Giang Cách là một nhân vật lịch sử được nhắc đến trong tích Nhị Thập Tứ Hiếu, hai mươi bốn câu chuyện về các nhân vật lịch sử được Nho học xem là tấm gương đức độ về cách đối đãi với cha mẹ. Ông sinh vào thời Đông Hán, tự Thứ Ông, người Lâm Truy. Thời niên thiếu phụ thân ông qua đời, ông cùng mẫu thân nương tựa nhau mà sống. Bấy giờ là lúc Vương Mãng làm loạn tạo phản, Giang Cách cõng mẹ tháo chạy lánh nạn. Câu chuyện về lòng hiếu thảo của ông đã được lưu truyền mãi về sau.

Chuyện Giang Cách cõng mẹ chạy loạn
(Tranh: Họa sĩ Cừu Anh thời Minh, Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Trong lúc cõng mẹ chạy nạn, Giang Cách thường gặp phải những tên trộm cướp, bọn chúng không những muốn cướp đồ của ông mà còn muốn bắt ông làm đạo tặc.

Đối mặt với tình cảnh như thế, Giang Cách đã khổ sở van xin những tên đạo tặc, hi vọng chúng có thể niệm tình thương xót mẹ già của ông không còn ai nuôi dưỡng mà thả ông đi.

Những tên đạo tặc thấy người con hiếu thảo cầu xin thành tâm thành ý như vậy, không nhẫn tâm cướp bóc của ông, lại càng không nhẫn tâm giết ông, thậm chí có người còn nói cho ông biết nên đi như thế nào để tránh đạo tặc nữa.

Trở thành trộm cướp không phải là bản tính của con người, cũng đều là vì nhất thời xã hội hỗn loạn, hoàn cảnh khốn quẫn bức bách, mới sa vào làm đạo tặc. Bởi vậy một số tiếp xúc với Giang Cách, đã bị ông làm cảm động, rời bỏ toán cướp.

Vì nhận được sự thiện đãi của bọn trộm cướp, mặc dù Giang Cách nhiều lần gặp phải khó khăn khốn đốn nhưng cuối cùng đều đã chuyển nguy thành an, đưa được mẹ tới nơi an toàn.

Sau khi đạo tặc được dẹp yên, Giang Cách đưa mẫu thân đến sống ở Hạ Bì. Vì rất nghèo khó nên ông phải kiếm việc khuân vác khổ cực, làm thuê làm mướn để có tiền phụng dưỡng mẫu thân. Ông những thứ tốt nhất cho mẫu thân, bản thân thì đi chân trần, mặc y phục rách.

Sau khi mẫu thân qua đời, Giang Cách vô cùng thương tiếc đau buồn, ban đêm đi ngủ cũng đều không cởi tang phục. Hành động của ông không chỉ khiến hàng xóm và quan phụ mẫu trong vùng cảm động, mà hơn nữa còn được thiên hạ ai cũng đều biết đến, mọi người phong ông là “Giang Cự Hiếu”.

Dưới thời Hán Minh Đế, Giang Cách được tiến cử làm bậc hiếu liêm, đến thời Hán Chương Đế lại được cử là người đức độ hiền lương chính trực, nhậm chức Ngũ quan Trung lang tướng. Nhưng không lâu sau, ông từ quan và trở về quê hương.

Hoàng đế rất tôn trọng thái độ làm người của Giang Cách, quyết định rằng triều đình sẽ cho người đến thăm hỏi Giang Cách hàng năm, hơn nữa còn cấp bổng lộc cho ông cả đời.

Lý Văn Phức, danh thần thời nhà Nguyễn của Đại Việt có làm thơ về Giang Cách như sau:

Hán Giang Cách cô đơn từ bé,
Bước truân chuyên với mẹ đồng cư,
Ðương cơn loạn lạc bơ vơ,
Một mình cõng mẹ vẩn vơ dọc đường.
Từng mấy độ chiến trường gặp giặc,
Giặc cố tình hiếp bắt đem đi,
Khóc rằng: “Thân mẹ lưu ly,
Tuổi già, bóng chếch biết thì cậy ai ?”
Giặc nghe nói thoắt thôi, chẳng nỡ,
Rồi dần dà qua ở Hạ Bì,
Dấn mình gánh mướn, làm thuê,
Miễn nuôi được mẹ, quản gì là thân.
Mọi đồ vật sắm dần đủ hết
Áng xuân phong tươi nét từ nhan,
Cho hay những lúc gian nan,
Thật vàng, dẫu mấy lửa than cũng vàng.

Dựa theo “Câu chuyện đạo đức truyền thống Trung Hoa: Giang Cách cõng mẹ
Đăng trên ChanhKien.org
Tác giả: Thiện Duyên

Xem thêm:

Mời xem video: