Chuyện về “Bình Tây đại nguyên soái” Trương Định (P3)
- Trần Hưng
- •
Mặc dù Trương Định qua đời, nhưng cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo chưa kết thúc. Khi Trương Định khởi binh chống Pháp, con ông là Trương Quyền dù còn rất trẻ nhưng cũng tham gia. Năm 1864 khi Trương Định mất, Trương Quyền thay cha tiếp lục lãnh đạo cuộc khởi nghĩa và trở thành thủ lĩnh trẻ tuổi nhất vào lúc đó khi mới chỉ 20 tuổi.
Liên quân Việt – Khmer và những trận đánh lớn
Trương Quyền dẫn quân đến vùng Đồng Tháp Mười và Tây Ninh lập căn cứ chống Pháp. Ông liên kết với các cuộc khởi nghĩa của Thiên Hộ Dương, Phan Chỉnh.
Lúc này Pháp cũng đã chiếm xong Campuchia, ra sức củng cố bộ máy cai trị. Dân Khmer nổi lên chống Pháp, tiêu biểu là cuộc khỏi nghĩa của Pôkumpô. Trương Quyền liên kết với cuộc khởi nghĩa của Pôkumpô cùng các lực lượng của người Chăm, Stiêng, Mơ Nông cùng chống Pháp.
Liên quân Việt – Khmer đã có những trận thắng lớn như Rạch Vịnh, Trà Vang (Tây Ninh), Thuận Kiều (Chợ Lớn), Củ Chi, Hóc Môn, Trảng Bàng, Tân An, Uđông (Oudong, Campuchia).
Ngày 3/6/1866, thủ lĩnh Khmer là Pôkumpô vờ như đưa quân về phía bắc nhằm nghi binh, để ngày 7/6/1866 liên quân Việt – Khmer đánh một trận lớn ở Tây Ninh khiến Quan Đốc lý sự vụ là De Larclauze, sĩ quan phụ tá Lasage cùng hàng chục lính Pháp tử trận. Quân Pháp còn lại trong thành Tây Ninh hoảng sợ không dám ra ngoài.
Người Pháp ở Sài Gòn hay tin vội đưa quân đến, liên quân đánh một trận ở rạch Vịnh vào ngày 14/6/1866 khiến thiếu tá Marchaise cùng nhiều quân Pháp tử trận. Chiến thắng này đã khích lệ dân chúng và nghĩa quân rất nhiều.
Nhà nghiên cứu Trần Văn Giàu dẫn lại lời viết của Giám đốc Nha Nội vụ Pháp Paulin Vial rằng:
“Tin tức về sự thiệt hại nặng nề của ta trong trận rạch Vịnh đã lan tràn trong nhân dân như một ngọn lửa thuốc súng; các lãnh tụ khởi nghĩa phái người đi cổ vũ các nơi, cả trong hàng ngũ chúng ta, cả trong thành phố Sài Gòn và họ đang tìm cách tấn công ta ngay tại phủ của ta.”
Lúc này liên quân Việt – Khmer đã kiểm soát được một vùng rộng lớn giữa hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, từ Xvây-riêng (Campuchia) đến Trảng Bàng (Tây Ninh). Trương Quyền cho quân tấn công quét sạch đám ngụy quân ở Soài Riêng, Trảng Bàng (giữa hai con sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây), rồi củng cố căn cứ nhằm làm chỗ đứng lâu dài.
Quân Pháp tấn công
Chiếm được 3 tỉnh miền Tây, quân Pháp huy động lực lượng lớn tấn công các cuộc khởi nghĩa, cô lập nghĩa quân Trương Quyền, đồng thời phong tỏa các nguồn tiếp tế khiến nghĩa quân gặp muôn vàn khó khăn. Đồng thời quân Pháp liên tục tổ chức các đợt càn quét khiến nghĩa quân phải vất vả chống đỡ.
Pháp huy động thêm viện binh, ngày 2/7/1866 tấn công vào căn cứ nghĩa quân ở Trà Vong. Liên quân gặp tổn thất lớn phải rời căn cứ. Thủ lĩnh Khmer là Pôkumpô đưa quân về nước, nhưng trong một trận kịch chiến với Pháp ông đã bị tử trận.
Các cuộc khởi nghĩa khác liên tục phải chống trả quân Pháp nên không thể liên kết đươc với quân của Trương Quyền. Mặt khác Pháp cũng tổ chức cho ngụy quân liên tục tiến đánh nghĩa quân suốt khu vực Trảng Bàng, Soài Riêng.
Bị cô lập, Trương Quyền quyết định đưa quân đến Suối Giây ở phía bắc khu rừng Tây Ninh, là nơi nghèo nàn, dân cư thưa thớt.
Nhưng nghĩa quân vừa đến Sưới Giây thì do thám của Pháp đã phát hiện được. Ngày 28/7/1867, quân Pháp tổ chức tấn công với hỏa lực rất mạnh. Nghĩa quân phải chia thành nhiều toán nhỏ vừa đánh vừa rút đến vùng châu thổ sông Cửu Long.
Trương Quyền cũng mở nhiều cuộc tập kích bất ngờ vào quân Pháp, nhưng chỉ có tác dụng quấy rối và tiêu hao chứ không mang lại nhiều kết quả.
Lúc này nổi lên cuộc khởi nghĩa chống Pháp của anh em Phan Tôn và Phan Liêm (con trai quan đại thần Phan Thanh Giản) ở Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng. Trương Quyền liền quyết định đưa quân đến Hậu Giang cùng phố hợp.
Nhưng trên đường đi nghĩa quân bất ngờ gặp quân Pháp, hai bên nổ súng. Trong cuộc chiến ác liệt, Trương Quyền bị trúng đạn và hy sinh.
Những người còn lại trong nghĩa quân đến được Hậu Giang, gia nhập vào các cuộc khởi nghĩa ở đây tiếp tục chống Pháp.
(Hết)
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa lịch sử Việt Nam Danh nhân lịch sử quân Pháp khởi nghĩa