Những nơi chốn bình yên
- Mathilde Tuyết Trần
- •
Chạy trốn là phản xạ tự nhiên của các loài động vật để bảo vệ cái quý nhất của nó: mạng sống. Trong ba mươi sáu chước tẩu vi thượng sách, người xưa đã răn như thế, chạy trốn để bảo toàn tính mạng, mọi chuyện khác tính sau. Thế nhưng, có những người xông pha trận mạc chẳng thà hy sinh để bảo vệ điều quý nhất, còn quý hơn cả mạng sống một người. Có những người tự vẫn cho một lý tưởng cao đẹp, chống lại bất công. Có những người hy sinh mạng mình để cứu một người không quen biết…
Trong tình huống thông thường thì con người, dù có ý thức hay không có ý thức, đều chạy theo khả năng sinh tồn của mình. Những dòng người di cư chạy trốn chiến tranh, áp bức là những thí dụ điển hình. Họ đi đâu, thế giới có cưu mang họ không, hay họ chết giữa đường di tản, hay họ phải chịu đựng những khổ cực mới ở một nơi chốn mới. Tương lai là mù mịt, không biết ra sao, nhưng họ vẫn cứ đi, với một hy vọng duy nhất là tìm đường sống.
Sự bình yên của một xã hội, một đất nước toát ra từ những hình ảnh quảng bá về nơi ấy trên những tấm bưu thiếp, những hình ảnh đẹp đẽ trên mạng, trên báo chí, phim ảnh… gây ấn tượng trong vô thức của người xem.
Những nơi bình yên, có nhà cửa ngăn nắp, đường phố sạch sẽ, có hoa lá, có cây cỏ, có chó có mèo, có con người thân thiện hiền hòa, không có nhiều đổi thay, chứng tỏ một đời sống yên bình. Những nơi họp chợ đông vui, hoa trái thực phẩm đầy ắp, tôm cá nhảy đòng đỏng ra khỏi chậu…. chứng tỏ một đời sống đủ ăn cho mọi người.
Mà đời sống yên bình là gì? Đời sống yên bình là môi trường tối cần thiết để cho cá nhân phát triển, xã hội phát triển, đất nước phát triển. Ít có ai có thể phát triển được khi đời sống bị xáo trộn bởi chiến tranh, bởi nội loạn, bởi thất nghiệp dài hạn và sức khỏe dần dần lụn bại. Bởi thế, trong một xã hội, nếu không có kẻ thù trực tiếp, gián tiếp ngoài biên giới thì vấn đề tạo công ăn việc làm, đi song song với giáo dục và sức khỏe y tế cho dân chúng là ba cột trụ quan trọng nhất.
Tình trạng nước Pháp hiện nay đang là một thí dụ rõ nhất trong các vấn đề này. Không phải bắt con mèo bằng cái đuôi, tức là bắt người thất nghiệp phải tìm việc, hay bằng chính sách phát xít lao động cưỡng bách, bắt người nhận trợ cấp thất nghiệp phải lao động không công, thì có thể giải quyết được bế tắc trong xã hội. Đó không phải là những chính sách tạo ra sự bình yên trong xã hội, cũng như hàng loạt các biện pháp tăng thuế nhân danh điều nọ điều kia. Những chính sách tiêu cực và hủy diệt đó, được “bọc đường” trong những từ ngữ hoa mỹ, được viết bằng những luật lệ khó hiểu, chỉ là minh chứng cho một tầm nhìn rất giới hạn của người có chức có quyền.
Sức chịu đựng của một người khá lớn. Người ta có thể chịu đựng, vượt lên những cái khó của hoàn cảnh cá nhân như hôn nhân đổ vỡ, gia đình con cái xáo trộn, bệnh tật. Nhưng chính bởi vì, gia đình không chỉ là nhân tố tốt của xã hội thúc đẩy xã hội phát triển mà gia đình còn chịu áp lực ảnh hưởng của tập thể xã hội, nên mọi cải tổ cải cách, mọi chiều hướng phát triển chung đều ảnh hưởng đến sự phát triển riêng của gia đình. Thí dụ như vấn đề giải phóng tình dục đã tiến rất xa trong quan niệm cha mẹ đồng tính luyến ái được có con và nuôi dậy con, như vấn đề công nhận tiêu thụ ma túy tự do, mãi dâm được công nhận thành một nghề nghiệp của xã hội…
Cảm giác về sự bình yên là cảm giác hoàn toàn cá nhân, phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong một đôi vợ chồng, là dạng thái đoàn kết xã hội nhỏ nhất, đã có hai cảm giác về sự bình yên khác nhau. Người này thấy bình yên, người kia thì không, mà yếu tố bình yên của xã hội đè nặng nhất. Cái nhìn, cái đánh giá, cái cảm nhận của một người là nơi chốn mình sống có đem lại bình yên cho mình hay không tùy thuộc nhiều vào vốn sống, vào quan niệm đạo đức, chính trị và văn hóa của người ấy. Thí dụ một người sinh ra ở Pháp mà lại sống từ khi trưởng thành cho đến khi qua đời tại Đức, thì nước Đức đã đem lại cho người ấy cảm giác bình yên trong đời.
Bình yên trong đời không có nghĩa là bình yên tuyệt đối. Nếu có một tự do “tương đối” tức là có công ăn việc làm, tự do kết bạn, tự do kết hôn, tự do nghỉ ngơi, tự do giải trí, tự do di chuyển, du lịch, tự do lựa chọn chỗ ở , tự do chăm sóc sức khỏe, tự do dậy dỗ con cái,… có những thứ tự do cơ bản của đời sống, là có một cuộc đời bình yên ở một nơi chốn.
Trong thời đại toàn cầu hóa thì mỗi người dân của một quốc gia đều phải chịu sự kiểm soát vô hình vì lý do an ninh, thuế vụ tài chánh của quốc gia đó. Tùy theo áp lực đè nặng hay không của chính quyền sở tại thì người dân có cảm thấy một sự bình yên hay không phải là một nỗi đe dọa thường trực. Đây là một nguyên nhân sâu xa cho cuộc nổi dậy của những người áo khoác vàng, rõ ràng là họ cảm thấy đời sống mình bị đe dọa bởi những biện pháp tăng thuế, giảm lương hưu, mất sức mua, thất nghiệp lâu dài, tuổi trẻ không có tương lai, hệ thống y tế sức khỏe bị giảm thiểu bởi chính phủ đương nhiệm. Có thể nói, những cải tổ xã hội, nếu tốt thì đem lại phấn khởi, hưng chấn, nếu xấu thì đưa đến mất thăng bằng, mất bình yên của cuộc sống.
Việt Nam mới thoát ra khỏi chiến tranh 44 năm, thoát ra khỏi đói nghèo kể từ giai đoạn “đổi mới”, thời gian thực là còn ngắn, đất nước đang “vươn lên”, chừng ấy năm thanh bình, cũng phải trả giá bằng hai cuộc chiến tranh biên giới, người dân Việt đã có những cố gắng phi thường để dành cho mình có được bầu trời bình yên, mảnh đất bình yên. Người nước ngoài đến Việt Nam hôm nay, họ đều ngạc nhiên trước sức sống và sự hạnh phúc của dân Việt. Sống sao cũng được, sống ngày nay không lo ngày mai, hết sức tự do muốn làm gì thì làm, vật chất tiền bạc là quan trọng nhưng không bằng cái quan trọng của tinh thần, giúp đỡ nhau, từ bi bác ái, lá lành đùm lá rách,… cả xã hội như một tổ ong, tổ kiến, là những điều mà họ thấy tận mắt và cảm nhận được, như tình cảm hàng xóm láng giềng với nhau mà trong một xã hội phát triển như nước Pháp đã trở thành một điều quý hiếm. “Ở châu Âu nếu bạn có tiền thì bạn sống sướng… một mình”, thực tế nó là như thế.
Người Việt thành phố hay có những thông tin nhận định rất sai lầm về chính sách xã hội như lương hưu, bảo hiểm y tế ở các nước phát triển châu Âu: “Chính phủ nó lo cho hết !” và có những sự so đo, tị nạnh hoàn toàn không cân xứng với hoàn cảnh sống và làm việc. Ấy chết, nó không có lo hết cho đâu. Họ có tất cả luật lệ và hình phạt cần thiết để quản lý hành chính con ngưòi. Lương hưu chính mình cũng phải đóng khi làm việc và lương hưu tùy thuộc vào công việc của mình làm trong khoảng thời gian còn có khả năng lao động của đời mình, không làm việc thì không có lương hưu, bảo hiểm y tế mình cũng phải đóng suốt đời ngay cả khi về hưu, họ không có cho không mình một đồng nào cả, từ túi bên này chạy qua túi bên kia thôi. Lại còn phải tiếp tục đóng thuế trên lương hưu, vẫn được xem là thu nhập cá nhân nữa. Trợ cấp xã hội tối thiểu của họ, họ đều phân phát lại từ tiền thuế lấy của dân. Ăn bám vào họ thì họ chửi thẳng, chửi xéo, chửi đổng cho mà nghe. Người Đức có câu ngạn ngữ “Nhiều quá để mà chết, ít quá để mà sống” để chỉ mức độ trợ cấp xã hội. Thậm chí có nơi hành xử rất nhỏ nhen, viện đủ thứ cớ để cắt phần quà Giáng sinh của người già, phần quà lấy từ tiền đóng thuế của dân.
Người già 60, 70 tuổi còn phải đóng góp trả tiền nuôi cha mẹ già 80, 90 trong viện dưỡng lão hàng tháng từ lương hưu của mình, đó là luật pháp có án tòa. Có thể nói xã hội Pháp hiện nay được xây dựng trên mỗi một chữ: Trả tiền (payer): trả tiền các thứ thuế, trả tiền các thứ bảo hiểm, trả tiền nhà, trả tiền điện, trả tiền nước, trả tiền học, trả tiền ăn cho con, trả tiền nhà thương, trả tiền thuốc men, trả tiền xa lộ, trả tiền nhà băng, trả tiền mua sắm, trả tiền ăn uống, trả tiền xăng dầu, trả tiền sửa xe… đó là chưa kể đến những khoản phải chi tiêu đột xuất không tính trước… đối nghịch lại với vẻn vẹn một thu nhập của lương làm việc, hay lương hưu. Câu hỏi hàng ngày của vợ chồng hỏi nhau rằng anh/em đã trả tiền chưa…? (As-tu payé….?) nhiều khi dẫn đến thảm cảnh vì thiếu tiền cho đời sống hàng ngày. Khi chồng tôi còn đi làm việc, lắm khi tôi tái cả mặt vì cuối tháng anh ấy còn cần tiền để đổ xăng đi làm, lương tháng nào hết nhẵn tháng ấy là còn may không mắc nợ nhà băng phải trả tiền cả nợ lẫn tiền lời cắt cổ.
Cái tàn nhẫn, vô lương tâm, vô nhân đạo nhất mới đây là sự việc cắt giảm lương hưu, tăng mức bảo hiểm y tế cho người về hưu, điều này có nghĩa là tước đi cái gần đất xa trời yên bình của người già trên 65 tuổi, gây lo lắng, gây thêm tổn thương tinh thần, không để cho họ chết bình yên sau khi họ đã cống hiến trọn đời cho xã hội và giúp con, giúp cháu ở lại. Thống kê vào tháng 1/2019 của viện INSEE cho biết con số người già trên 65 tuổi là 13.413.347 người trên tổng số dân Pháp là 66.992.699 người, tức là chiếm tỷ lệ 20% dân số, trong thành phần dân số này phụ nữ chiếm 22,1% và đàn ông chiếm 17,9 %, tức là người góa chồng nhiều hơn. Người trẻ dưới 20 tuổi là 16.158.197 người, tức 24% dân số. Trong độ tuổi từ 20 đến 64 tuổi là 37.351.155 người, tức 56% dân số.
Xem như thế, có nơi nào của những thế giới xa hoa lộng lẫy nhất trong thế giới toàn cầu hóa ngày hôm nay lại bình yên để sống một đời và để chết một đời?
Mathilde Tuyết Trần
France 2019
Đăng lại từ mttuyet.wordpress.com
Mời độc giả ghé thăm
Xem thêm cùng tác giả:
Từ khóa Mathilde Tuyết Trần trợ cấp xã hội chính sách xã hội Bảo hiểm xã hội lương hưu