Người ta thường cho rằng “tam cung lục viện” của Hoàng đế đơn thuần là để thỏa mãn dục vọng cá nhân của bậc quân vương. Nhưng suy xét một cách toàn diện trên phương diện sử học, điều này không thực sự đúng.

Nguyên nhân Hoàng đế có "tam cung lục viện"
Tranh vẽ cảnh mùa xuân bên trong hậu cung của nhà Hán. (Tranh thời Minh, 1500-1550, Public Domain)

Bàn đến vấn đề này, trước tiên hãy thử so sánh nhà Hán và La Mã. Nhà Hán và La Mã là hai đế quốc tiêu biểu của văn minh nhân loại cổ đại và thường được giới sử học đưa ra khi so sánh văn minh phương Đông và phương Tây.

Năm 146 TCN, sau chiến tranh Macedonian lần thứ 4, La Mã trở thành một quốc gia rộng lớn trải dài từ châu Âu đến châu Á qua châu Phi, xưng bá Địa Trung Hải. Sau đó, trải qua các cuộc nội chiến liên tiếp, qua các thời kì Lucius Cornelius Sulla độc tài và Julius Caesar, cuối cùng La Mã trở thành đế quốc khổng lồ vào thời Hoàng đế Augustus.

Đế quốc La Mã và triều Hán có rất nhiều điểm tương đồng. Bên cạnh quân sự vô cùng hùng mạnh, 2 quốc gia này còn có điểm chung là nền văn minh, nghệ thuật và văn hóa rất phong phú. Ngoài ra, hai quốc gia cổ đại này đều có tập tục lấy người cha làm người đứng đầu gia tộc, có chế độ luật pháp tương đối hoàn chỉnh.

Tuy nhiên hai đế quốc này lại có một điểm khác biệt rất lớn, rất quan trọng. Khi lật trang sử La Mã, điều đầu tiên chúng ta cảm nhận được chính là các trận chiến đẫm máu. Đế quốc La Mã trường kỳ bị vây trong chiến loạn. Triều Hán cũng có chiến loạn, nhưng so sánh ra là ôn hòa và bình thản hơn. Triều đại này có chế độ xây dựng binh lính toàn diện, ngay cả con trai Tể tướng cũng phải tòng quân.

Vì sao người La Mã lại hay phát động chiến tranh như vậy? Đương nhiên có nguyên nhân là vì các cuộc xâm lược, nhưng nguyên nhân chủ yếu là vì đế quốc này không giải quyết được vần đề kế thừa Đế vị.

Trong lịch sử đế quốc La Mã, nhiều lần xảy ra chuyện vệ binh giết Hoàng đế, tùy ý ủng hộ lập tân Đế, hay người thừa kế không thể phục chúng, dẫn đến nội chiến. Vì vậy các bậc Đế vương thường nhận tướng lãnh hung hãn làm con nuôi để bình ổn quân đội hoặc xoa dịu sự bất mãn của tướng lãnh quân sự. Dần dà, đa phần chính quyền do kiêu binh hãn tướng thao túng, hoặc có thể chính Đế vương ham chiến, khiến La Mã tràn ngập sự cường liệt. Mỗi lần chính quyền thay thế thì càng khó tránh khỏi xuất hiện một trận phong ba, tranh chấp.

Ở phương Đông, nhà Hán và các triều đại sau đó giải quyết vấn đề kế vị như thế nào? Đó chính là dựa vào quy chế Đích trưởng tử (con trai cả) kế thừa được sáng lập vào đời Chu. Người Chu rất coi trọng việc tế tự đối với tổ tiên, người tế tổ phải là gia trưởng trong một gia tộc. Người kế thừa tế tự gọi là “đích xuất” (con trai cả của chính thê). Con trai cả của vợ bé thì gọi là “thứ xuất”. Nếu chính thê có con trai thì lập người này, nếu không có thì lập con trai của thiếp.

Cách kế vị này khiến xã hội không còn phân vân về người thừa kế, lại thêm sự phổ biến của Nho giáo với vấn đề chính danh, nên địa vị người thừa kế lại càng vững chắc hơn. Vì vậy trong quá trình truyền ngôi tương đối ít xảy ra nội loạn quy mô lớn, mà việc lập Thái tử sớm cũng có lợi cho chuyện rèn luyện bậc Đế vương tương lai.

Đích trưởng tử kế thừa là một quy chế hoàn chỉnh, giúp giữ gìn lễ tiết trật tự đích thứ. Nói chung, khi Hoàng đế có con nối dõi đầy đủ, quy chế này sẽ bảo đảm có người kế thừa vương vị. Nó cũng là một trong những điểm quan trọng duy trì một triều đại ở phương Đông.

Như vậy, nếu Hoàng đế đương triều khuyết thiếu con nối dõi thì sẽ như thế nào? Dù Hoàng đế có Hoàng hậu, lại có rất nhiều phi tần, nhưng thực tế chuyện khuyết thiếu con vẫn có thể xảy ra.

Cả nhà Đông Hán và Tây Hán đều diệt vong vì Hoàng đế không có con nối dõi. Thời Tây Hán, Hán Thành Đế nhiều năm không có con trai, người có mang với Hoàng đế thì bị Hoàng hậu diệt trừ, dẫn đến đoạn tử tuyệt tôn. Cuối đời Hán Thành Đế đành phải lập Lưu Hân (cháu trai) làm Thái tử. Tuy nhiên, sau khi kế vị trở thành Hán Ai Đế, Lưu Hân lại buông thả tửu sắc, còn loạn tính với nam giới. Đến năm 26 tuổi thì Lưu Hân qua đời mà không có con nối dõi, khiến Vương Mãng lộng quyền, cuối cùng soán ngôi.

Tình huống thời Đông Hán còn tệ hơn. Đây là triều đại có nhiều tiểu Hoàng đế nhất trong lịch sử Trung Hoa. Rất nhiều Hoàng đế chưa đầy 10 tuổi đã băng hà, người tại vị lâu dài nhất như Hán Hoàn Đế cũng không có con nối dõi. Vì thế, Đậu Hoàng hậu đành phải lập cháu 5 đời của Hán Chương Đế lên ngôi trở thành Hán Linh Đế. Vì tân đế còn nhỏ tuổi nên Hoàng hậu lâm triều nhiếp chính, từ đó ngoại thích nắm quyền hành. Sau khi Đậu Hoàng hậu rút lui, nhà mẹ ruột của Hán Linh Đế lộng hành, cuối cùng cũng là ngoại thích làm hỏng chính sự, đẩy Đông Hán vào con đường diệt vong.

Quy chế Đích trưởng tử thừa kế kỳ thực đã giúp giảm bớt nhiều nhiễu nhương cho quốc gia và cực khổ cho dân chúng. Mà để đảm bảo có đầy đủ “người ứng cử Hoàng đế” thì Hoàng đế phải có nhiều thê thiếp.

Hậu phi có phải là để thỏa mãn dục vọng của Hoàng đế? Kỳ thực không hẳn như thế, vì việc Hoàng đế sủng hạnh hậu phi nào cũng bị quản lý chặt chẽ. Ít nhất sử sách cho thấy Hoàng đế triều Minh và Thanh đều bị quản lý về phương diện này. Chẳng hạn Hoàng đế Khang Hy đã thiết lập “Kính sự đình”, lại cho thái giám ghi chép lại những lần sủng hạnh hậu phi của Hoàng đế. Điều này một mặt là bảo đảm hậu phi mang thai đúng con của Hoàng đế, mặt khác là để ước thúc Hoàng đế rằng việc phát tiết dục vọng của họ đều bị ghi chép lại. Nếu như mỗi lần sủng hạnh một ai đều bị ghi chép lại, thì về tinh thần mà nói, Hoàng đế cũng chịu một sự ước thúc vô hình.

Đương nhiên, Trung Hoa cũng có một số triều đại ở vào những thời kỳ nhất định xuất hiện sự hỗn loạn, Hoàng đế hoang dâm vô độ, nhưng phần lớn các triều đại, quy chế hậu cung là rất nghiêm cẩn.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: