Cung quán Đạo giáo là nơi dùng để cúng bái Thần tiên, tu Đạo, truyền giáo, cử hành nghi thức trai giới, lập đàn thờ phụng… Tuy rằng, cung quán Đạo giáo vẫn thuộc lĩnh vực kiến trúc cổ nhưng nó lại là kiến trúc có công dụng đặc thù, nên nó vừa mang đặc điểm khác với các kiến trúc cổ thông thường khác, lại vừa thể hiện nghĩa lý Đạo giáo.

Một vài nét về kiến trúc cung quán Đạo giáo
(Ảnh: Kernel Nguyen, Shutterstock)

Kiến trúc Đạo giáo được gọi bằng những tên khác nhau, như thời nhà Hán gọi là “Trị”, thời nhà Tấn gọi là “Lư”, hoặc “Tịnh”, thời Nam Bắc triều thì Bắc triều gọi là “Quán” còn Nam triều gọi là “Quan”, cũng có nơi gọi là “Tự”. Tới thời Đường Tống trở về sau, những nơi có quy mô lớn thì được gọi là “Cung” hoặc “Quan”. Những nơi chủ yếu dùng để thờ các vị Thần linh trong dân gian thì được gọi là “Miếu”.

Nội hàm văn hóa của kiến trúc cung quán Đạo giáo chủ yếu thể hiện ở hai phương diện chính. Thứ nhất là kiến trúc chứa đựng tín ngưỡng Thần tiên. Điều này thể hiện nổi bật nhất ở việc dựa vào bài vị thờ cúng Thần tiên để xác định quy cách, quy mô và cách trang trí của đạo quán. Thứ hai là kiến trúc cung quán tuân theo quan niệm triết học truyền thống, chủ yếu thể hiện ở bố cục, thể lượng và kết cấu. Do đạo quán tuân theo âm dương ngũ hành, bát quái và quan niệm triết học thiên nhân cảm ứng nên bố cục kiến trúc đạo quán có thể tụ khí bốn phương, nghênh đón các Thần ở bốn phương, đồng thời thuận tiện cho việc phân chia tôn ti lớn nhỏ. Ngoài ra, kiến trúc đạo quán còn có mối liên quan mật thiết với yếu tố truyền thống dân tộc. Một số đạo quán trở thành nơi tổ chức các lễ hội dân gian, nơi du lãm của dân cư, trên kiến trúc trang trí hội họa, điêu khắc, thơ văn, thư pháp, đề từ… lưu truyền hàng ngàn năm.

Lúc Đạo giáo còn sơ khai, những người tu đạo tìm đến nơi yên tĩnh như rừng sâu núi cao để sinh sống và tu tập. Họ sống trong những túp lều tranh làm bằng cỏ cây hoặc hang động, kiến trúc đơn sơ. Sau này, việc chọn địa điểm xây dựng cung quán Đạo giáo có phần kỹ lưỡng hơn. Nhìn chung đa phần, cung quán được xây dựng ở những nơi có phong cảnh ưu mỹ, những thôn sơn xa chợ búa ồn ào, coi trọng sự dung hợp hài hoà giữa phong cách kiến trúc với hoàn cảnh tự nhiên xung quanh, đồng thời lợi dụng được địa thế tự nhiên tạo cho cung quán sự tĩnh lặng và trang nghiêm.

Một vài nét về kiến trúc cung quán Đạo giáo
(Ảnh: Kernel Nguyen, Shutterstock)

Thời Nam Bắc triều, với sự tiêu chuẩn hóa về nghi lễ nên kiến trúc Đạo giáo không chỉ có quy mô tương đối lớn mà còn phải theo hình thức cố định. Thời Đường và Tống, Đạo giáo hưng thịnh, cung quán được xây dựng ở rất nhiều nơi. Trong “Cựu Đường thư. Cao Tông bản kỷ” viết: “Năm đầu Kiền Phong, Lão Tử được tôn là Thái Thượng Huyền Nguyên Hoàng đế, Hoàng đế đã hạ chiếu cho các châu đều xây dựng một tự”.

Trong “Cựu Đường thư. Huyền Tông bản kỷ” viết: “Năm Khai Nguyên 29, ở phía đông và phía tây kinh thành, cùng với các châu đều xây dựng miếu Huyền Nguyên Hoàng đế. Năm Thiên Bảo 23, ở phía tây, phía đông và các châu, miếu Huyền Nguyên được sửa thành Thái thanh cung, Thái vi cung và Tử vi cung”. Trong “Đường lục điển” viết rằng, thời nhà Đường, toàn quốc có 1687 đạo quán. Những kiến trúc này đều có quy mô lớn và có sự hoàn thiện cả về thiết kế và xây dựng. Cũng vào thời này có thể nói tín ngưỡng Thần Tiên trong dân gian được phát huy mạnh mẽ. Từ giữa thời nhà Minh, thuận theo sự suy tàn của Đạo giáo, kinh phí cho kiến trúc Đạo giáo suy giảm, tuy nhiên vẫn có rất nhiều cá nhân tự bỏ kinh phí tu sửa các nơi thờ tự của Đạo giáo.

Bố cục tổng thể, màu sắc và trang trí của cung quán Đạo giáo cũng thể hiện tư tưởng âm dương ngũ hành. Theo đó, vạn vật trong trời đất đều được cấu tạo bởi ngũ hành mộc, hỏa, thổ, kim, thủy, do ngũ hành tuần hoàn mà sinh ra. Trong đó, sự phối trí giữa mùa, phương vị và màu sắc là có quan hệ chặt chẽ với kiến trúc Đạo giáo. 

Cũng giống như các kiến trúc cổ xưa, các tòa nhà trong tổ hợp cung đạo quán thông thường đều là toạ bắc triều nam, do tứ hợp viện, tam hợp viện theo hướng nam bắc tạo thành một quần thể kiến trúc. Các cung quán có quy mô lớn đa phần đều là một loạt các sân được bố trí theo hướng thẳng chiều dọc và cao dần theo mặt bằng của địa hình. 

Nui vo dang tien son 03
(Ảnh: Kernel Nguyen, Shutterstock)

Về trang trí, kiến trúc cung quán Đạo giáo đa phần đều dùng các hình vẽ hoa văn hay vật phẩm tượng trưng cho sự trường sinh bất tử, vũ hoá đăng tiên, cát tường như ý, như hình nhật, nguyệt, tinh, vân, sơn, thuỷ, thạch, long, phụng, quy, lộc, kì lân, tùng bá, linh chi, trúc… các chữ dùng để trang trí như phúc, lộc, thọ, hỉ, cát, thiên, phong, lạc cùng biến thể của chúng, còn có hình thái cực, bát quái…

Kiến trúc chi tiết của Đạo quán gồm bốn bộ phận là Thần điện, Thiện đường và Túc xá, vườn. Thần điện là là nơi diễn ra các hoạt động tôn giáo, được xây dựng trên đường trục chính của cả tòa và là phần chính của toàn bộ khu phức hợp tòa nhà. Trong điện phủ có các bức tượng Thần hoặc tranh các vị Thần. Thiện đường bao gồm khách đường, trai đường, phòng bếp và các nhà kho chứa. Thiện đường được bố trí ở phía bên của trục chính của khu phức hợp tòa nhà. Túc xá là phòng ở của các đạo sĩ, tín đồ hoặc khách tới thăm, có bố cục linh hoạt và thuận tiện. 

Trước cung quán tất có ảnh bích, còn sơn môn tất có ba động môn. Ảnh bích hay còn gọi là chiếu bích, chiếu tường hay ảnh tường, là bức tường dùng làm bình phong để phân biệt trong ngoài, được thiết kế xảo diệu và tinh tế làm tăng khí thế uy nghiêm của cung quán. Còn sơn môn tức là cổng chính của cung quán. Do trước đây, cung quán được xây dựng ở sơn lâm mà hình thành tên này. Nhìn chung, sơn môn có ba cửa, cho nên cũng gọi là “tam môn”, tượng trưng “tam giải thoát môn”, tức “không môn”, “vô tướng môn”, “vô tác môn”.

Kiến trúc cung quán đạo giáo trở thành một phần quan trọng của văn hóa truyền thống. Có thể nói, những giá trị tâm linh và nghệ thuật của cung đạo quán là tồn tại vĩnh hằng.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: