Đình đài lầu các trong kiến trúc cổ Trung Hoa không chỉ có chức năng tham quan, du ngoạn thưởng lãm mà còn dung hợp các kỹ xảo của kiến ​​trúc truyền thống, hội tụ các quan niệm nghệ thuật trong văn hóa truyền thống, là sự sáng tạo kết hợp giữa kiến ​​trúc, cảnh quan, lịch sử và tâm trạng, khiến cho chúng trở nên đẹp đẽ và hấp dẫn mọi ánh nhìn.

Đình đài lầu các ẩn chứa nội hàm phong phú và vượt xa nhận thức của con người hiện đại ngày nay. Đại thể, có lầu các dùng để thưởng lãm ngắm cảnh, có đình đài có tác dụng giáo hóa và gợi mở cho con người về ý nghĩa nhân sinh. Lại có lầu các dùng để lưu trữ sách, thu thập, bảo quản và truyền thừa văn hóa. Đình đài lầu các trong hoàng cung được xây dựng một cách tinh xảo và uy nghiêm. Ngoài ra, các lầu chuông trống và các tự, quán, lầu, các dành cho việc tu hành Đạo giáo và Phật giáo cũng tràn ngập ánh sáng giúp thanh lọc nội tâm con người. Do vậy chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh đình đài lầu các trong các bài thơ văn xưa.

Vài tìm hiểu về đình đài lầu các trong kiến trúc cổ Trung Hoa
(Tranh minh họa: Public Domain)

Đình

Đình còn được gọi là Lương đình (chòi nghỉ mát, đình nghỉ mát) là một loại kiến trúc có cột nhà, nóc nhà nhưng không có tường bao vây xung quanh. Đình thường được sử dụng cho người đi đường hóng gió, nghỉ ngơi và ngắm cảnh.

Đình thông thường được xây dựng ở trên núi, bên cạnh sông nước. Về hình dáng, đình có rất nhiều hình dáng, có thể là hình tròn, hình vuông, hình lục giác, hình hoa mai, hình bát giác… Bởi vì thiết kế linh họat, duyên dáng đẹp mắt nên nó cũng thường được xây dựng ở các danh lam thắng cảnh hoặc công trình sân vườn.

Túy Ông đình ở Trừ Châu, An Huy; Hồ Tâm đình ở Tây Hồ, Chiết Giang; Đào Nhiên đình ở Bắc Kinh; cùng với Ái Vãn đình ở Trường Sa, Hồ Nam được xưng là “Trung Hoa tứ đại danh đình”. Túy Ông đình xinh xắn, tĩnh mịch và nên thơ. Hồ Tâm đình tựa như tiên cảnh với những ngọn núi và sông nước tuyệt đẹp. Đào Nhiên đình chìm ngập trong màu xanh của nước và được điểm xuyết bởi hoa sen. Ái Vãn đình duyên dáng thướt tha với những cây phong đỏ. 

Đài

Kiến trúc cao mà bằng phẳng được gọi là đài. Trên đài có thể có kiến trúc và cũng có thể không có kiến trúc, là một kiến trúc lộ thiên, không che đậy và có hình vuông. Đài là một trong những hình thức kiến ​​trúc sân vườn cổ xưa, hầu hết được xây dựng ở vị trí cao hơn mặt đất hoặc ở bên cạnh ao hồ. Đài tương đối lớn và tương đối cao thì được gọi là Đàn, như Thiên Đàn.

Danh thắng Cổ Cầm đài ở Vũ Hán nổi danh thiên hạ, được xưng là “Thiên hạ tri âm đệ nhất đài”, là nơi kỷ niệm sự ra đời của “Cao sơn lưu thủy”, một trong “Thập đại cổ khúc” của Trung Hoa. Cổ Cầm đài còn được gọi là Du Bá Nha đài. Tương truyền rằng, Cổ Cầm đài là do các thế hệ sau xây dựng để tưởng nhớ tình bạn tri kỷ giữa Du Bá Nha và Chung Tử Kỳ. 

Lầu

Lầu là công trình kiến trúc cao từ hai tầng trở lên và thường thấy trong cuộc sống hàng ngày. Lầu xuất hiện từ thời Chiến Quốc. Lúc ban đầu, Lầu được xây dựng với mục đích là để thăm dò tình hình quân địch, sau đó nó được phát triển thành một tòa nhà cho người dân sinh sống.

Lầu Nhạc Dương ở Hồ Nam, lầu Hoàng Hạc ở Hồ Bắc, lầu Quán Tước ở Sơn Tây đều là những danh lầu thời cổ đại. Lầu Hoàng Hạc đứng đầu, được xưng là “Thiên hạ giang sơn đệ nhất lầu”. Lầu Nhạc Dương là công trình kiến trúc có kết cấu đỉnh mũ lớn nhất còn sót lại ở Trung Quốc. Tác phẩm “Nhạc Dương lâu ký” nổi tiếng của Phạm Trọng Yêm càng khiến cho lầu Nhạc Dương nổi danh hậu thế hơn. Lầu Quán Tước lại nhờ vào tác phẩm ngũ ngôn tuyệt cú “Đăng Quán Tước lâu” của thi nhân nhà Đường, Vương Chi Hoán mà trở nên nổi tiếng.

Các

Tạo hình của các (gác) và lầu là rất giống nhau. Thứ nhất, cả các và lầu đều là dạng kiến trúc có từ hai tầng trở lên. Nhưng các nhìn chung có kích thước nhỏ hơn lầu. Đặc điểm của các là bốn phía mở, bốn mặt của các đều có cửa sổ và còn có cửa ra vào, xung quanh là hành lang có lan can chạm khắc, hoặc được bao quanh bởi các vách ngăn. Đứng trên các có thể nhìn được xa, thư giãn nghỉ ngơi hoặc cũng có thể dùng các để lưu trữ sách, cúng Phật. 

Bồng Lai các ở Sơn Đông, Đằng Vương các ở Giang Tây, Thiên Tâm các ở Hồ Nam, cùng với Chân Vũ các ở Quảng Tây được xưng là “Trung Quốc tứ đại danh các”. Bồng Lai các nổi tiếng là “tiên cảnh nơi hạ thế”. Đặng Vương các nổi tiếng cho đến tận ngày nay, một phần nhờ vào bài “Đằng Vương các tự” của thi nhân nhà Đường, Vương Bột. Thiên Tâm các được thiết kế ngói xanh mái cong, xà đỏ chạm khắc tinh xảo, là biểu tượng của thành phố cổ Trường Sa. Chân Vũ các đã trải qua nhiều trận động đất và lũ lụt lớn trong hàng nghìn năm nhưng nó vẫn tồn tại sừng sững và tràn đầy sinh khí.

Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Vương Hiểu Mai
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: