Phúc họa luân chuyển: Cổ nhân không coi trọng lợi ích trước mắt
- An Hòa
- •
Trong sách “Hoài Nam Tử”, tác giả Lưu An đã trích dẫn một câu trong “Đạo Đức Kinh”: “Sự vật trong thiên hạ có khi muốn đắc được kết quả lại là mất đi, có khi nhìn như mất đi nhưng kết quả lại là đạt được”. Cho nên, các bậc Thánh hiền thời cổ đại thường coi trọng hiệu quả tích lũy lâu dài chứ không chú trọng lợi ích được mất trước mắt.
Thời xưa, Tấn Lệ Công, vị vua thứ 29 của nước Tấn, đem binh đi đánh nước Sở ở phía nam, đánh nước Tề ở phía đông, đánh nước Tần ở phía tây và đánh nước Yên ở phía bắc. Ông tung hoành thiên hạ, không gì có thể cản trở được và cũng chưa bị thất bại.
Có thể nói nước Tấn lúc ấy uy chấn bốn phương, khiến cho các nước chư hầu khác sợ hãi. Tấn Lệ Công đã hội họp các nước chư hầu ở Gia Lăng, rất kiêu căng, ngạo mạn, ngông cuồng. Bấy giờ Tấn Lệ Công đối xử với dân chúng một cách hung ác và tàn nhẫn. Ở trong nước Tấn ông không có đại thần phụ tá khuyên nhủ, ở bên ngoài không có sự đồng thuận của chư hầu. Tấn Lệ Công còn giết chết trung thần, thân cận tiểu nhân nịnh bợ.
Bởi thế khi Tấn Lệ Công đến vùng đất của sủng thần để du ngoạn thì đã bị Đại phu Loan Thư và Tuân Yển bắt cóc, cầm tù. Lúc ấy, trong các nước chư hầu không có một ai đến để cứu Tấn Lệ Công, dân chúng khắp nơi cũng không có một ai đồng cảm với tình cảnh của ông ta. Sau 3 tháng bị giam cầm, cuối cùng Tấn Lệ Công bị giết chết.
Mỗi một lần đi chinh chiến đều giành thắng lợi, mỗi một đợt tấn công đều đánh gục đối phương, sau đó lại mở rộng được lãnh thổ, nâng cao danh vọng, đây chính là những lợi ích mà bá vương trong thiên hạ đều mong muốn. Nhưng Tấn Lệ Công lại vì những điều này mà vong thân. Đây chính là điều mà cổ nhân gọi là “Ích chi nhi tổn”, có những sự việc như thể là đem lại lợi ích cho chúng ta nhưng kết quả lại là làm tổn hại chúng ta, thậm chí còn hại đến cả sinh mạng.
Thời Xuân Thu Chiến quốc, Tôn Thúc Ngao làm lệnh doãn nước Sở lập nhiều công lao, khiến nước Sở trở nên giàu mạnh. Khi còn sống, Sở Vương nhiều lần muốn ban thưởng cho Tôn Thúc Ngao những chỗ ruộng đất phì nhiêu nhưng ông một mực không nhận. Ông cho rằng, khi ông chết đi, thế nào Sở Vương cũng sẽ ban đất đai cho các con của mình. Vì thế, trước khi mất, Tôn Thúc Ngao đã dặn dò các con rằng nếu bị buộc phải nhận thì các con hãy xin Sở Vương ban cho mảnh đất Tẩm Khâu. Nơi đó là đất khô cằn hoang sơ, lại nằm giữa biên giới Sở – Việt nên chẳng ai thèm dòm ngó đến.
Theo luật lệ của nước Sở, phong lộc của công thần mà truyền đến đời sau thì phải bị thu hồi lại. Chẳng ngờ sau này, duy chỉ có nhà Tôn Thúc Ngao là phong lộc vẫn còn nguyên vẹn, truyền lại các đời sau. Đây chính là điều cổ nhân gọi là “Tổn chi nhi ích”, có những sự tình nhìn như là mất đi nhưng kết quả lại là đạt được.
Khi Khổng Tử đọc được quái từ của Quẻ tổn và Quẻ ích trong “Dịch” đã không khỏi thở dài mà thán rằng: “Ích tổn giả, kì vương giả chi sự dữ!”, nghĩa là hiểu được mối quan hệ giữa được và mất, đó phải là việc của những vị quân vương thực hành vương đạo. Lợi và hại có thể chuyển hóa thành hai chiều trái ngược nhau và biến hóa liên tục, nguyên do của họa và phúc không thể không phân biệt rõ ràng. Một người bình thường chỉ có thể biết lợi là lợi, hại là hại, hoặc tính trước một vài bước, nhưng bậc Thánh nhân hiểu được huyền cơ đằng sau, lại biết được hại có thể chuyển hóa thành lợi, lợi có thể chuyển hóa thành hại. Do đó bậc Thánh nhân làm việc khác với người thường.
Tục ngữ nói: “Cây mà một năm hai lần ra trái thì chắc chắn sẽ hỏng rễ, kẻ nào trộm mộ người ta mà được của cải thì cũng sẽ chuốc lấy tai họa”. Đây chính là tham lợi nhiều sẽ phải chịu hại lớn. Con người hiện đại ngày nay dường như rất sòng phẳng. Bảo một người làm một việc nào đó, người ấy nhất định phải hỏi lợi ích trước mắt thế nào. Hễ nơi nào “văn minh vật chất” tràn tới, thì tất cả đều lấy lợi ích hiện thực làm tiêu chuẩn để đánh giá tốt xấu. Không có lợi ích rõ ràng, thì có đáng làm không? Hết thảy đều là thiển cận như vậy! Điều này trái ngược hẳn với người xưa, không nhìn vào cái lợi trước mắt mà thường chỉ nói đến phúc lành. Người có thể tích đức làm việc thiện, thuận Thiên đạo nhất định sẽ được Trời bảo hộ. Đây chẳng phải là lợi ích lâu dài, là phúc lộc hay sao?
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời quý vị xem video: Vì sao khi Đức Phật tại thế không có tượng Phật, chùa chiền, kinh sách?
Từ khóa lợi hại phúc họa Hoài Nam Tử