Để giải trừ khổ não

Điều 17: Mỗi khi có phiền não bất an, chúng ta nên suy nghĩ xem xét cách nhìn sự việc của mình có cố chấp hay không? (1)

Tác giả: MATSUSHITA Kônosuke (*)
Người dịch: Nguyễn Sơn Hùng

Trời sanh con người vốn không có phiền não. Nếu bạn có phiền não, đó là do bạn đang có cách nhìn cố chấp (2).

Tôi nghĩ rằng có thể nói trong chúng ta ai cũng sống qua mỗi ngày với lo âu gì đó. Thí dụ như, thân thể yếu đuối, thất tình, hoặc dù cố gắng thế nào đi nữa quan hệ với người khác cũng không suôn sẻ, công việc bị thất bại nặng… Mỗi người có riêng những nỗi lo âu khác nhau, số đêm trằn trọc không ngủ được không phải ít. Trong đó có trường hợp khổ não quá to lớn đến mức tuyệt vọng đối với cuộc sống và tự dứt bỏ mạng sống cũng là việc thường thấy. Tại sao sự khổ não đến mức phải tự tử lại xảy ra?

Dĩ nhiên tôi nghĩ mỗi trường hợp chắc chắn có sự tình riêng biệt. Nhưng nếu tổng hợp lại thì phải chăng phần lớn là do chúng ta chỉ nhìn một khía cạnh nào đó của sự vật và bị ràng buộc hoặc cố chấp vào đó.

Bản tính của tôi có thể nói thuộc về hay lo lắng và có nhiều khổ não không biết bao nhiêu lần. Nói rõ hơn, hàng ngày tôi đều có điều khổ não và liên tục cảm thấy bất an. Thí dụ như thấy việc của người khác rồi tinh thần tôi dao động, mất tự tín, tự hỏi không biết công việc của mình như hiện tại có được không, và lo lắng bất an không ngừng. Tôi đã thật sự ở trong tình huống như vậy ngày này qua ngày khác. Tuy nhiên, sau đó khi hồi tưởng lại những lúc rơi vào lo âu, khổ não nói trên, tôi nghĩ rằng phần lớn do suy nghĩ của tôi vào những lúc đó có tính cách thiên lệch và cố chấp. Mặc dù hàng ngày tôi ở trong tình trạng bất an nhưng từ đầu đến cuối không phải chỉ có bất an thôi. Nếu như vậy thì tinh thần và thể xác của tôi cuối cùng sẽ không chịu đựng được, và có lẽ tôi không có được như ngày hôm nay.

Tại sao vậy? Bởi vì tôi đã từ bỏ, tôi đã cách xa cách suy nghĩ cố chấp và suy nghĩ theo cách khác, nên tôi đã có thể đè ép được dao động bất an và nỗ lực vượt qua. Tôi xin đưa ra một thí dụ cụ thể, lúc tôi dùng 50 người để cùng làm việc đã xảy ra sự việc như sau.

Mặc dù mọi người làm việc tốt nhưng trong đó có 1 người làm việc hơi xấu một chút. Tôi bâng khuâng lo nghĩ nếu để anh ta tiếp tục làm việc ở hãng thì sẽ sinh ra rắc rối hoặc nên cho anh ta thôi việc. Tôi không biết nên làm sao, ban đêm tôi cứ thao thức không ngủ được.

Tuy nhiên trong lúc tôi nghĩ thế này thế nọ, bỗng nhiên một ý tưởng đến với tôi. Số là lúc đó bỗng nhiên tôi nghĩ đến số người làm việc xấu ở Nhật Bản vào thời đó bao nhiêu người. Giả sử số người phạm pháp bị giam trong ngục là 100 ngàn người thì số người phạm tội nhẹ và được bỏ qua có lẽ gấp 5 hoặc 6 lần. Tuy nhiên số người có tội nhẹ này không bị trục xuất ra khỏi Nhật Bản. Trước thế chiến thứ 2, thiên hoàng bệ hạ là một tồn tại như thần thánh nhưng với đức hạnh của thiên hoàng bệ hạ cũng không thể làm cho xã hội không có người xấu. Hơn nữa ngay cả thiên hoàng bệ hạ cũng chỉ bỏ ngục những người xấu để cách ly họ với xã hội, còn những người phạm tội nhẹ thì tha thứ và vẫn để cho họ sống trong nước. Đó là hình ảnh thực tế của Nhật Bản. Nếu như vậy, trong khi bản thân tôi chỉ là người làm việc mà lại chỉ dùng những người tốt, chẳng phải là chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân hay sao? Với cả đức hạnh của thiên hoàng bệ hạ cũng không thể làm, trong khi bản thân tôi chỉ là một chủ nhân của một hãng xưởng bé nhỏ trong thành phố mà muốn đuổi người ra khỏi hãng là điều không nên làm.

Nghĩ đến đó đầu óc khổ não của tôi tự nhiên trở nên dễ chịu và muốn tha thứ cho nhân viên làm việc hơi xấu nói trên. Và từ đó tôi theo cách suy nghĩ này và có thể dùng người một cách dứt khoát hơn.

Những thể nghiệm như trên của tôi nhiều vô số kể. Trường hợp của tôi, những khổ não, dao động hàng ngày là cơ hội để tôi suy nghĩ xem xét lại sự vật và ngược lại phần lớn trở thành điều lợi ích cho tôi.

Nếu thử suy nghĩ trong môi trường xã hội biến đổi không ngừng như hiện nay, chúng ta phải trực diện với tình thế mới, hết điều này đến điều khác mà chúng ta không có bất an hoặc khổ não gì là điều tôi nghĩ không thể có. Lo âu việc này việc nọ từ đầu vốn là hình thái của con người. Tuy nhiên nếu vì vậy mà chúng ta chỉ biết bất an, dao động và sợ hãi mà không làm việc gì là không được. Trái lại, dù chúng ta cảm thấy khổ não, bất an nhưng vẫn mạnh mẽ ứng phó và không cố chấp hoặc bị trói buộc cứng nhắc vào một cách nhìn sự vật mà nên nỗ lực cố gắng sáng kiến nhiều cách suy nghĩ. Làm như thế, chúng ta sẽ có được nhiều cách nhìn sự vật. Đối với sự việc mới nhìn qua thấy bất lợi cho chúng ta nhưng sau khi thay đổi cách nhìn chúng trở thành điều có lợi cho chúng ta. Đó là hình thái thường có ở đời. Do đó, một khi khắc phục để thoát khỏi khổ não bất an, con đường đi cho chúng ta sẽ được mở rộng ra. Nghĩa là, tôi nghĩ rằng những thứ mà chúng ta nghĩ là khổ não bất an không phải là khổ não bất an mà là những thứ có vai trò làm nguồn động viên cho cuộc đời của chúng ta. Do lý do này, tôi nghĩ rằng phải chăng chúng ta nên nghĩ rằng đối với con người chúng ta từ đầu vốn không có khổ não. Cái vốn không có mà có là bởi vì chúng ta có cái nhìn cố chấp, và bị trói buộc. Do đó, phải chăng việc chúng ta tự mình suy nghĩ lại cách nhìn sự vật của mình là điều quan trọng nhất để giải trừ phiền não?

Nguyễn Sơn Hùng
28/11/2023

Đăng lại từ Diễn Đàn Khai Phóng (Diendankhaiphong.org)

(*) Nguồn: MATSUSHITA Kônosuke: NHÂN SINH TÂM ĐẮC THIỆP (人生心得帖), Viện Nghiên Cứu PHP xuất bản 1984 khổ A5, xuất bản 2001 khổ A6.

Xem thêm cùng tác giả:

Nhận xét của người dịch

Nên lưu ý và hiểu đúng lời khuyên của tác giả để áp dụng hữu ích. Nếu hiểu sai và áp dụng sai, bạn sẽ bị tổn thất lớn. Để tránh phiền não cần phải cố gắng xem xét vấn đề hoặc khó khăn đang đối diện qua nhiều khía cạnh, nhiều cách nhìn để tìm ra cách giải quyết thích hợp tốt hơn, chớ không có nghĩa bỏ trốn con đường khó đi mà chọn con đường dễ đi. Nếu làm như vậy chắc chắn sẽ thất bại. Để không thất bại chúng ta nên tập luyện từ việc nhỏ và tự rút ra kinh nghiệm để thực hành việc lớn hơn. Nên nhớ rằng không có hoặc rất hiếm có việc gì không đầu tư công sức hoặc đầu óc mà có được lợi ích to lớn.

Người viết không hiểu tại sao tác giả đã dùng thí dụ như trong bài viết làm dễ gây hiểu sai và áp dụng sai. Dùng người là một vấn đề rất khó. Tác giả chỉ viết ngắn gọn “làm việc hơi xấu một chút” không cho biết cụ thể như thế nào nên khó phán đoán việc tha thứ của tác giả đúng hay sai. Để tránh hiểu sai, dưới đây người dịch xin được giới thiệu những thí dụ khác về đề tài này mà tác giả đã giới thiệu trong một tác phẩm khác.

Trong sách “Nhân Sinh Đàm Nghĩa” (Nói về ý nghĩa của đời người) (3) do Viện Nghiên Cứu PHP biên soạn từ các tác phẩm của Matsushita Kônosuke và được xuất bản năm 1990, sau khi ông qua đời 1 năm. Trong sách này có bài tựa “Cách Suy Nghĩ Làm Tinh Thần Chúng Ta Phong Phú” gồm có 3 đoạn: 1) Hai cách nhìn sự vật, 2) (Tôi xem như) tất cả đều là của tôi, 3) Hãy nhìn mặt tốt của sự vật. Ở đây, xin được giới thiệu nội dung của đoạn đầu và cuối.

Trong đoạn “Hai cách nhìn sự vật”, tác giả kể lại câu truyện mà Ninomya Sontoku (Nhị Cung Tôn Đức 二宮尊徳, 1787~1856) (4) đã kể. Có 2 thanh niên ở thôn quê đi lên kinh đô Edo hoa lệ để tìm việc làm. Đến một góc phố, họ thấy có người bán một ly nước. Hai người thấy vậy rất ngạc nhiên. Cách ngạc nhiên của 2 người khác nhau. Một anh nghĩ rằng ngay cả một ly nước mà cũng phải trả tiền mới có được thì làm sao có thể sinh sống nên thất vọng bỏ cuộc trở lại thôn quê.

Một anh nghĩ rằng đến việc bán một ly nước mà cũng có thể làm thương mại thật là thú vị. Nếu dùng đầu óc suy nghĩ thì khả năng buôn bán kinh doanh có nhiều vô hạn nên vui mừng ở lại Edo.

Mục đích của Ninomya Sontoku kể lại câu truyện trên hẳn quý độc giả đã hiểu được nên người dịch không viết lại ở đây.

phiền não
Ninomya Sontoku (Nhị Cung Tôn Đức 二宮尊徳, 1787~1856)

Cũng trong đoạn văn này, tác giả cũng đã giới thiệu thể nghiệm của tác giả lúc đi học thí công từ lúc 9 tuổi ở thành phố Osaka. Những buổi sáng mùa đông, tác giả phải dùng nước lạnh lau chùi lạnh buốt cả 2 tay. Bị đàn anh hay người chủ trách mắng hoặc bạt tay khi làm sai công việc, và họ cũng đã nói “Chính khổ cực mới làm cho con người trưởng thành. Khổ cực là vì tương lai của cậu”. Do đó, mới đầu tác giả cảm thấy “thật là khổ cực” nhưng sau khi nghĩ lại “khổ cực cho tương lai mình” nên cảm giác cực khổ biến mất và trở thành vui sướng.

Trong đoạn “Hãy nhìn mặt tốt của sự vật” tác giả viết như sau:

“Tôi nghĩ rằng đối với sự vật, chúng ta có nhiều cách nhìn, cách nhìn tiêu cực và cách nhìn tích cực là việc thông thường trong xã hội. Phải chăng khi đối mặt cùng một vật, cùng một việc, việc chúng ta chọn cách nhìn làm cho tinh thần chúng ta phong phú là con đường (phương pháp) để chúng ta sống cuộc đời phong phú?

Đối với những sự việc xảy ra từng giây từng phút, quý vị nhìn chúng ra sao?

Thí dụ, khi trực diện với tình trạng khó khăn, quý vị có nghĩ đó là cơ hội tốt để trưởng thành không? Đối với cấp trên lúc nào cũng nghiêm khắc rầy la, quý vị có xem người đó như một người thầy của mình không? Khi gặp người có tính hay lo lắng bất an đối với việc nhỏ nhặt, quý vị có xem họ là người tinh tế cẩn thận không? Khi gặp người có tính cách thô bạo, quý vị có xem họ là người dũng cảm giàu sinh lực không?”

Cùng trong sách “Nhân Sinh Đàm Nghĩa” tác giả có bài viết khác tựa “Tiêu Chuẩn Để Nhìn Đồ Vật”. Bài viết này cũng có 3 phần: 1) Radio là vật hay hư hỏng?, 2) Lãnh thổ Nhật Bản hẹp hay rộng?, 3) Con người (mà trời sinh ra) vốn có thể hạnh phúc. Hai phần đầu chỉ là thí dụ về cách nhìn sự vật. Người dịch thấy phần thứ 3 hay và chí lý nên dịch để giới thiệu quý độc giả.

“Tôi bắt đầu thành lập Viện nghiên cứu PHP vào thời kỳ hỗn loạn sau thế chiến thứ 2 ở Nhật Bản. Khi đó vật chất rất thiếu thốn, lòng người ly tán, trật tự xã hội rất hỗn loạn. Nhìn tình trạng xã hội và ngay cả bản thân tôi cũng rất khốn cùng nên có nghi vấn mạnh mẽ rằng có phải đây vốn là hình ảnh thật sự của con người chăng?

Nhưng sau khi suy nghĩ xem xét nhiều thứ, trải qua bao lần tự hỏi tự đáp, kết quả tôi có được là phải chăng con người vốn được trời ban phú cho đặc tính vĩ đại có thể tạo lập ra phồn vinh vô hạn, hòa bình và hạnh phúc? Tuy nhiên, trong thực tế con người đấu đá tranh giành làm tổn thương nhau hoặc khổ não vì nghèo khổ. Phải chăng nguyên nhân của kết quả này là do cách suy nghĩ, cách nhìn sự vật sai lầm? Do đó tôi rất mong muốn tìm ra cách suy nghĩ sự việc, sự vật làm cho xã hội này được tốt đẹp hơn.

Về việc con người vốn có phải được trời hoặc thượng đế ban phú phồn vinh, hòa bình và hạnh phúc hay không, có thể có người không đồng ý. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng cách suy nghĩ theo lập trường nào dẫn đến hạnh phúc cho nhân loại thì quá rõ ràng không cần phải luận bàn.”

Trong cuộc đời của tác giả quả thật đã xem những điều mà người thường xem là nghịch cảnh, thí dụ suy thoái kinh tế (recession) là cơ hội tốt và đã thành công.

Nguyễn Sơn Hùng
Viết xong ngày 17/2/2023

Ghi chú

(1) Tựa bài dịch theo nguyên bản. Tựa phụ trong ( ) do người dịch đặt thêm để quý độc giả dễ nhớ và tổng kết các điều trọng yếu mà tác giả đề xuất để chúng ta có cuộc sống tốt đẹp hơn.

(2) Đại ý của bài viết. Trong nguyên tác, đại ý được viết ở đầu của mỗi bài.

(3) Chữ nhỏ viết trong ( ) để giải thích nghĩa hoặc từ đồng nghĩa.

(4) Ninomya Sontoku: người được Uchimura Kanzo chọn trong 5 người tiêu biểu của người Nhật trong tác phẩm tiếng Anh tựa “Representative Men of Japan”, nhà xuất bản The Keiseisha, 1910. Ông đề xướng tư tưởng báo đức và chính sách phục hồi nông nghiệp. Tượng cậu bé vừa vác củi vừa đọc sách thường thấy ở các trường tiểu học ở Nhật Bản là tượng để diễn tả sự chăm học của ông.