Khả Lãm là ngôi làng nhỏ với chỉ 200 nóc nhà nhưng có truyền thống khoa bảng, hiện nay vẫn còn lưu lại tấm bia đá khắc tên tuổi của 99 vị khoa bảng của làng. Truyền thống khoa bảng ấy bắt nguồn từ hai người phụ nữ nuôi dạy con cháu thành tài, thành tấm gương được cả làng noi theo.

Hai người phụ nữ khởi đầu truyền thống khoa bảng làng Khả Lãm
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, báo Bình Phước Online)

Vào thế kỷ 17 ở làng Khả Lãm, phủ Ứng Thiên (nay là thôn Cao Lãm, xã Cao Thành, huyện Ứng Hòa, Hà Tây, Hà Nội) có cô Mai Thị Biểu là người phụ nữ cần kiệm, khiêm nhường, lại chăm chỉ cấy cày, dệt vải, hàng ngày thường dệt the lụa rồi mang đi khắp nơi để bán.

Một lần đem lụa ra bán ở Chương Đức (Chương Mỹ, Hà Tây ngày nay) cô Biểu tình cờ chứng kiến lễ vinh quy bái tổ của một quan trạng. Vị quan trạng thi đỗ ngồi trên kiệu, có người khiêng cùng trống chiêng vang rộn. Các quan chức địa phương như hương lý, hào mục cùng dân làng với lễ vật nghênh đón. Vị quan trạng này trông còn rất trẻ, cô Biểu liền nghĩ ước gì còn trai mình cũng đỗ đạt như thế.

Về nhà cô Biểu quyết định đưa con đến tìm thầy giỏi. Sau khi sắm sửa khăn gói cô liền đưa con trai mình là Nguyễn Duy Tuấn đến nhà thầy giỏi nhất vùng xin học.

Thế nhưng cậu bé Tuấn nhớ nhà, nhớ mẹ nên thường xuyên bỏ học trốn về nhà, cô Biểu nhiều lần khuyên nhủ con nhưng không được.

Cô Biểu liền học theo mẹ của Mạnh Tử, chặt đứt khung cửi để dạy con.

Chuyện là thuở nhỏ Mạnh Tử theo học, nhưng lại hay trốn học chạy về nhà. Một lần Mạnh Tử chạy về nhà, mẹ ông liền lấy kéo cắt luôn vải đang dệt dở trên khung cửi. Từ đó giáo dục Mạnh Tử rằng học hành cũng như dệt vải, nếu cắt ngang không làm nữa thì sẽ phí hết công sức. Mạnh Tử nghe ra, siêng năng học tập mà trở thành người vĩ đại.

Cô Biểu học theo mẹ Mạnh Tử, chặt đứt khung cửi. Nguyễn Duy Tuấn qua lần giáo huấn này cũng hứa không tự ý bỏ về nhà nữa mà sẽ siêng học tập.

Nguyễn Duy Tuấn siêng năng học tập, nhưng không đỗ được đại khoa như mong đợi của mẹ mà chỉ đỗ Hương cống tức trung khoa. Tuy nhiên làng Khả Lãm trước đó chưa có ai đỗ đạt, vì thế mà dù chỉ đỗ Hương cống, Nguyễn Duy Tuấn cũng được xem là người đỗ khai khoa cho cả làng, khởi đầu cho rất nhiều người đỗ đạt sau này.

Nguyễn Duy Tuấn làm Tri phủ Duy Tiên. Con trai của ông là Nguyễn Duy Đôn cũng được bà nội chăm sóc và động viên học hành, nhờ đó mà đến năm 18 tuổi Duy Đôn đỗ kỳ thi Hương. Đến năm 1712, Duy Đôn vượt qua tứ trường kỳ thi Hội để vào đến kỳ thi cuối cùng là thi Đình, đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ.

Thi đỗ, Nguyễn Duy Đôn vinh quy bái tổ trổ về làng trong sự chào đón hân hoan của dân làng Khả Lãm, đến lúc này thì bà Mai Thị Biểu hẳn đã hài lòng và tự hào về cháu của mình.

Nguyễn Duy Đôn giữ các chức vụ quan trọng như chức Hàn lâm viện thừa chỉ, Tả thị lang bộ Binh, Tế tửu Quốc Tử Giám. Sau được giao trọng trách soạn thảo văn bia tiến sĩ khoa Đinh Mùi dựng ở Quốc Tử Giám.

Sau này khi Nguyễn Duy Đôn có con có cháu, ông thường kể lại tấm gương của bà nội chăm sóc dạy dỗ mình cho con cháu nghe.

Chị gái của Nguyễn Duy Đôn là Nguyễn Thị Khiếu cũng ảnh hưởng bởi bà nội của mình mà dạy dỗ con cái rất tốt, cả hai con trai là Mai Danh Tông và Mai Trọng Tương đều đỗ tiến sĩ.

Như vậy gia đình Nguyễn Duy có “tiến sĩ đồng triều” cùng làm quan. Triều đình nhà Lê khen ngợi, tặng cho bức đại tự “Nghĩa phương giáo huấn”.

Dân làng Khả Lãm đều học theo tấm gương của hai bà cháu Mai Thị Biểu và Nguyễn Thị Khiếu để dạy dỗ con cháu. Nhờ đó mà ngôi làng với chỉ 200 nóc nhà nhưng có 3 người đỗ tiến sĩ, hơn 80 người đỗ Hương cống, gần 20 người đỗ tú tài và sinh đồ. Tên tuổi của 99 vị khoa bảng được dân làng Khả Lãm khắc vào bia đá và lưu giữ đến tận ngày nay.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: