Làng Cổ Đôi xưa (nay là xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) là một trong những làng cổ thuộc đồng bằng sông Mã, đây là vùng đất phát khoa bảng nổi tiếng xứ Thanh với 11 vị đỗ tiến sĩ.

Cổ Đôi: Làng khoa bảng rạng danh xứ Thanh
Làng Cổ Đôi xưa (xã Hoàng Giang nay) có tới 11 vị Tiến sĩ nho học.. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Độc đáo “vườn ký thi”

Từ xưa làng Cổ Đôi đã thống nhất các điều lệ lập thành Hương ước như cung cấp tiền cho người đi thi, cấp khoản thưởng bằng tiền và hiện vật cho những ai đỗ đạt, người đỗ đạt cũng được miễn lao dịch.

Đến thời Lê Trung Hưng, bản Hương ước có quy định trước các khoa thi phải lập “vườn ký thi” làm nơi học hành, ôn tập. “Vườn ký thi” rộng hơn 1 sào đất (500m), được trai tráng lập thành nơi riêng làm nơi học hành, ôn tập ngay trước kỳ thi, có nhiều cây cao làm bóng mát.

Trong vườn học được chia làm nhiều gian, mỗi gian là một sĩ tử. Trước khoa thi các sĩ tử phải vào ở trong đây, tạm cách ly với gia đình nhằm tập trung nỗ lực thời gian cho kỳ thi sắp tới.

Sĩ tử đi thi được làng cấp cấp tiền bạc, nếu đỗ kỳ thi Hương được thưởng 3 quan tiền cùng một vò rượu để làm lễ báo cáo tổ tiên.

Những sĩ tử vào đến kỳ thi cuối cùng là thi Đình, đỗ đại khoa vinh quy bái tổ được cả làng tiếp đón phục dịch theo lệ của Triều đình. Làng cũng tổ chức lễ tạ tổ tiên ở miếu Thần Đồng của làng. Sĩ tử đỗ đại khoa được làng ban thưởng rất nhiều, cùng các nghi lễ trọng vọng trong dịp lễ hội của làng.

Làng xem trọng bậc hiền tài, các sĩ tử trong làng cũng ra sức học, nhiều người đỗ đạt làm rạng danh cho làng.

Làng khoa bảng rạng danh xứ Thanh

Trong lịch sử khoa bảng huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa có 19 người đỗ tiến sĩ, riêng làng Cổ Đôi đã có 11 người đỗ tiến sĩ, trở thành làng khoa bảng rạng danh xứ Thanh.

Người đỗ khai khoa cho làng là Nguyễn Phi Tần, đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1544 thời Mạc Phúc Hải. Ông làm quan đến chức Thượng thư, hàm Thiếu bảo, tước Văn Trường bá. Khi mất ông được tặng hàm Thái bảo, tước Nông Quận công.

11 người đỗ tiến sĩ thuộc 3 dòng họ. Trong đó có 3 người thuộc dòng họ Lê Sĩ. Các danh sĩ Bắc hà có câu “Kinh Bắc Nguyễn Gia, Thanh Hoa Lê Xác”. Thanh Hoa là tên gọi cũ của Thanh Hóa, Lê Xác là Lê Chính Xác người đầu tiên đỗ đạt của dòng họ Lê Sĩ.

Lê Chính Xác thi đỗ tam trường, mở đầu cho khoa bảng của dòng họ. Là người thông minh, thông thiên văn, tường địa lý, ông được triều đình nhà Lê phong tặng “Kiệt tiết tuyên lực công thần”.

Con cả của ông là Lê Sĩ Trạch (còn có tên là Lê Nghĩa Trạch) thi đỗ Đệ nhị giáp Đồng chế khoa xuất thân khoa thi năm 1565 thời vua Lê Anh Tông. Ông làm quan đến chức Lại bộ Tả thị lang, sau khi mất được tặng Thượng thư bộ Binh, Thái bảo, tước Nham Quận Công, gia phong “Kiệt tiết tuyên lực công thần”.

Hai cha con Lê Chính Xác, Lê Sĩ Trạch làm quan cùng triều, vì thế mà có câu:

Phụ tử đồng triều phu cộng khánh
Quân thần tương hội ích hoằng công.

Phan Huy Chú trong “Lịch triều hiến chương loại chí” đã nhận xét rằng: “Những người bề tôi có tiếng tốt, trước sau nối nhau sinh ra như Lê Nghĩa Trạch ở Cổ Đôi thời Thận Đức (1600) phụng mạng đi sứ Thuận Hóa, Quảng Nam, dùng mưu trí biện bạch mọi việc, Nam triều khen là triều đình nhà Lê có người giỏi”.

Lê Sĩ Trạch nhậm chức Đô Ngự sử, là một trong những trụ cột triều đình, sau khi mất được phong là Dực Bảo Trung Hưng thượng đẳng thần.

Cháu của Lê Sĩ Trạch là Lê Sĩ Triệt, năm 29 tuổi thi đỗ đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi năm 1640, làm quan đến Tả thị lang bộ Hình, Bồi tụng, tước Quế Hải hầu. Sau khi ông nghỉ về hưu ở quê nhà, Vua đã ban cho ông một cây cờ gấm, ngự chế 6 câu đối và một bài thơ vinh quy.

Lê Sĩ Triệt có con trai là Lê Sĩ Cẩn, thi đỗ tiến sĩ năm 1680. Ông phụng mệnh Triều đình đi dẹp giặc ở nhiều nơi, được phong làm Tham tri Bộ binh và thủy binh.

Dòng họ Lê Sĩ có 4 đởi đỗ đạt, trong đó có 3 người đỗ tiến sĩ, có công với đất nước. Vua Lê Thần Tông ban cho dòng họ câu đối thêu trên gấm:

Tiến sỹ ba đời lừng đất Việt
Công hầu một họ ánh trời Nam..

Ngoài ra trong làng có rất nhiều người đỗ Hương cống (dưới triều Lê Trung hưng), Cử nhân (Dưới triều Nguyễn). Đất Nông Cống có nhiều câu ca mà ngày nay vẫn nhớ đến như “võng lọng Cổ Định, Cổ Đôi”, hay như:

Ông nghè, ông cống Cổ Định, Cổ Đôi
Học hành lôi thôi làng Mưng, làng Cáo.

Đền thờ 3 tiến sĩ dòng họ Lê Sĩ đươc dân làng lập ở thôn Phù Huệ, đền thờ có văn bia ghi lại cuộc đời cùng công lao của 3 vị tiến sĩ. Đền thờ được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 1994, nơi đây có nhiều hiện vật như: long ngai, kiếm thờ, hai nghê đá, câu đối, đặc biệt là tấm bia đá 4 mặt và 4 đạo sắc phong vua ban.

Ngày nay làng Cổ Đôi được gọi là xã Hoàng Giang có nhiều người thành đạt công tác ở những nơi xa xôi, nhưng cứ vào ngày mùng 8 tháng 3 âm lịch tất cả người làng đều tụ tập ở đền thờ 3 tiến sĩ, tổ chức dâng hương theo nghi lễ truyền thống, ôn lại truyền thống khoa bảng cùng nét đẹp của làng quê Cổ Đôi xưa.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: