Có lẽ câu chuyện Trang Chu mộng hóa bướm (hồ điệp), đã khiến bướm trở thành đối tượng được các văn nhân miêu tả trong các bài thơ thời cổ. Có không ít những bài thơ về bướm, ví như:

Hoa thấu hương tu túc vũ can,
Liễu phiêu tình khứ tống xuân hàn.
Tối liên hồ điệp song phi vũ,
Chỉ tá Trang Chu nhất mộng khán.

Hay

Kim triều thiên khí thanh minh hảo
Giang thượng loạn hoa vô số khai.
Dã lão ân cần tống hoa chí,
Nhất song hồ điệp sấn nhân lai.

Hay

Xuân sơn xứ xứ khách tư gia,
Đạm nhật thôn yên tửu bái tà.
Hồ điệp bất tri nhân sự biệt,
Nhiễu tường gian lộng tử đằng hoa.

Có chuyện người chết rồi hóa thành bướm không?
(Ảnh: Nitinai Thabthong, Shutterstock)

Còn một lý do nữa khiến cho mọi người chú ý đến loài bướm chính là có một số người cho rằng con người sau chết đi sẽ hóa thành bướm. Câu chuyện hóa bướm quen thuộc với chúng ta nhất chính là câu chuyện tình yêu sâu sắc của Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài. Chuyện kể rằng vào thời Đông Tấn, Chúc Anh Đài cải trang thành nam để được đi học, trên đường đi đã gặp Lương Sơn Bá, vì chí đồng đạo hợp mà đã kết nghĩa huynh đệ, cùng nhau học tập trong ba năm học. Khi Chúc Anh Đài học xong, trước lúc bái biệt đã thổ lộ sự thật, sau khi Lương Sơn Bá biết được liền đến Chúc gia đề cầu hôn.

Không ngờ lúc này, cha của Chúc Anh Đài đã hứa gả con gái cho Mã Văn Tài, con trai Mã Thái thú. Lương Sơn Bá nghe được tin dữ, bao nhiêu mong đợi và niềm vui hạnh phúc lúc này bỗng biến thành sự lạnh giá và tuyệt vọng. Sau khi Lương Sơn Bá gặp lại Chúc Anh Đài, thì Lương Sơn Bá về nhà mắc trọng bệnh, không lâu thì rời xa thế gian.

Chúc Anh Đài nghe được chuyện, lòng đau như dao cắt. Lúc tân hôn, kiệu hoa của cô đã đi qua trước mộ của Lương Sơn Bá. Lúc này đang mọi người đang làm lễ tang cho Lương Sơn Bá, đúng lúc đó có trận cuồng phong nổi lên, kiệu hoa không thể đi tiếp về phía trước, rồi mộ tách nứt ra, Chúc Anh Đài đã nhảy vào trong mộ. Cuối cùng, mưa tạnh gió lặng, trên trời xuất hiện cầu vồng, Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài biến thành đôi hồ điệp màu sắc rực rỡ bay lên.

Ngoài truyền thuyết về Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài hóa thành bướm, trong các sách cổ còn ghi chép về những câu chuyện về hóa thành bướm khác.

Cuốn “Xuân hử kỷ văn“ của Hà Viễn thời Bắc Tống có ghi lại rằng, Phan Thị, vợ của “Kiến an Chương Quốc Lão” sau khi qua đời, trong phòng đầy bướm bay. Kỳ lạ là luôn có một con đậu trên bức tranh của bà.

Cuốn “Quý tân tạp thức” của Chu Mật cuối thời nhà Tống có chép về một người tên là Dương Hạo Dương Minh. Anh ta cưới vợ là Giang Thị, có sinh được một người con. Sau đó khoảng một năm, Dương Hạo bị mất ở nơi đất khách. Ngày hôm sau, có một con bướm to bằng bàn tay, từ sáng đến tối cứ bay xung quanh Giang Thị, đến tận đêm mới rời đi. Không lâu sau đó, tin dữ được báo đến gia đình họ Dương, cả nhà vô cùng đau xót. Con bướm đó lại xuất hiện, vẫn chỉ bay bên cạnh Giang Thị. Mọi người đều tin rằng đây là Dương Hạo vì không nỡ rời bỏ người vợ trẻ và đứa con thơ, mới hóa thành bướm hiện về.

Lý Thương nghe được câu chuyện này và đã viết một bài thơ:

Bích ngô thúy trúc danh gia nhi,
Kim tác hủ hủ hồ điệp phi.
Sơn xuyên trở thâm võng la mật,
Quân tòng hà xứ hóa phi quy?

Cũng trong cuốn sách này, còn ghi chép lại về một số câu chuyện hóa bướm. Một người tên Dương Đại Phương có người vợ là Tạ Thị, khi chết lúc vào quan, có một con bướm màu tím to bằng cái quạt bay ra khỏi màn rồi nhè nhẹ bay quanh cửa sổ, cuối ngày mới rời đi.

Những sự việc được ghi chép như vậy đã trở thành nguồn cảm hứng cho các tiểu thuyết. Ví như trong “Nhị khắc phách án kinh kì” thời nhà Minh cũng kể về sự hóa bướm của Trịnh Thị, vợ tú tài Lưu Tứ Cửu. Chuyện rằng sau khi an táng vợ, Lưu tú tài có mời người thân thích anh em bạn bè đến uống rượu. Đột nhiên một con bướm dài ba tấc bay đến, bay lượn bên cạnh Lưu tú tài, đuổi thế nào cũng không đi. Lưu tú tài cảm thấy rất kỳ lạ, liền nói: “Chẳng lẽ là linh hồn của vợ tôi? Nếu ở âm gian có linh, thì hãy đậu lên tay của tôi.” Lời vừa dứt, bướm liền ứng lời đậu xuống, bất ngờ đậu trên tay phải của Lưu tú tài.

Trong văn hóa truyền thống, bướm (hồ điệp) là tượng trưng cho sinh mệnh, tượng trưng cho sự mong manh của sinh mệnh. Phật giáo cho rằng con người sau khi chết sẽ nhập lục đạo luân hồi. Vậy thì con người khi chết đi hóa thành bướm, cũng chỉ là một loại luân hồi, mà những trường hợp biến thành bướm để quay về thăm thân nhân, tất phải là do sợi dây “tình” dẫn dắt vậy.

Trích đăng từ bài viết cùng tên
Đăng trên ChanhKien.org
Tác giả: Lưu Hiền

Xem thêm:

Mời xem video: