Xã hội hiện đại khắp nơi \đầy cám dỗ, trên phim ảnh hay các phương tiện truyền thông đều tràn ngập hình ảnh khêu gợi, kích thích dục vọng. Cổ ngữ nói: “Vạn ác dâm vi thủ”, dục vọng quá nhiều thì dễ dàng tạo thành đại tội. Các tác gia, nhà văn nhà thơ… là những người sáng tác ra tác phẩm, tâm cảnh của họ sẽ ảnh hưởng đến tâm cảnh của ngàn vạn người. Do đó thời xưa, những tác gia ngoài văn hay ý tốt, còn cần phải đặc biệt chú ý tu thân. Dưới đây là câu chuyện thi nhân Hoàng Đình Kiên sám hối tu Phật.

Chuyện thi nhân Hoàng Đình Kiên sám hối tu thân
(Tranh minh họa qua Aboluowang.com)

Thi nhân nổi tiếng Hoàng Đình Kiên đời Tống, tự là Lỗ Trực, hiệu là cư sĩ Sơn Cốc, là học trò của Tô Thức, là người sáng lập trường phái thơ Giang Tây. Ông giỏi thơ văn, đặc biệt là những bài thơ có lời lẽ ướt át, phong lưu lãng mạn. Ông cùng với Đỗ Phủ, Trần Sư Đạo và Trần Dư Nghĩa được mệnh danh là “Nhất tổ tam tông”.

Một lần, Hoàng Đình Kiên đến thăm thiền sư Viên Thông Tú cùng họa sĩ vẽ ngựa nổi tiếng bấy giờ là Lý Bá Thời. Thiền sư Viên Thông Tú trước hết đã khuyên răn Lý Bá Thời rằng không thể đem tâm lực của cả đời dùng vào việc vẽ ngựa. Nếu như từng ý từng niệm đều là nghĩ đến hình tượng của ngựa thì thiền sư lo rằng Lý Bá Thời sau khi chết đi sẽ đầu thai làm ngựa. Vì thế, ông đã đặc biệt cảnh báo Lý Bá Thời như vậy.

Hoàng Đình Kiên nghe xong bật cười liền bị thiền sư nghiêm giọng. Hoàng Đình Kiên bèn nói: “Chẳng lẽ tôi cũng bị rơi vào bụng ngựa hay sao?”

Thiền sư nói: “Bá Thời suy nghĩ về ngựa bị đọa làm thân ngựa cũng chỉ là việc riêng của ông ta. Còn văn vẻ của ngươi, tuy rằng từ ngữ trau chuốt hoa mỹ nhưng lời lẽ dâm sắc đã hại rất nhiều người, loại tội lỗi này đâu chỉ bị rơi vào bụng ngựa là xong, chỉ sợ rằng địa ngục đang chờ đợi.”

Thiền sư Viên Thông Tú là một vị cao tăng nổi tiếng. Bởi vậy sau khi nghe được lời khuyên răn của thiền sư, Hoàng Đình Kiên sợ hãi trong tâm. Từ đó trở đi, ông không bao giờ viết bất kỳ bài thơ dâm dục phóng đãng nào nữa. Đồng thời ông cũng bước chân vào con đường tu thân dưỡng tính, sám hối cho những việc sai trái bản thân đã làm trước đây.

Về sau này, thế giới quan và nhân sinh quan của Hoàng Đình Kiên chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng của Nho gia và Phật gia. Tính cách của ông cũng là tính cách của sĩ phu chính phái điển hình thời cổ đại. Khi 40 tuổi, Hoàng Đình Kiên đã viết “Phát nguyện văn”, ý nói rằng nguyện từ hôm nay, không còn dâm dục, uống rượu, ăn thịt. Nếu còn tái phạm, sẽ bị đọa vào địa ngục, tất cả các đời đều chịu chứng đau đầu.

Thiền sư Ấn Quang vào cuối thời nhà Thanh đã biên soạn một tác phẩm tên là “Thọ khang bảo giám” nhằm khuyên nhủ nam nữ thanh niên nên tu thân tịnh tâm, không được tùy tiện phạm vào dâm dục để tránh chiêu mời tai họa. Trong “Thọ khang bảo giám” có câu: “Sắc thị thiểu niên đệ nhất quan. Thử quan đả bất quá. Nhâm tha cao tài tuyệt học. Đô vô thụ dụng”, sắc dục là quan ải đầu tiên của tuổi trẻ, nếu như không vượt qua được quan ải này thì dù cho có tài giỏi, học thức cao đến đâu đi nữa cũng sẽ không thể đạt được thành tựu gì cả, bởi vì khi tâm sắc dục bị kích động thì rất nhiều thiện niệm sẽ biến mất còn các ác niệm thì sẽ liền được sản sinh ra.

Về hậu quả của việc đắm chìm trong dục vọng thì người xưa đã tổng kết ra rất nhiều, được ghi chép lại qua nhiều sự kiện lịch sử, có thể tóm gọn thành “chiết, tước, tổn, trảm”. “Chiết” tức là gãy đổ, gãy phúc phận, không được hưởng thụ phúc phận tiền tài tổ tiên để lại nữa, cả đời khốn cùng và thất vọng. “Tước” là cắt giảm công danh lợi lộc, người vốn có thể thành danh nhưng vì phạm vào tội sắc dục nên lại không thể đỗ đạt được nữa. “Tổn” là giảm tuổi thọ, người thường xuyên tiêu hao tinh khí sẽ khiến bách bệnh sinh ra. “Trảm” là chặt đứt tử tôn, không có con nối dõi, người ham muốn dục vọng quá nhiều, tiêu thụ thận tinh quá lớn sẽ dẫn đến hiếm muộn, vô sinh sau khi kết hôn.

Chính vì hiểu được hậu quả khôn lường của tâm sắc dục nên người đại đức thời xưa xếp sắc dục vào vị trí trọng yếu, không thể không tiết chế. Các tác gia khi sáng tác thơ văn hay vẽ tranh cũng đều phải chú ý không được để lời lẽ hay thư họa của mình làm khởi tâm sắc dục của người xem. Bởi vì như vậy thì bản thân người sáng tác cũng là có tội về phương diện này.

Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Mễ Nhã
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: