Đạo của minh quân: Tiếp thu lời can gián, thưởng phạt phân minh
- An Hòa
- •
Nhìn lại các vị Quân vương của các triều đại trong lịch sử, phàm là người có thể hưng quốc, khiến cho “quốc thái dân an” thì hầu hết đều giỏi tiếp thu ý kiến và thi hành chính sách thưởng phạt phân minh.
Thưởng phạt phân minh
Thưởng phạt phân minh là đạo trị quốc thời xưa. Có công thì thưởng, có tội thì phạt, đạo lý thoạt nghe rất đơn giản, nhưng làm được thì không phải việc dễ dàng, vì nó đi liền với tình riêng.
Trong “Tố thư. Đạo nghĩa” viết: Nếu không khen thưởng người lập công nhỏ thì sẽ không có ai đi lập công lớn, việc không miễn xá cho những người đã phạm tội nhẹ (do sơ suất) có thể sẽ dẫn đến sự oán giận lớn hơn.
Việc thưởng công mà không thể khiến cho người ta tâm phục, việc trừng phạt mà không khiến cho người ta cam lòng thì chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng dân chúng phản lại, người thân với nhau thì chia lìa. Thưởng cho người không lập công, trừng phạt người không phạm tội là biểu hiện của một chế độ tàn bạo hà khắc.
Trong sách cổ ghi lại nhiều về các chế độ thưởng phạt thời xưa. Mỗi triều đại có thể có nhiều hơn hoặc ít đi những quy định hay hình thức thưởng phạt. Nhưng một trong những điểm quan trọng nhất chính là Hoàng đế không được vì sở thích riêng tư mà ban thưởng cho những người mình cảm thấy yêu thích hoặc trừng phạt những người mà mình cảm thấy không vừa mắt.
Tào Tháo thời Tam Quốc không chỉ giỏi về dụng binh như thần mà còn thưởng phạt phân minh. Ông nói rằng, việc thưởng phạt phải rõ ràng, ai cũng không ngoại lệ, việc ban thưởng không nên để lâu, kẻ gây tổn hại lợi ích thì phải bị miễn quan tước…
Gia Cát Lượng nhà Thục cho rằng phần thưởng là để khen công trạng còn trách phạt là để ngăn cấm gian trá. Vì thế, Gia Cát Lượng rất coi trọng thưởng phạt phân minh. Trong cách trị quốc của mình, ông nói để trị quốc tốt thì khoa giáo phải nghiêm minh, thưởng phạt phải có tín, không tội ác nào không bị trừng trị và không điều thiện nào không được tuyên dương. Ông luôn duy trì nguyên tắc: “Thưởng tứ bất tị cừu oán, tru phạt bất tị thân thích”, ban thưởng không tránh người thù hận, trách phạt không tránh người thân thích.
Trên thực tế việc thưởng phạt có thể bị tình cảm riêng làm ảnh hưởng. Chính vì thế các triều đại đều có điều luật và quy định rõ ràng bắt buộc mọi người tuân theo. Bản thân việc đưa ra luật không khó, nhưng cái khó là phải làm được “quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy“, đã có luật thì phải tuân thủ, không để tình riêng ảnh hưởng.
Tiếp thu lời can gián
Một vị Hoàng đế được hậu thế tôn xưng là minh quân thì luôn tạo điều kiện để mọi người từ hiền thần đến dân chúng được phát biểu ý kiến. Họ càng phải là người giỏi tiếp nhận lời khuyên can, can gián.
Khổng Tử nói: “Lương dược khổ khẩu, nhi lợi vu bệnh, trung ngôn nghịch nhĩ, nhi lợi vu hành”, thuốc tuy đắng miệng nhưng khỏi được bệnh, lời nói ngay thẳng khó nghe nhưng có lợi cho công việc. Con người ai cũng có sai lầm, Hoàng đế cũng không ngoại lệ. Một người khi sai phạm thông thường sẽ không muốn nghe người khác chỉ trích. Họ sợ mất mặt, mất danh tiếng. Nhưng các minh quân trong lịch sử khi đối diện với sai lầm đều không hành xử như vậy.
Trong “Thông chí ngũ đế kỷ” viết: “Đế nghiêu trí gián cổ, đạt cùng dân, lập báng mộc, sử nhân thư chi, nhạc văn quá dã”. Nghĩa là Đế Nghiêu lắp đặt gián cổ (trống can ngăn) để cho dân chúng ai cũng có thể đến đó đánh trống nói lên ý kiến của mình. Đế Nghiêu lại cho người dựng một cái cột ở bên phải cửa lớn có tên “phỉ báng chi mộc” để dân chúng có thể đến để viết những sai phạm của ông lên đó. Dân chúng đi tới đi lui đều có thể nhìn thấy lời tố cáo của mọi người đối với Hoàng đế, ấy vậy mà Nghiêu đế chẳng những không tức giận, trái lại ông còn rất vui mừng tiếp thu. Đây chính là tư thái của bậc thánh vương.
Ngoài Tam Hoàng Ngũ Đế thời cổ đại ra thì Đường Thái Tông triều Đường cũng là một vị Hoàng đế giỏi tiếp thu ý kiến của thần dân. Theo tư liệu lịch sử ghi chép lại, Đường Thái Tông rất nhiều lần ban bố chiếu thư yêu cầu mọi người chỉ ra chỗ sai của Hoàng đế. Số lần ông ban bố chiếu thư xin ý kiến mọi người nhiều hơn tất cả các vị Hoàng đế khác trong lịch sử.
Trong “Tùy Đường gia thoại” viết: Mỗi khi Hoàng đế Đường Thái Tông thấy ai đó dâng tấu thư có nội dung hữu ích, ông sẽ dán nó lên tường của phòng ngủ. Như thế, cho dù là ngồi hay nằm ông cũng có thể đọc được và thời thời khắc khắc nhắc nhở bản thân sửa đổi. Nhờ vậy, Đường Thái Tông cũng là một trong những vị Hoàng đế được lòng dân nhất trong lịch sử.
Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Hoàng Đế Gia Cát Lượng Đường Thái Tông minh quân Đế Nghiêu đạo trị quốc