Trong “Luận Ngữ. Lý nhân”, Khổng Tử viết: “Kiến hiền tư tề yên, kiến bất hiền nhi nội tự tỉnh dã”, ý tứ là nhìn thấy người có phẩm đức cao thượng thì nên học hỏi họ, cố gắng trở thành người có phẩm đức giống như họ. Còn nhìn thấy người có phẩm đức thấp kém thì nên soi xét lại mình xem mình có thiếu sót giống như họ hay không mà sửa đổi lại mình cho đúng, từ đó tránh được việc dẫm vào vết xe đổ của người khác.

Cần kiệm thành đại sự
(Tranh minh họa qua Aboluowang.com)

Có thể thấy, “Kiến hiền tư tề yên, kiến bất hiền nhi nội tư tỉnh dã” chính là một phương pháp tu dưỡng đạo đức của người xưa. Một người nên có tâm hướng thiện, truy cầu đạo đức cao thượng, luôn phải biết khiêm tốn học hỏi người khác để hoàn thiện bản thân. Nhìn thấy người khác tài năng đức độ hơn mình thì vui mừng thỉnh giáo, gần gũi và học hỏi họ, tự mình hoàn thiện, để bản thân cũng trở thành người có đức hạnh và tài năng như họ. Người sáng suốt biết lấy thiếu sót, sai lầm của người khác làm tấm gương soi mình, răn dạy mình để từ đó trừ bỏ thiếu sót lỗi lầm, khiến phẩm hạnh của bản thân không ngừng tăng lên.

Trên thế gian, không có hai chiếc lá nào là hoàn toàn giống nhau, cũng không tồn tại hai cuộc đời nào giống nhau y hệt. Năng lực, tính cách, thói quen, sở thích, hoàn cảnh vị trí và trình độ học vấn của con người là khác nhau. Nhân sinh muôn hình muôn vẻ quyết định sự khác biệt, khoảng cách thua kém trong mỗi chúng ta. Nhưng khoảng cách thua kém không phải là vấn đề, vấn đề mấu chốt là chúng ta phải nhìn thẳng vào sự yếu kém của mình, dũng cảm sửa chữa những thiếu sót của bản thân để ngày càng tiến bộ hơn. Điều tối kỵ chính là che giấu thiếu sót và sai lầm của bản thân, không dám nhìn thẳng vào yếu kém của mình, thậm chí là ghen ghét đố kỵ và hãm hại người ưu tú hơn.

Trong “Luận Ngữ. Lý thị”, Khổng Tử cũng viết: “Kiến thiện như bất cập, kiến bất thiện như tham thang”, tức là nhìn thấy hành vi lương thiện thì lo lắng bản thân không đạt được như thế, nhìn thấy hành vi bất thiện thì như bàn tay chạm vào nước sôi mà rụt lại. Khổng Tử còn viết trong “Luận Ngữ. Thuật nhi” rằng: “Tam nhân hành, tất hữu ngã sư yên. Trạch kì thiện giả nhi tòng chi, kì bất thiện giả nhi cải chi”, nghĩa là trong ba người cùng đi nhất định có người là thầy của ta, ta lựa chọn học theo người có phẩm đức tốt, còn nhìn thấy chỗ không tốt thì liền nghĩ đến trừ bỏ đi thiếu sót của mình. Tinh thần khiêm tốn học tập người khác của Khổng Tử vô cùng đáng giá để noi theo. Đây cũng là điều mà người xưa chỉ dạy trong đối nhân xử thế, tu thân dưỡng tính và nâng cao tri thức.

Người có thể nhìn thấy ưu điểm của người khác mà vui mừng học hỏi, không đố kỵ ghen ghét là người quân tử có tấm lòng rộng lớn. Tuy nhiên, trong cuộc sống không phải ai cũng có thể làm được như vậy. Không ít người nếu thấy người khác tốt hơn mình, tài năng giỏi hơn mình, được mọi người kính trọng, thì lại sinh ra tâm ghen ghét đố kỵ, thậm chí nói xấu, phỉ báng xúc phạm và hãm hại người kia. Cổ nhân xếp người này vào hạng tiểu nhân. Trong lịch sử xưa nay có không ít người như vậy và kết cục thường là không tốt.

Trong sách “Thái Thượng cảm ứng thiên” hay “Sử Ký” đều chép câu chuyện về Lý Tư và Hàn Phi. Lý Tư và Hàn Phi đều là học trò của Tuân Tử. Khi làm thừa tướng nước Tần, Lý Tư khuyên vua Tần đem quân đi đánh nước Hàn. Hàn Phi phụng mệnh vua Hàn sang nước Tần cầu hòa. Tần Thủy Hoàng gặp Hàn Phi, thấy Hàn Phi là người có tài năng hơn người nên muốn trọng dụng.

Lý Tư biết tài của Hàn Phi hơn mình bèn gièm pha với vua Tần rằng: “Hàn Phi là công tử nước Hàn. Công tử các nước đều thân với nước của mình, lẽ nào để người khác lợi dụng được. Nước Tần đánh nước Hàn, vua Hàn sợ mới sai Hàn Phi vào Tần, biết đâu chẳng phải là gian kế. Xin bệ hạ chớ nên dùng!”

Vua Tần nghe Lý Tư, đuổi Hàn Phi và không dùng. Nhưng Lý Tư lại tâu với vua Tần: “Nếu tha Hàn Phi về Hàn sau này sẽ là mối họa cho nước Tần, chi bằng giết đi để khỏi lo hậu hoạn”.

Vua Tần bèn giao quan lại giam cầm Hàn Phi. Cuối cùng Lý Tư sai người ép Hàn Phi uống thuốc độc chết.

Về sau, khi Tần Thủy Hoàng chết, Lý Tư lại vì địa vị mà hỗ trợ Tần Nhị Thế lên ngôi trái với ý muốn của Tần Thủy Hoàng. Tần Nhị Thế tin dùng Triệu Cao. Triệu Cao oán ghét đố kỵ với Lý Tư, gièm tâu với Nhị Thế là Lý Tư thông đồng với nước Sở. Tần Nhị Thế đã ra lệnh chém Lý Tư và tru di tam tộc.

Lý Tư dùng đố kỵ mà hại Hàn Phi, giành được địa vị cao nhất tại Tần. Nhưng Lý Tư cũng vì bị đố kỵ mà mất đầu, tuyệt hậu. Đây chẳng phải là nhân quả sao?

Cổ nhân nói: “Dùng đồng làm gương soi, có thể giúp chỉnh tề trang phục. Lấy lịch sử làm gương soi, có thể quan sát thấy sự thành bại thịnh suy. Lấy người làm gương soi, có thể biết rõ chỗ hay chỗ dở của mình.” Từ xưa đến nay, rất nhiều người thành đạt trong sự nghiệp đều có nguyên nhân là biết học tập điểm mạnh của người khác và sửa đổi chỗ thiếu sót của mình. Rất nhiều người thất bại cũng là bởi vì đố kỵ ghen ghét với người.

“Kiến hiền tư tề yên, kiến bất hiền nhi nội tư tỉnh dã”. Nếu một người có thể thường xuyên giao lưu với người có tài năng và đức hạnh, không ngừng học hỏi điểm mạnh và xét lại thiếu sót của mình, nghiêm khắc yêu cầu bản thân, thì lâu dần họ sẽ ở trong bất tri bất giác khiến phẩm đức và tài năng của bản thân mình tăng lên, trở thành một người ưu tú.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: