Cổ nhân có câu: “Họa phúc vô môn, duy nhân tự triệu”, họa và phúc đều không có cửa vào mà là do bản thân mình tự gây ra. Có người lẽ ra đã không gặp phải phiền phức hay tai họa nhưng bởi vì trong cách xử thế đã không cẩn thận, không chú ý mà tự rước lấy phiền toái. Cho nên, cổ nhân nói “Đời người có bốn cái họa”, lúc gặp chuyện phiền toái, đừng chỉ cảm thấy rằng bản thân đã gặp phải những điều xui xẻo, mà nên suy nghĩ lại xem chúng ta có làm điều gì liên quan đến bốn cái họa này hay không, từ đó chỉnh sửa bản thân, họa sẽ rời xa, phúc báo sẽ tới.

Đời người có bốn cái họa tránh được càng sớm càng tốt
(Ảnh: Ken Phung, Shutterstock)

Họa tham lam

Người làm điều xấu phần lớn đều do tham lam mà ra. Có người tham tiền tài, có người tham mê nữ sắc, có người tham danh cầu lợi, đủ loại tai họa đều xuất phát từ lòng tham.

Sách sử chép rằng thời Xuân Thu, Trí Bá hướng đến Ngụy Tuyên Tử xin đất đai, Ngụy Tuyên Tử không muốn cho nên đã hỏi kế sách từ các đại thần. Đại thần Nhậm Đăng nói: “Trí Bá thực lực lớn mạnh, uy thế khắp thiên hạ. Đại Vương cảm thấy có bằng ông ta không?”

Ngụy Tuyên Tử đáp: “Không thể!”

Nhậm Đăng lại nói: “Đã như vậy, nếu không cấp đất thì sẽ gặp tai ương. Chi bằng hãy cấp cho ông ta một chút đất!”

Ngụy Tuyên Tử nói: “Nếu cho đất đai, ông ta lòng tham không đáy chắc chắn sẽ bắt tiếp tục cho đất.”

Nhậm Đăng nói: “Đại vương cho đất, ông ta nhất định sẽ xin đất từ các chư hầu khác. Các chư hầu khác cũng sẽ bất mãn. Hãy thừa cơ liên hợp với các chư hầu khác diệt Trí Bá.

Ngụy Tuyên Tử thấy Nhậm Đăng nói có lý nên đã cho Trí Bá một vùng đất đai. Trí Bá sau khi xin được đất đai quả nhiên lại hướng đến Hàn Khang Tử xin đất, Hàn Khang Tử phải cho. Sau đó, Trí Bá lại xin đất của Triệu Tương Tử, nhưng Triệu Tương Tử không cho. Trí Bá giận dữ, liên hợp với quân đội của nước Ngụy, Hàn bao vây Triệu Tương Tử ở Tấn Dương. Nhưng quân đội của ba nước Hàn, Ngụy, Triệu lại âm thầm liên hợp với nhau. Cuối cùng quân Trí Bá đại bại, ba nước cùng chia cắt đất đai của Trí Bá.

Ngụy Tuyên Tử sau khi về nước đã khen ngợi Nhậm Đăng. Nhậm Đăng lại nói: “Đạo gia giảng, tham lam làm càn, bắt đầu bằng cách làm tổn hại người nhưng kết thúc bằng cách hủy hoại chính mình. Đây là cướp thứ của người khác, kết quả ngược lại là bị người khác cướp lấy.”

Họa từ miệng

Thành ngữ cổ có câu: “Thị phi khẩu thiệt”, chính là nói đến việc họa từ miệng mà ra. Một số người luôn cảm thấy rằng bản thân có thân phận, có địa vị cho dù là nói lời sai trái thì người khác cũng không dám làm gì cả. Nhưng một lời nói bất cẩn cũng có thể mang lại tai ương ngập đầu.

Thời Tây Tấn, Hoàng đế Tư Mã Diệu có sở thích uống rượu, lại thích đùa vui tếu táo, không có phong phạm của bậc Đế Vương. Một ngày, Tư Mã Diệu uống rượu vui vẻ cùng Trương quý nhân tại Thanh Thử điện. Tư Mã Diệu rượu vào lời ra, đùa rằng: “Nàng nay đã gần 30 tuổi, nhan sắc không được như xưa. Trẫm sẽ phế nàng tuyển người mới”.

Trương quý nhân nén giận, đợi tới buổi đêm khi Hoàng đế đã say ngủ, liền lệnh cho hoạn quan rời đi, lại lệnh cho nô tì đem chăn làm ngạt chết Tư Mã Diệu. Sau đó bà tiếp tục hối lộ cho nhiều người làm chứng giả cho việc Hoàng đế đột ngột qua đời khi đang ngủ.

Bởi vậy người ta nên quản tốt cái miệng của mình, nói chuyện nhất định không được lỗ mãng, khoa trương quá mức, không nên nói lời cay nghiệt tuyệt tình, phải thận trọng từ lời nói đến việc làm mới tránh được cái họa miệng lưỡi gây ra.

Họa cuồng vọng

Phàm là người không có tâm kính sợ thì đều là người cuồng vọng. Đương nhiên, những kẻ cuồng vọng quá đáng, không sợ Trời không sợ Đất, thì sẽ sớm có hậu quả. Nhưng có những người bởi vì thiếu tâm kính sợ mà gặp phải họa cuồng vọng.

Đường Bá Hổ là một trong tứ đại tài tử ở Giang Nam thời nhà Minh, thi họa kỳ tài, người đời tán thưởng không ngớt.

Năm đó, Nam Kinh tổ chức cuộc khi hương, sau khi cuộc thi kết thúc, Đường Bá Hổ tự tin nói: “Vị trí đứng đầu thi hương, không phải ta thì là ai?”

Sau khi danh sách thi được công bố, Đường Bá Hổ quả thực đứng vị trí đầu bảng.

Năm thứ hai, Đường Bá Hổ đắc ý đến kinh thành, sau khi thi xong liền ngạo nghễ nói: “Đứng đầu bảng lần này, không phải ta thì là ai?”

Sau khi công bố kết quả, Đường Bá Hổ lại đạt vị trí đứng đầu.

Đường Bá Hổ mặc dù có tài năng thật sự, không phải là cuồng vọng không hiểu biết, nhưng lại thiếu tâm kính sợ. Mọi người trong kinh thành nghị luận rất nhiều về những lời nói của Đường Bá Hổ. Người đố kỵ sớm buông lời cho rằng Đường Bá Hổ gian lận nên mới giành được vị trí đứng đầu. Sự việc này đã kinh động tới Hoàng đế. Lại nhân vì năm đó có việc gian lận thi cử, Đường Bá Hổ dù không dính líu gì nhưng vẫn bị hàm oan, bị tống vào tù, bắt đầu một cuộc sống đầy chông gai.

Họa vô vọng

Họa vô vọng là những bất trắc vô duyên vô cớ gặp phải, những họa tai bay vạ gió, giống như đang đi trên đường thì bị viên gạch trên cao rơi vào người.

Vô vọng họa thực sự có thể tránh được không? Đương nhiên là có thể tránh được. Người xưa tin rằng nhân quả báo ứng, họ cho rằng những sự tình nơi thế gian đều là “thiện ác hữu báo”, một người ngày hôm nay có nỗi khổ thì ắt hẳn trước đây đã từng có làm việc ác.

Cho nên, một người muốn tránh những họa vô vọng, tai bay vạ gió thì nên hành thiện tích đức, vì bản thân tu đắc phúc báo mới có thể rời xa họa vô vọng.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: