, tú tài.

Người tiêu biểu nhất cũng là người đỗ khai khoa của làng là Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn, ông đỗ Thái học sinh (tức Tiến sĩ) năm 12 tuổi, đỗ Hoàng giáp năm 1304 lúc mới 15 tuổi, trở thành người đỗ Hoàng giáp trẻ nhất nước.

Nguyễn Trung Ân Thi: Vùng đất xuất sinh nhiều bậc hiền tài cho đất nước
Ngôi trường mang tên Nguyễn Trung Ngạn ở Ân Thi. (Ảnh: Baohungyen.vn)

Cả đời ông từ khi làm quan cho đến khi được thăng làm Nhập nội Đại hành khiển (tương đương Tể tướng), tước Thân Quốc công ông đều là quan thanh liêm, một lòng vì dân vì nước.

Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” có viết về ông như sau: “Lời thơ hào mại, phóng khoáng, có khí phách và cốt cách Đỗ Lăng (tức Đỗ Phủ). Những câu thơ hay nhiều không kể xiết. Thơ tứ tuyệt lại càng hay, không kém gì thơ thời thịnh Đường”.

Làng Thổ Hoàng có nhiều dòng họ khoa bảng tiêu biểu, có dòng họ mà cả 3 đời liền cha ông cháu đều đỗ đại khoa. Như họ Hoàng có 5 người đỗ đại khoa, họ Vũ và họ Nguyễn mỗi họ có 3 vị đỗ đại khoa

Làng Phù Ủng

Đây là ngôi làng cổ, được bao quanh bởi hệ thống đê Bắc Hưng Hải và sông Cửu An. Từ xa xưa nơi đây được biết đến là vùng đất hiếu học, truyền thống ấy được khắc vào bia đá đặt tại Lầu Tư Văn nhắc nhở lớp con cháu sau này về truyền thống của làng. Có 4 tấm bia đặt tại Lầu Tư Văn ghi lại những người đã đỗ đạt của làng qua các thời kỳ nhà Lê, Nguyễn.

Không chỉ có truyền thống về văn, làng Phù Ủng cũng có tiếng về võ. Lịch sử vẫn còn lưu truyền câu chuyện Phạm Ngũ Lão mải đan sọt bên đường, nghĩ đến binh thư mà không biết kiệu của Hưng Đạo Vương đến. Sau này Phạm Ngũ Lão trở thành vị tướng tài ba của nhà Trần, được Hưng Đạo Vương gả con gái cho, được giao chức Điện tiền chỉ huy sứ, lập nhiều chiến công hiển hách đánh bại quân Nguyên Mông. Sau này ông trở thành vị tướng trụ cột chèo chống giúp nhà Trần, nhiều lần đem quân đánh bại Ai Lao ở phía tây, Chiêm Thành ở phía nam, bảo vệ bờ cõi.

Làng Bình Hồ

Từ chỉ của làng Bình Hồ ghi lại rằng: “Nền tư văn ấp ta khởi thủy từ vị đỗ đại khoa. Xét từ khi các vị đăng khoa, nhiều người kế tiếp đỗ đạt làm quan, nức tiếng thơm tho, thực đủ để làm rạng rỡ nền tư văn.”

Để khuyến học, làng cũng có các quy định khao thưởng cho những người đỗ đạt. Nhiều người trong làng đỗ đạt làm quan khiến làng được nức tiếng thơm.

Ngày nay Từ chỉ của làng không chỉ là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa của làng, mà còn là nơi trao thưởng cho học sinh giỏi và những người đỗ đạt cao trong ác kỳ thi.

Làng Nam Trì

Đây là ngôi làng đặc biệt khi được cả Cao Biền trước kia và cụ Tả Ao sau này nhắc đến. Cụ Tả Ao khi đến nơi đây đã giúp dân lập làng mới, rồi làm một câu đối như sau:

Tây lộ khê lưu kim tại hậu
Đông giang thuỷ tụ mộc cư tiền

Nghĩa là phía tây làng có đường và dòng nước chảy, phía tây hành kim ở phía sau làng, phía đông có sông nước thủy tụ ở phía trước.

Chùa Nam Trì tọa lạc ở tây nam của làng, trên gò cao có thế đất long thủ (đầu rồng), hai mắt rồng chính là hai giếng nước của chùa và ao sau chùa. Khi dân làng khơi vị trí giếng chùa thì trúng ngay vào mạch nước phun lên. Tương truyền Thầy Tả Ao cũng nói rằng thế đất chùa này là độc long, độc nhãn (rồng một mắt), quả nhiên sau này ao sau của chùa cũng không còn nữa.

Sau khi làng mới dựng xong, Nam Trì có tam giang giao hội, thuỷ tụ khê lưu, chảy vòng chín khúc tức là 3 mặt hai dòng sông lớn (phía bắc và phía đông) và dòng sông nhỏ (phía tây), thế đất rất đẹp, vì thế mà cụ Tả Ao đã gắn bó với làng Nam Trì suốt 17 năm, xem đây như là quê hương thứ 2 của mình.

Trong làng có hai họ lớn là họ Vũ và họ Đinh, trong khi họ Vũ có nhiều điền chủ, người tài thì họ Đinh có phần lép hơn. Sau nhờ có cụ Tả Ao giúp đỡ mà họ Đinh đã khá hơn, mở đầu là Đinh Tú đỗ tiến sĩ, đây cũng là người đỗ đại khoa đầu tiên của làng, tên tuổi được ghi ở Văn Miếu Quốc Tử giám (Hà Nội) và Văn miếu Xích Đằng (Hưng Yên).

Họ Đinh cũng có Đinh Công Tả giỏi võ nghệ, có công lao lớn khi cầm quân tiên phong đánh tan cuộc nổi loạn cướp ngôi của anh em nhà chúa Trịnh, giúp Thế tử Trịnh Tạc lên ngôi.

Năm 1677, Đinh Công Tả 76 tuổi vẫn cầm quân đánh tan nhà Mạc ở Cao Bằng, khiến nhà Mạc chấm đứt từ đấy. Khi ông mất được vua Lê Hy Tông và chúa Trịnh Căn tới viếng và ban thụy hiệu là Vũ Dũng, sai bộ Lễ về nguyên quán là làng Nam Trì hộ tang, tổ chức lễ tang.

Con cháu Đinh Công Tả được ban tước Quận công suốt 18 đời cho đến khi nhà Lê mất.

Ngày nay ở Ân Thi vẫn còn nhiều di tích Nho học như Lầu Tư Văn, Từ chỉ Tiến sĩ Vũ Hồng Lượng (xã Phù Ủng), Từ chỉ Bình Hồ (xã Quảng Lãng), đền thờ danh nhân Nguyễn Trung Ngạn, nhà thờ họ Hoàng v.v…

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video “Giữ gìn sự khiêm nhường và quay về với sự cao quý của bản thân”: