Trong cuốn “Nhẫn kinh” của tác giả Ngô Lượng triều Nguyên có ghi lại gần một trăm câu chuyện, là những ví dụ về chữ “Nhẫn” của những con người có thật, những danh nhân trong lịch sử. Đó cũng là những bài học để người đời sau hiểu hơn về chữ “Nhẫn” và cách đối nhân xử thế của người xưa. Dưới đây là câu chuyện về Phạm Thuần Nhân, một tể tướng nổi tiếng thời Bắc Tống, cũng là con trai của danh tướng Phạm Trọng Yêm trong lịch sử.

Phạm Thuần Nhân
(Tranh minh họa: Council Auction House, Public Domain)

Một người trẻ tuổi là họ hàng của Phạm Thuần Nhân từng đến thỉnh giáo ông về cách đối nhân xử thế. Phạm Thuần Nhân nói: “Duy kiệm khả dĩ trợ liêm, duy thứ khả dĩ thành đức”, nghĩa là chỉ có đơn giản tiết kiệm mới giúp con người giữ gìn được sự liêm khiết và chỉ có khoan thứ nhường nhịn mới giúp con người thành tựu được đạo đức. Người trẻ tuổi này sau đó đã viết lại câu nói của Phạm Thuần Nhân và dán ở một góc bàn học của mình, suốt đời tuân thủ theo lời giáo huấn ấy.

Phạm Thuần Nhân trong suốt cuộc đời đều chú ý tu thân dưỡng tính, đối với việc ăn uống cũng rất đơn giản, không cầu kỳ xét nét người làm. Mỗi lần từ phủ quan trở về nhà, ông liền thay bằng quần áo vải thô mộc như người dân thường thường mặc. Những điều này đã được ông dưỡng thành thói quen, từ khi còn trẻ đến lúc về già, từ khi làm quan nhỏ đến lúc làm quan lớn, ông đều làm như vậy.

Lúc Phạm Thuần Nhân bị giáng chức đến sinh sống ở Vĩnh Châu, ông đã dạy các con hàng ngày chăm chỉ đọc sách, tự mình giám sát đến nửa đêm mới nghỉ. Trong ba năm sinh sống ở Vĩnh Châu, tâm của ông luôn giữ được sự bình tĩnh, tường hòa, vui vẻ thoải mái. Có những người đã xúc phạm ông, thể hiện thái độ xem thường, không tôn kính ông đến mức người bình thường không thể chịu đựng được, nhưng Phạm Thuần Nhân trước sau đều không bị những điều đó dẫn động, không vì thế mà phiền não, càng không bao giờ ghi hận trong lòng.

Mỗi lần khi nói chuyện với khách tới chơi, chủ đề mà ông đàm luận đến đều là cách mà các bậc thánh hiền dùng để tu thân dưỡng tính ra sao, hay nội dung trong những cuốn sách y dược thời cổ, còn những câu chuyện đàm tiếu thị phi, oán trách thì một lời ông cũng không nói. Nhờ cách sống đó mà sắc khí và dáng vẻ của ông ngày càng khỏe mạnh và bình yên, giống như khi ông còn ở kinh đô.

Trong cuốn “Tống sử. Liệt truyện đệ thất thập tam” ghi lại, Phạm Thuần Nhân từng bị chuyển đến Tề Châu. Người dân Tề Châu rất hung hãn và cường bạo, bách tính tùy tiện trộm cắp cướp bóc. Có người cho rằng: “Loại tình huống này trừng trị nghiêm khắc còn khó có thể ngăn chặn được. Ngài dùng cách khoan thứ để đối đãi, e rằng sẽ có vô vàn sự tình.”

Phạm Thuần Nhân đáp: “Khoan dung xuất ra từ nhân tính, nếu như cực lực trừng trị thì không thể được lâu dài, nghiêm trị mà không thể được lâu dài, lại dùng cách ấy để quản lý dân chúng hung bạo thì chính là tạo cho dân chúng thói xảo trá ngoan cố”. 

Có một nha môn thường giam giữ đầy ắp tù nhân. Họ đều là những người tiểu thương vì phạm tội trộm cắp mà bị bắt nhốt. Phạm Thuần Nhân thấy vậy đã nói:Tại sao không cho những người này nộp tiền bảo lãnh?”

Thông phán đáp: “Những người này nếu được phóng thích ra ngoài sẽ lại tác loạn, nên quan phủ thường sẽ đợi họ chết trong tù vì bệnh tật, đó là cách để trừ hại cho người dân.”

Phạm Thuần Nhân nói: “Dựa theo pháp luật, tội của họ không phải tội chết nhưng lại bởi vì ý nguyện của quan phủ như thế mà giết chết họ. Đây lẽ nào là xử lý theo pháp luật sao?”

Sau đó, ông cho gọi tất cả những phạm nhân này ra trước sân nha môn, phê bình giáo dục để họ nhận ra cái sai của mình, quyết tâm sửa sai và làm một con người mới rồi phóng thích họ. Một năm sau, những vụ kiện về trộm cắp ở địa phương đã giảm hơn một nửa so với những năm trước đó.

Năm Nguyên Hữu thứ nhất, Phạm Thuần Nhân được thăng chức làm Lại bộ thượng thư, mấy ngày sau ông lại được làm Đồng tri xu mật viện sự. Ba năm sau, ông được bái làm Thượng thư Hữu bộc xạ kiêm Trung thư thị lang, tức là Hữu tể tướng. Trong thời gian nắm quyền chính, ông chú trọng mở rộng triển khai tâm ý của hoàng đế, lấy tấm lòng trung hậu, thành thật để thay đổi quan lại.

Về sau, Phạm Thuần Nhân xin về nghỉ ngơi vì có bệnh ở mắt. Ông qua đời trong một giấc ngủ, thọ 75 tuổi. Triều đình ban thưởng cho ông 30 lượng bạc, hạ lệnh cho quan viên Hứa Châu và Lạc Dương an táng ông. Ông cũng được tặng quan Khai phủ nghi đồng tam tư, thụy là Trung Tuyên, được Hoàng đế Tống Huy Tông viết dòng chữ trên bia: “Thế tể trung trực chi bia” (một đời trung thành chính trực).

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: