Trong lịch sử có rất nhiều vị quan dám nói lời can gián nổi danh được quân vương công nhận và khen thưởng, chẳng hạn như Ngụy Trưng thời nhà Đường. Nhưng cũng có những vị quan nói lời can gián mà không được quân vương tiếp nhận, thậm chí còn bị phạt bổng lộc và bãi chức, giống như Viên Khả Lập thời nhà Minh. Dù kết cục là khác nhau, nhưng họ đều đã cố gắng làm tròn chức trách của bản thân mình, và để lại cho hậu thế những tấm gương về dũng khí và đức độ.

Hai câu chuyện về can gián Hoàng đế thời xưa
(Tranh minh họa: Public Domain)

Ngụy Trưng khéo léo can gián

Vị quan can gián nổi tiếng nhất trong lịch sử là Ngụy Trưng thời nhà Đường. Hoàng đế Đường Thái Tông đã ca ngợi Ngụy Trưng là người luôn tùy theo việc mà can gián một cách thỏa đáng. Ngụy Trưng can gián dựa vào thiện niệm, dựa trên lễ quân thần và cũng dựa trên đạo lý cho nên có thể khiến Hoàng đế tiếp nhận và thay đổi thành kiến.

Theo “Tư trị thông giám”, năm Trinh Quán thứ 10, Hoàng hậu Văn Đức qua đời. Hoàng hậu và Đường Thái Tông kết duyên từ lúc tuổi trẻ, cùng nhau trải qua chiến tranh loạn lạc và nguy nan sinh tử. Cả hai thấu hiểu nhau, quý trọng nhau và giúp đỡ lẫn nhau, tình cảm rất sâu đậm. Vì vậy khi Hoàng hậu mất, Đường Thái Tông vô cùng thương tiếc. Ông đã cho xây dựng một tòa tháp nhiều tầng trong cung điện tên là Chiêu Lăng để có thể nhìn ra lăng mộ của Hoàng hậu.

Một hôm, Hoàng đế bảo Ngụy Trưng lên thăm tòa tháp cùng mình. Hoàng đế chỉ tay về phía Chiêu Lăng và hỏi Ngụy Trưng có nhìn thấy Chiêu Lăng hay không. Ngụy Trưng chăm chú nhìn một lát rồi nói: “Thần mắt mờ, nhìn không thấy”. Đường Thái Tông liền chỉ về phía Chiêu Lăng, Ngụy Trưng nói: “Ồ! Thần tưởng rằng Bệ hạ đang nhìn Hiến Lăng, nếu là Chiêu Lăng, thần đương nhiên nhìn thấy!”

Hiếu Lăng là nơi chôn cất Đường Cao Tổ, cha của Đường Thái Tông. Ngay lập tức, Đường Thái Tông hiểu rằng Ngụy Trưng đang nhắc nhở mình về đạo hiếu, không thể nhớ thương vợ hơn nhớ thương cha mẹ được. Hơn nữa, con có thể thờ cúng cha mẹ, nhưng chồng lại không thể thờ cúng vợ, đây là lễ chế của thời cổ. Về sau, Đường Thái Tông suy đi tính lại, đã nén đau thương mà cho dỡ bỏ tòa tháp này.

Ngụy Trưng đã dùng trí tuệ để đánh thức Hoàng đế, nhưng trong đó bao hàm cả sự đồng cảm đối với việc Hoàng đế thương nhớ vợ và thiện niệm không muốn Hoàng đế bị chỉ trích là người không hiểu lễ pháp. Cũng vì thế nên Đường Thái Tông có không gian để suy tính về sai lầm của mình.

Trong “Tư trị thông giám” còn ghi lại một câu chuyện khác. Vào năm đầu niên hiệu Trinh Quán, Đường Thái Tông phái người tuyển quân, trung thư lệnh Phong Đức Di dâng tấu: “Nam nhân dù chưa đến 18 tuổi, nhưng thể chất cường tráng cũng có thể tuyển”. Đường Thái Tông đồng ý, nhưng sau khi hạ lệnh xuống thì Ngụy Trưng không đồng ý.

Đường Thái Tông tức giận, triệu kiến Ngụy Trưng đến cung trách mắng.

Ngụy Trưng đáp: “Trọng yếu của quân đội nằm ở sự chỉ huy phù hợp chứ không phải ở số lượng đông, bệ hạ chỉ cần chiêu mộ những người có thân thể khỏe mạnh và thống lĩnh họ đúng cách thì đủ để vô địch thiên hạ. Hà tất phải chiêu mộ thêm trai tráng nhỏ tuổi để tăng quân số? Hơn nữa, bệ hạ thường nói phải dùng thành tín để trị vì thiên hạ, để thần dân đều không có hành vi gian dối. Hiện giờ bệ hạ lên ngôi chưa lâu, lại đã thất tín nhiều.”

Đường Thái Tông hỏi: “Trẫm thất tín như thế nào?”

Ngụy Trưng đáp: Khi vừa lên ngôi, Bệ hạ đã ban hành chiếu chỉ quy định khu vực Quan Trung sẽ được miễn thuế ruộng trong hai năm, và các khu vực ngoài Quan Trung sẽ được miễn lao dịch trong một năm. Sau lại hạ chiếu, những người đã nộp thuế và thực hiện lao dịch thì từ năm sau mới bắt đầu được miễn trừ, dẫn đến những gì đã trả lại cho dân sẽ lại bị trưng dụng, dân làm sao không oán thán? Huống hồ hiện tại đang thu cả thuế và lao dịch, trái với chiếu chỉ của Bệ hạ. Mặt khác, việc quản lý hàng ngày đều giao cho quan lại địa phương nhưng đối với việc tuyển quân thì Bệ hạ lại nghi ngờ, điều này trái ngược với điều mà Bệ hạ gọi là thành tín trị quốc”.

Đường Thái Tông nghe xong, nói: “Khanh nghị luận việc trị quốc, quả thực đều đi thẳng vào vấn đề. Nếu triều đình không hết lòng tuân thủ chính lệnh thì dân chúng sẽ không biết nghe ai, quốc gia sao có thể trị vì được? Trẫm đã phạm sai lầm”. Thế là Đường Thái Tông thu hồi lại chiếu chỉ đồng thời ban thưởng cho Ngụy Trưng.

Trong việc lắng nghe lời can gián, Đường Thái Tông có thể coi là hình mẫu của minh quân, bởi vì cả Hoàng đế và quan can gián đều có đức độ, nên có thể hiểu được vì sao nhà Đường bước vào thời kỳ thịnh thế.

Viên Khả Lập thẳng thắn nói sự thật

Viên Khả Lập là vị quan chính trực và liêm khiết thời nhà Minh. Ông nổi tiếng với khả năng xét xử công bằng, không sợ quyền lực, từng bị Minh Thần Tông tước lương và giáng chức vì đưa ra lời can gián thẳng thắn. 

Theo “Tiết Hoàn viên công hành trạng” ghi chép lại, vào năm Vạn Lịch khi Viên Khả Lập giữ chức Ngự sử đã dâng thư tấu rằng:

Trong những năm gần đây, triều đình có nhiều cuộc thảo luận, có những lời lẽ gay gắt đã chọc giận Bệ hạ khiến cho số thần tử bị cách chức không dưới một trăm người. Những người này đều là những người có công với quốc gia, người được Bệ hạ hỏi ý kiến, người tuyên dương chính lệnh. Hiện giờ Bệ hạ lại coi họ là những người khoe khoang chính trực, mua danh chuộc tiếng. Như vậy, những người bị coi là chính trực đều bị cách chức còn người không chính trực thì lại được thăng chức; những người bị coi là mua danh chuộc tiếng thì bị khiển trách còn người vốn danh dự đã hủ nát thì lại được trọng dụng. Sự yên vui và khốn khổ của dân chúng; sự thanh liêm và hủ bại của quan viên; còn có ai dám nói ra sự thật với Bệ hạ? Quốc gia sẽ dần dần suy vi, thật đáng sợ.

Sau khi dâng thư lên, Hoàng đế đã phạt Viên Khả Lập một năm tiền lương. 

Sau đó, nhân cơ hội sét đánh vào Cảnh Đức Điện, Viên Khả Lập lại viết một bức thư khác nói:

Nếu Bệ hạ không thể đích thân chủ trì hiến tế, bê trễ việc đọc kinh đọc sử vào buổi sáng, phê duyệt tấu chương không kịp thời, thưởng phạt không nhất quán, thuế khóa và cướp bóc dẫn đến sự oán thán của dân chúng, thị phi thác loạn, không phân biệt hiền gian, khiến cho trung thần và hiền thần bị hàm oan, trong lòng người chính trực phẫn hận, chẳng lẽ đây là tuân theo Thiên đạo hay sao?

Tấu thư của Viên Khả Lập đã khiến Minh Thần Tông vô cùng tức giận, cách chức ông làm dân thường.

Minh Thần Tông quả thực lúc cuối đời đã trị quốc vô đạo, cuối cùng khiến nhà Minh suy sụp đến mức chỉ một thời gian ngắn sau nhà Minh sụp đổ. Đây chẳng phải là điều Viên Khả Lập lo lắng hay sao?

Dựa theo Minghui.org
Tác giả: Minh Vũ
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: