Sách “Thượng Thư. Hồng phạm” viết về 5 loại phúc của con người gồm có: sống lâu, giàu có, mạnh khỏe bình an, đức tốt lâu dài, chết già. Trong đó, “sống lâu” được nhắc đến đầu tiên. Người xưa cho rằng sống lâu là có phúc, bởi vậy con cháu thường tổ chức mừng thọ cho người cao tuổi, hy vọng người bề trên có thể sống lâu khỏe mạnh, đồng thời nhắc nhở thế hệ sau phải hiếu thảo và kính trọng người già. Nhưng tổ chức mừng thọ cũng có những kiêng kỵ.

Những độ tuổi dân gian kiêng kỵ tổ chức mừng thọ
(Tranh minh họa: Public Domain)

Tuổi chưa đến 60 tuổi

Thời cổ đại, tuổi thọ trung bình của con người rất ngắn, cho nên có thể sống đến 60 tuổi thì đã được coi là sống lâu. Chính vì thế, 60 tuổi được xem là một điểm quan trọng của cuộc đời một người.

Hơn nữa, trong văn hóa truyền thống thì 60 năm là một hoa giáp, tên gọi các năm thời xưa chỉ có 60 cái tên, đại biểu cho một vòng luân hồi. Năm 60 tuổi là khởi đầu của thọ, nó được xưng là thọ đản và mỗi một năm sau đó thì đều là một thọ thần. Bởi vậy sinh nhật thì hàng năm đều có thể tổ chức nhưng chúc thọ thì phải đủ 60 tuổi mới được.

“Thượng thọ bách tuế, trung thọ bát thập, hạ thọ lục thập”, 100 tuổi thượng thọ, 80 tuổi trung thọ, 60 tuổi hạ thọ, tuổi thấp nhất để tổ chức chúc thọ là tuổi 60. Vì vậy, nếu một người sống chưa đến 60 tuổi thì không thể gọi là người già và đương nhiên sẽ chưa thể tổ chức mừng thọ được.

Tuổi 73 và tuổi 84

Sau 60 tuổi thì có hai tuổi đặc biệt là tuổi 73 và tuổi 84 mà người xưa kiêng dè. Đây là 2 tuổi kỵ húy. Điều này chủ yếu liên quan đến hai vị Thánh nhân thời cổ là Khổng Tử và Mạnh Tử. Khổng Tử mất năm 73 tuổi còn Mạnh Tử mất năm 84 tuổi.

Người xưa tôn sùng Nho giáo, cho rằng hai vị Thánh nhân mất ở tuổi đó, thì người bình thường lại càng khó khăn hơn. Vì vậy, tuổi 73 và 84 được coi là hai trở ngại mà người cao tuổi phải đối mặt. Chính vì vậy mà người dân quan niệm người già không nên tổ chức chúc thọ ở tuổi 73 và tuổi 84.

Hơn 90 tuổi

Hơn 90 tuổi thì không tổ chức mừng thọ, hoặc nếu có tổ chức thì cũng cần thận trọng, chủ yếu là vì có liên quan đến vấn đề sức khỏe. Người càng cao tuổi thì sức khỏe càng yếu, các chức năng của cơ thể đã lão hóa nhiều nên rất dễ dàng xảy ra các vấn đề về sức khỏe. Nếu như gia đình tổ chức mừng thọ, có rất nhiều con cháu, họ hàng làng xóm đến tụ họp chúc mừng sẽ khiến người già cảm thấy vui vẻ hưng phấn, thậm chí có phần xúc động quá mức. Hàng ngày người già sống trong yên tĩnh, không hoạt động quá nhiều quá mạnh nhưng một khi tổ chức mừng thọ có thể hoạt động nhiều hơn bình thường, điều này làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của người già.

Ngoài ra, tuổi già đến là đại biểu rằng người ta bắt đầu phải đối mặt với sự ra đi. Khi gia đình tổ chức mừng thọ càng náo nhiệt thì càng nhấn mạnh đến vấn đề tuổi tác và điều này có thể mang đến cho người già nỗi lo. Dường như việc chúc thọ là một lời nhắc nhở về tuổi tác đã cao đối với họ. Vì vậy nếu mừng thọ, thì chỉ cần để người già dùng bữa trong khung cảnh yên tĩnh cùng con cháu một cách giản dị và chu đáo là đủ.

Đối với con cháu thì việc ông bà cha mẹ sống khỏe mạnh, vui vẻ, hạnh phúc đã là phúc khí lớn nhất đối với con cháu rồi.

Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Ngưu Lan Khắc
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: