Bản chất con người: Càng mài giũa càng sáng chói

Điều 3: Rèn luyện mài giũa thiên phận của mình (1)

Tác giả: MATSUSHITA Kônosuke (*)
Người dịch: Nguyễn Sơn Hùng

Con người có bản chất sáng chói giống như đá nguyên thủy của kim cương. Nhưng nếu không mài giũa thì bản chất ưu tú đó sẽ không được phát huy.(2)

Khi suy nghĩ về vấn đề “Con người chúng ta nên tồn tại như thế nào, nên sống như thế nào?”, phải chăng việc nhận thức “Con người là sinh vật như thế nào?”, nghĩa là quan niệm về con người của chúng ta là điều căn bản nhất? Tôi nghĩ rằng tùy theo suy nghĩ con người như thế nào mà cách sống của bản thân chúng ta, và cách ứng xử với người khác cũng sẽ khác đi.

Con người là gì? Vấn đề này đến nay hình như có rất nhiều cách nhìn, như ở mặt học thuật tôn giáo, ở mặt tôn giáo hoặc từ những thể nghiệm của cuộc sống thực tế v.v… Thí dụ, có người xem con người là động vật có trí tuệ hoặc ngược lại là tồn tại có tính xã hội (biết sống tập thể) (3), hoặc con người là sinh vật có thần tính, phật tính, hoặc là người phàm mê muội lại đầy dục vọng ham muốn, hoặc là hiện hữu cường mạnh hay yếu nhược.

Có lẽ có thể nói tất cả các điều trên đều diễn tả một khía cạnh nào đó của con người nhưng bản thân tôi không biết từ lúc nào tôi đã trở nên có nhận thức rằng con người là tồn tại rất vĩ đại và đáng tôn kính.

Bản thân tôi từ lúc chào đời thân thể vốn không tráng kiện nên từ khi bắt đầu ra riêng thành lập xưởng chế tạo đồ điện, tôi đã thường hay mắc bệnh nên có lúc nằm nghỉ có lúc thức dậy làm việc, như người yếu nhược thường hay bệnh hoạn.

Vì lý do nói trên nên dù tôi có muốn tiên phong làm việc này việc nọ cũng không làm được. Do đó, phần lớn tôi phải giao phó cho người cấp dưới thích hợp thực hiện. Bởi vì sức khỏe tôi kém nên không phải là giao phó nửa vời mà tôi bắt buộc phải dứt khoát giao phó gần hết đến mức độ “Chỉ bàn bạc với tôi những gì quan trọng, còn lại cậu làm theo điều mà cậu cho là tốt”. Nhưng người được giao phó lại nghĩ rằng “Ông đầu đàng của mình vì bệnh phải nằm nghỉ nên mình phải làm việc cẩn trọng đàng hoàng”, do đó phấn đấu nhiều lên và phát huy hơn khả năng bình thường của họ. Hơn nữa, với những người có nhiệt huyết như vậy, ngoài việc họ tự mình phát huy hết sức của họ, họ còn hiệp lực với người khác hướng về mục tiêu, nên sức 1 cộng 1 không phải là 2 mà trở thành 3 hoặc 4. Nhờ vậy mà mặt tổ chức cũng thường phát triển to lớn lên.

Có được kinh nghiệm như nói trên, tôi trở nên có nhận thức rằng phải chăng con người là một loại sinh vật vĩ đại, năng lực và tiềm năng của con người là vô hạn?

Do đó, tôi nghĩ rằng con người, nói ví dụ, có tính chất giống như đá nguyên thủy của kim cương. Nghĩa là, đá nguyên thủy của kim cương vốn có bản chất chiếu sáng mỹ lệ nhưng nếu không mài giũa thì sẽ không được như vậy. Do đó, trước hết con người cần phải phát giác đến bản chất nếu được mài giũa sẽ chiếu sáng mỹ lệ của kim cương, và tận lực gia công mài giũa. Có làm như vậy thì con người mới có được vẻ mỹ lệ sáng chói của kim cương.

Con người chúng ta cũng giống như loại đá nguyên thủy của kim cương, nếu mài giũa thì chắc chắn mỗi người có bản chất sáng chói mỹ lệ của riêng mình. Nghĩa là mọi người chúng ta tiềm tàng nhiều loại trí tuệ, tài năng v.v… nghĩa là tiềm năng vô tận. Nếu chúng ta thức tỉnh và mỗi người chúng ta tự mình hoặc hiệp lực lẫn nhau để mài giũa tiềm năng nói trên thì những đặc tính vốn có sẵn của con người chúng ta sẽ trở nên được phát huy và sáng chói tốt đẹp. Tôi nghĩ rằng chính nhận thức và thực hành điều nói trên thì phồn vinh, hòa bình và hạnh phúc trên thế giới sẽ được thực hiện.

Phải chăng chúng ta không phát giác đến bản chất vĩ đại của con người đến mức độ không ngờ? Ngược lại chúng ta lại có quan điểm con người là yếu nhược, không thể tin cậy, ích kỷ, thích tranh giành. Tôi nghĩ rằng đây là một trong những nguyên nhân cơ bản gây ra nhiều rối loạn hiện nay.

Tôi nghĩ rằng việc chúng ta thức tỉnh bản chất vĩ đại nói trên của con người và có tự tin là rất quan trọng. Kế đến, giống như chúng ta mài giũa đá nguyên thủy của kim cương, chúng ta mài giũa con người chúng ta sao cho bản chất vốn có sẵn được lộ ra. Làm như vậy tiềm năng vĩ đại vốn có của con người chúng ta sẽ nở hoa và tôi nghĩ rằng từ đó chúng ta có được thành quả to lớn.

Nguyễn Sơn Hùng, 12/10/2022

(*) Nguồn: MATSUSHITA Kônosuke: NHÂN SINH TÂM ĐẮC THIỆP (人生心得帖), Viện Nghiên Cứu PHP xuất bản 1984 khổ A5, xuất bản 2001 khổ A6.

Xem thêm cùng tác giả:

Nhận xét của người dịch

Theo lý luận, là con người chúng ta cần phải hiểu rõ con người nên sống như thế nào, và để tìm ra đáp án chúng ta cần phải hiểu con người là gì, có những đặc tính như thế nào? Tuy nhiên, trong thực tế chúng ta có dành thời giờ xem xét, tìm hiểu đầy đủ vấn đề này không?

Không biết quý độc giả như thế nào nhưng đối với người dịch đến nay hầu như không có! Không hiểu tại sao? Từ bậc tiểu học được học môn Đức dục, học những căn bản cần thiết để làm người. Lên bậc trung học được học môn Công dân giáo dục để biết căn bản cần thiết để làm công dân tốt. Vào năm cuối của bậc trung học có học môn Triết học trong đó có môn Đạo đức học nhưng hình như chưa có dịp tổng kết rõ ràng và đầy đủ quan điểm về con người là gì và sống làm người nên như thế nào. Phải chăng đây là một thiếu sót to lớn của bản thân người dịch?

Như người đời đã nhận xét bản chất con người có cả 2 mặt tốt và xấu. Chúng ta nên nhận thức và hướng thượng về mặt tốt của con người để sống tốt hơn đồng thời cũng cần nhận thức mặt xấu để tha thứ và bao dung lẫn nhau. Có như vậy nhân loại mới có tiến bộ và hòa bình, xứng đáng với đặc tính “linh của vạn vật” (4) và cùng địa vị với trời đất (tam tài: thiên, địa, nhân (5)) như chủ trương của người xưa.

Theo từ điển tiếng Nhật Kôjien từ “nhân sinh quan” do nhà triết học Nhật Bản tên Inoue Tetsujirô 井上哲次郎 (1856~1944) dùng để dịch từ Lebensanschauung của tiếng Đức vào khoảng năm Minh Trị thứ 20 (1887). Theo từ điển này, nghĩa của nhân sinh quan là “cách sống của con người, và ý nghĩa, cách lý giải, cách giải thích, cách đánh giá giá trị của cách sống của con người”.

Đối với ý nghĩa quan niệm về con người là gì ngày nay tiếng Nhật thường dùng từ “nhân gian quan” ngay cả trong học thuật để phân biệt với “nhân sinh quan” nhưng trong từ điển Kôjien và các từ điển tiếng Nhật thông thường không có ghi từ này. “Nhân gian” tiếng Nhật có nghĩa là “con người” trong tiếng Việt.

Ghi chú:

(1) Tựa bài dịch theo nguyên bản. Tựa phụ trong ( ) do người dịch đặt thêm để quý độc giả dễ nhớ và tổng kết các điều trọng yếu mà tác giả đề xuất để chúng ta có cuộc sống tốt đẹp hơn.

(2) Đại ý của bài viết. Trong nguyên tác, đại ý được viết ở đầu của mỗi bài.

(3) Chữ nhỏ viết trong ( ) để giải thích nghĩa hoặc từ đồng nghĩa.

(4) Thiên Thái Thệ Thượng của kinh Thư viết “Duy thiên địa vạn vật phụ mẫu, duy nhân vạn vật chi linh”.

Trong trong hồi 2 cảnh 2 của kịch bản Hamlet đại văn hào Shakespeare (1564~1616) cũng đã ca ngợi con người như sau:

“What a piece of work is a man! How noble in reason, how infinite in faculty! In form and moving how express and admirable! In action how like an angel, in apprehension how like a god! The beauty of the world. The paragon of animals.”

Tạm dịch: Con người quả thật là một kiệt tác của tạo hóa! Lý trí cao thượng, tài năng vô tận! Tĩnh động đều tuyệt vời không thể nói hết! Hành động như thiên thần, thông minh như thần thánh! Thật là tuyệt mỹ của thế gian. Gương mẫu của muôn loài.

(5) Chương 10 của Hệ Từ Hạ Truyện 繋辞下伝 của kinh Dịch.