Trở thành Tể tướng đầu tiên khi nhà Lê Trung Hưng trở về Kinh thành Thăng Long, Nguyễn Mậu Tuyên giúp nhà Lê ổn định Triều chính, tìm được bậc hiền tài.

Vị Tể tướng đứng đầu danh thần thời Lê Trung Hưng
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Dòng dõi khai quốc công thần

Nguyễn Mậu Tuyên sinh năm 1518 người làng Thịnh Mỹ, huyện Lôi Dương, nay thuộc xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân. Ông là hậu duệ đời thứ 5 của Thức Quốc công Nguyễn Nhữ Lãm – khai quốc công thần của nhà Lê.

Sinh ra trong gia đình có nhiều đời làm quan cho nhà Lê, Nguyễn Mậu Tuyên từ nhỏ đã thông minh, lại được chỉ dạy nghiêm khắc, vì thế mà nổi trội so với chúng bạn.

Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, truy bắt các trung thần của nhà Lê. Gia đình Nguyễn Mậu Tuyên phải bỏ trốn, Mậu Tuyên mới 9 tuổi được giao lại cho nhũ mẫu nhờ nuôi nấng. Sau đó Mậu Tuyên trốn về quê mẹ ở thôn Thiên Tôn, năm 11 tuổi thì về quê cha.

Khi nhà Lê Trung Hưng phát triển ở phương nam, năm 1549, Nguyễn Mậu Tuyên đến Thanh Hóa hành lễ với vua Lê Trang Tông và được Vua thu dùng, trở thành cận thần tham mưu cho Vua và Trịnh Kiểm, được Thái sư Trịnh Kiểm khen ngợi.

Năm 1554, Nguyễn Mậu Tuyên được Vua phong làm Hữu thị lang bộ Lại, tước Nhân nghĩa bá.

Tìm hậu duệ của nhà Lê

Có giai thoại lưu truyền trong dòng họ Nguyễn Mậu như sau. Năm 1556, vua Lê Trung Tông mất nhưng không có con nối dõi, chúa Trịnh Kiểm tìm dòng dõi hoảng thân quốc thích nhà Lê nhưng không có ai, hoàng thân nhà Lê đều ở Bắc Triều của nhà Mạc.

Bấy giờ Nguyễn Mậu Tuyên ở Yên Trường, vợ ông ở nhà nằm mộng thấy có người đến báo ngày mai sẽ có con cháu họ Lê tìm đến nhà. Tỉnh dậy bà cho là điềm may nên cho dọn dẹp nhà cửa để đón quý nhân.

Đợi từ sáng đến trưa thì có người quần áo tả tơi, lam lũ đến xin ăn. Nói rằng mình là người buôn bán, không may gặp tai nạn sông nước khiến gia tài mất hết.

Phu nhân liền hỏi chuyện ông ta thì thấy rằng đúng là con cháu họ Lê, vì thế mà cho người đến Yên Trường báo cho chồng biết.

Chúa Trịnh Kiểm cho xác minh thật rõ thì thấy rằng người này là hậu duệ 5 đời của Lê Trừ – anh trai của Thái Tổ Lê Lợi.

Triều đình liền làm lễ cáo yết trời đất, tôn người này lên ngôi Vua, hiệu là Lê Anh Tông. Nguyễn Mậu Tuyên phò tá cho vua Anh Tông, được Vua phong làm Hữu thị lang bộ Binh, tước Tường lân bá. Ông được cả vua Lê và Trịnh Kiểm xem trọng.

Chọn phò tá Trịnh Tùng đánh lui quân nhà Mạc

Năm 1570, Trịnh Kiểm mất, con trưởng là Trịnh Cối lên thay nắm giữ quân đội. Tuy nhiên Trịnh Cối lại nhanh chóng sa vào tửu sắc không chú ý quản lý quân, các tướng lĩnh nhiều người ủng hộ con thứ là Trịnh Tùng, trong đó có Nguyễn Mậu Tuyên.

Trịnh Cối đưa quân tiến đánh Trịnh Tùng, nhưng Trịnh Tùng đã chuẩn bị trước nên thủ vững chắc khiến Trịnh Cối không thể làm gì phải rút lui. Mạc Kính Điển nhân cơ hội này liền đưa quân nam tiến. Trịnh Cối bị kẹt giữa Trịnh Tùng và quân nhà Mạc, cuối cùng quyết định hàng nhà Mạc. Mạc Kính Điển đưa quân tấn công Trịnh Tùng.

Trịnh Tùng đốc thúc quân phòng ngự, cuối cùng đẩy lui được quân nhà Mạc. Đến năm 1572 xét phong thưởng, Nguyễn Mậu Tuyên được ban tước Hầu.

Năm 1593, Trịnh Tùng đánh đuổi được Mạc ở Thăng Long, Nguyễn Mậu Tuyên phò tá Vua về Thăng Long, ông được phong “Minh Nghĩa phụ hưng công thần”, giữ chức Thượng thư bộ Lại.

Giúp tìm được bậc hiền tài phụng sự Xã Tắc

Nhà Lê mới trở về Thăng Long, tình hình còn rất lộn xộn, vua Lê tin tưởng trao cho Nguyễn Mậu Tuyên giữ chức Tể tướng. Ông điều hành chính sự, giúp chúa Trịnh Tùng ổn định lại Kinh thành Thăng Long.

Năm 1595, Triều đình mở khoa thi hội cả nước, Vua tin tưởng giao cho Mậu Tuyên giữ quyển (tức trông coi khoa thi này). Ông cẩn thận đọc kỹ quyển thi, tuyển chọn được 6 người đỗ tiến sĩ, trong đó người đỗ đầu tức tiến sĩ đình nguyên là Nguyễn Thực, sau này trở thành trụ cột của nhà Lê, được phong làm Tể tướng. Tìm được người hiền tài giúp nước, ông được phong làm Quỳnh quận công.

Năm 1699, Nguyễn Mậu Tuyên mất thọ 82 tuổi.

Nhà sử học Phan Huy Chú có nhận xét về ông như sau:

“Nguyễn Mậu Tuyên là dòng dõi công thần, học vấn rộng rãi, chín chắn, phẩm hạnh thuần hậu, ông làm quan hơn 40 năm, hết lòng với Hoàng gia.

Ông giữ tiết kiên trinh, trải gian nan giúp nên bình định, dựng nên công lao sự nghiệp tốt đẹp. Về sau, ông giữ chức Tể tướng, là bậc nguyên lão cầm quyền chính, làm muôn phép cho trăm quan, đứng đầu danh thần đời Trung hưng, triều đình tặng cho ông chức Thiếu sư, ban tên thụy là Trung Cẩn”.

Triều đình sắc phong cho con cháu ông cùng dân làng lập đền thờ ông. Tiếc rằng sau đó đền thờ đã không còn, con cháu đưa ông đến phụng thờ tại đền thờ cụ tổ Nguyễn Nhữ Lãm. Đến nay đền thờ vẫn còn lưu giữ các sắc phong của các Triều đại cho Nguyễn Mậu Tuyên.

Vào ngày mùng 6 tháng giêng hàng năm, con cháu dòng họ Nguyễn Mậu tề tựu bên đền thờ tưởng nhớ tổ tiên. Đó cũng là ngày lễ trọng của dòng họ Nguyễn Mậu ở Thịnh Mỹ.

Trần Hưng

Xem thêm: