Đôi lời chiêu tuyết cho Thúy Vân
- Lộc Trang
- •
Đã nhiều thế hệ lần giở trang Kiều, theo dấu mòn người đời trước mà thương cảm Kiều 15 năm đoạn trường, uất ức “Thanh lâu hai lượt thanh y hai lần”. Vì vậy người em gái Thúy Vân, người đời hững hờ, lạnh nhạt để Vân mất hút, rơi vào quên lãng. Nếu xuất hiện cũng chỉ tô đậm thêm cô chị. Ta vô tình hay vô tâm, tẻ nhạt đối nhân vật đáng trân trọng (?)
Thói thường, nói về Kiều hay đặt Vân bên cạnh để so sánh. Buồn thay là kiểu so sánh “hơn – thua”: “Kiều đẹp hơn Vân, Vân làm nền điểm tựa để tôn vinh, nâng cao vẻ đẹp Kiều… Nghệ thuật đòn bẩy…” Có đắng lòng không cô em gái, cảm thấy mình bị xúc phạm làm điểm tựa?!
Thôi thì thói đời mà, lâu dần có người nhận ra: so sánh Vân – Kiều là so sánh sự khác biệt. Vẻ đẹp của Vân là phúc hậu, đoan trang, là kết tinh những gì tinh túy, cao sang nhất cõi đời: trăng, hoa, ngọc, mây, tuyết. Kiều lại mang vẻ đẹp khác, vẻ đẹp mê hồn, vẻ đẹp mà người đời chỉ tưởng tượng, hình dung. Không phải vẻ đẹp trần thế. “Làn thu thủy, nét xuân sơn” là gì? “Ý nói đôi mắt đẹp trong sáng như làn nước mùa thu, đôi mày đẹp thanh thoát như dáng núi mùa xuân” (Văn 9). Dè chừng thắc mắc: “Làn nước mùa thu, nét núi mùa xuân” sao gọi đôi mắt? nếu không chỉ ra điển tích “Nhãn quang như thu thủy/ Mi đạm tựa xuân sơn”.
Có gì để khẳng định Kiều đẹp hơn Vân? Cùng lắm là “Giai nhân nan tái đắc” vẻ đẹp hiếm gặp trên đời. “Càng… lại là phần hơn” theo thiển ý chỉ là chức năng chuyển ý giữa hai phần, nhấn mạnh phần sau, tạo thêm ấn tượng người đọc. Vân – Kiều hai chị em với hai vẻ khác nhau “mỗi người một vẻ” mà Nguyễn Du đã báo trước rồi đó sao! (tôi cũng đẹp, chị tôi cũng đẹp – mười phân vẹn mười). Sao người đời cứ so sánh ai đẹp hơn ai làm chi.
Càng thương cảm Vân hơn khi đặt Kiều – Vân ở vị thế đối lập, tương phản theo lối khen cái này ắt chê cái kia(!) Kiều có tâm, có lòng thương người nhưng người ơi, đừng cho Vân là vô tâm, vô hồn. Sự việc ba chị em trở về sau ngày chơi xuân, gặp mộ Đạm Tiên. Kiều nghe câu chuyện “đầm đầm châu sa”, Vân nhìn chị lại “khéo dư nước mắt khóc người đời xưa”. Cả ba đều buồn thương số phận người kĩ nữ. Vương Quan, người kể chuyện, chắc hẳn cũng động lòng trong lời kể chứ. Cớ gì Vân không thương cảm. Có điều nỗi buồn, cảm thương ở Kiều là nỗi xót xa của người con gái “đa sầu, đa cảm”. Niềm tiếc thương ở Vân tỉnh táo hơn, lí trí hơn, đời thường hơn. Dẫu sao cũng chỉ nấm mồ hoang giữa đường thì đâu đến mức “đầm đầm châu sa”. Đây chỉ là cách để Tố Như nhấn nhá thêm tính “đa đoan, đa sầu, đa cảm” ở Kiều chứ Vân nào có vô tâm đến mức vô cảm đâu! Oan lắm!
Rồi chuyện sau cơn gia biến, Vân tròn giấc nồng, Kiều thì day dứt năm canh “Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn”. Lần nữa, Vân bị kết vô tâm mà quên đi cô em “chợt tỉnh giấc xuân / Dưới đèn ghé đến ân cần hỏi han… một nhà để chị riêng oan một mình”. Người đọc chả nhẽ không nhận ra sự đồng cảm, muốn sẻ chia từ sâu thẳm tâm hồn Vân đó sao? Cớ gì lại kết tội người em gái thơ ngây, trong sáng là vô tâm chỉ vì “giấc xuân nồng”. Hơn nữa chính vì lời hỏi han, ân cần đã gỡ rối tâm trạng như tơ vò mà trước đó Kiều chưa nghĩ tới nhờ cậy em thay mình nối tình Kim Trọng. Từ đó lời trao duyên sắc sảo, thừa khôn khéo để buộc duyên chị vào duyên em, không để cho Vân có lời giãi bày. Nhận lời hay từ chối, không thể! Khi mà Kiều “Cạn lời hồn ngất máu say”. Tình cảnh này Vân biết làm gì, bàng hoàng, ngơ ngác đem tín vật tình yêu báo gia đình.
Gán ghép khập khiễng Vân – Kim đã dập tắt tương lai tội nghiệp em gái có phần ngây thơ trong sáng. Vân có than vãn, khóc than đâu, chỉ lặng lẽ, hy sinh chấp nhận để rồi mãi là người vợ hờ của Kim Trọng! Thật bẽ bàng lắm thay!!! Mười lăm năm đạo nghĩa vợ chồng, Vân “vẫn đi bên cạnh cuộc đời/ Ái ân lạt lẽo của chồng” Vân. Mười lăm năm Vân chịu cảnh “tù tội trong chiếu chăn của hạnh phúc với người chồng bất đắc dĩ”. Có ai nhận ra giọt nước mắt âm thầm chịu đựng chảy ngược vào trong mà che lấp phiền não người vợ hờ không? Trong khi mười lăm năm ấy, dù có trầm luân trên dòng đời cay nghiệt chí ít Kiều cũng có được thời gian hạnh phúc, tuy ngắn ngủi qua mau. Đấy là lúc trở thành mệnh phụ phu nhân, Kiều đón Từ Hải trở về sau thời gian xa cách “Cùng nhau trông mặt cả cười/Dang tay về chốn trướng mai tự tình”. Nụ cười viên mãn hạnh phúc đấy chứ! Nghĩ lại Vân mà thương cảm, xót xa, sao người đời nỡ lãng quên(!?)
Cuối cùng màn đoàn viên Kim – Kiều tái hợp, cả nhà vui vầy, lúc này ai hiểu thâm tâm Vân nghĩ gì, nói gì, người thừa trong cuộc vui này. Đợi đến lúc “tàng tàng chén cúc dở say” Vân cất lời để hóa giải tình cảnh dở khóc dở cười mà gợi mở hạnh phúc tái sinh Kim – Kiều “Còn duyên may lại còn người / Còn vầng trăng bạc còn lời nguyền xưa”. Vân cũng thật là… trọn tình trọn nghĩa quá, người phụ nữ hiện hữu đời sống ngày xưa: cam phận, chịu đựng, lặng lẽ hi sinh. Đừng gán cho Vân hai chữ vô tình, vô tâm nhé!
Thử nghiệm lại, trong tình cảnh này, Kiều nói gì “duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy” lời từ chối có phần tự trọng nhưng thiếu nghĩa tình đối với em mình. Rõ là Kiều không dám, không thể nói thêm được lời vun vén cho tình vợ nghĩa chồng Vân – Kim. Ai vô tình hơn ai(?!)
Thế mới biết thói đời chưa thoát được “Yêu nhau yêu cả tông chi- Ghét nhau ghét cả đường đi lối về”. Xin một lần cùng những ai CHIÊU TUYẾT (rửa oan) nàng Vân đáng thương, đáng trọng!
Lộc Trang
Trường THCS Lê Đình Chinh, Phan Rang Tháp Chàm, Ninh Thuận.
Tác giả gửi Trí Thức VN
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Truyện Kiều Thúy Vân Lộc Trang Thúy Kiều