Không ham hưởng lạc mới thành được việc lớn
- An Hòa
- •
Từ cổ chí kim, phàm là bậc hiền nhân làm thành được việc lớn, hay nông phu gánh vác được gia đình thì đều là người dụng tâm, kiên nhẫn, không ngại khó khăn, không ngại gian khổ, cũng không ham an dật hưởng lạc.
Trong quan niệm của rất nhiều người ngày nay, truy cầu hưởng lạc là điều đương nhiên, là mục đích của cuộc đời. Họ coi những quan niệm như “Không làm mà hưởng”, “Một đêm thành danh”, “Hưởng thụ xa xỉ” thành xu hướng cho giá trị của con người. Rất nhiều người trẻ không muốn nỗ lực cống hiến mà thường oán trách. Khi gặp chút khó khăn trong cuộc sống hay phải làm thêm một chút việc, họ liền cảm thấy bất bình, cảm thấy rằng bản thân đang chịu thiệt thòi rất lớn. Kỳ thực, chịu khổ không phải là việc xấu. Trên thực tế, khổ nạn có thể giúp mài giũa ý chí của con người, giúp nội tâm trở nên mạnh mẽ, có thể thành đại sự.
Trong sử sách ghi chép lại rất nhiều lời răn của cổ nhân về vấn đề này. Sách “Hán Thư” viết rằng: “Cổ nhân ví ham hưởng an nhàn như rượu độc, đem việc đánh mất đạo đức để được giàu sang là việc bất hạnh. Nhà Hán hưng khởi đến lúc Hiếu Bình Đế, Chư hầu vương hàng trăm năm, phần lớn đều ngang ngược kiêu ngạo, hoang dâm vô độ, đánh mất đạo đức. Vì sao lại như vậy? Sa đà vào phóng túng, hưởng lạc, địa vị làm cho họ trở thành như vậy”.
Hơn 300 năm trước công nguyên, Mạnh Tử cũng đã khuyên răn người đời rằng: Sinh nơi hoạn nạn, chết trong an lạc. Nhưng con người hiện đại ngày nay thường bị khống chế bởi tính lười nhác, chỉ tham thú hưởng lạc mà tránh né gian khổ. Kết quả chính là bỏ lỡ cả cuộc đời.
Trong cuốn “Mạnh Tử. Cáo Tử Hạ” có viết đại ý rằng:
Một trong số những vị Ngũ Đế thời thượng cổ là vua Thuấn, ông được phát hiện trên cánh đồng hoang nơi nông thôn. Phó Duyệt, bậc hiền thần nổi tiếng thời Ân Thương cũng xuất thân từ một người thợ xây. Giao Cách, một trọng thần do Chu Văn Vương tiến cử cho Trụ Vương, cũng xuất thân từ quầy hàng bán muối và cá.
Bào Thúc Nha tiến cử Quản Di Ngô (Quản Trọng) cho Tề Hoàn Công. Quản Di Ngô vốn được phóng thích từ tay cai ngục, sau này ông cũng trở thành một trong những vị tể tướng nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Tôn Thúc Ngao, một danh tướng nước Sở Thời Xuân Thu cũng được đề bạt khi ẩn cư ven bờ biển. Bởi vì khi cha bị giết, Tôn Thúc Ngao cùng mẹ lánh nạn nơi vùng biển phương xa.
Thời Tần Mục Công có Bách Lý Hề vốn là một nô lệ, được chuộc về từ chợ nô lệ. Sau này Bách Lý Hề cũng rất được trọng dụng. Lúc trước, Bách Lý Hề vốn bỏ trốn sang đất Uyển, bị dân biên giới nước Sở bắt lại và giam giữ. Tần Mục Công nghe nói Bách Lý Hề là người hiền tài, bèn sai người sang chuộc về nước. Nhưng sợ rằng người nước Sở biết ông là người tài giỏi mà không cho chuộc, nên chỉ dùng năm tấm da dê mà chuộc ông về. Người đời do đó gọi ông là Ngũ Cổ Đại Phu nghĩa là Quan lớn năm tấm da dê.
Mạnh Tử nói rằng, khi Thiên thượng muốn giao trọng trách lên thân một người, chắc chắn trước tiên phải khiến nội tâm người ấy thống khổ, khiến họ lao tâm khổ tứ, khiến họ đói khát mà thân thể tiều tuỵ, khiến họ thiếu thốn tiền bạc, phải chịu đựng cảnh nghèo khó, khiến những việc họ làm không được thuận lợi, làm việc sai sót, rối ren, dùng những điều này khiến họ chấn động trong tâm, khiến tính cách họ thêm kiên cường, phát triển những tài năng mà trước đây họ không có.
Theo Mạnh Tử, một người thường phạm phải sai lầm, như vậy sau đó mới có thể quy chính lại; tâm ý nghi hoặc, tư duy bế tắc, sau đó mới có thể nỗ lực phát triển. Tâm tình hiển lộ trên nét mặt, biểu đạt trong giọng nói, mới có thể được người khác thấu hiểu. Lo nghĩ tai ương càng khiến con người phát triển, còn an dật hưởng lạc khiến con người diệt vong.
Ngày nay, đời sống vật chất đã được nâng cao, rất nhiều người từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành hầu như không phải chịu chút khổ nào đáng kể cả. Đa số đều lớn lên trong mật ngọt, dần dần dưỡng thành tính ích kỷ, ngang ngược, lại càng không thể hiểu được đạo lý “Sinh trong hoạn nạn, chết nơi an lạc”.
Những việc hữu ích cho con người đa phần lại khiến họ không thoải mái. Ví dụ, dậy sớm tập thể dục dẫu vất vả nhưng lại có thể khiến thân thể khỏe mạnh. Khi cấp trên nghiêm khắc với cấp dưới, có thể khiến lòng người không vui, nhưng lại có thể giúp ta dưỡng thành thói quen làm việc nghiêm túc, hiệu quả cao. Quả là thuốc tuy đắng, nhưng dã tật, sự thật tuy mất lòng nhưng lại có lợi cho con người.
Phật gia cho rằng con người đều có nghiệp lực. Có nghiệp lực nên mới gặp khổ nạn, người ta trong khi chịu khổ mới có thể tiêu được nghiệp. Cho nên mới có câu rằng: “Có nạn sớm tiêu, có bệnh sớm trị, có khổ sớm chịu”, là việc tốt chứ không phải việc xấu.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Dục vọng Mạnh Tử Khổ nạn Phật gia sự nghiệp