Tết sẽ hết khi nào nhỉ? Câu hỏi ấy có khi thật tầm phào đối với người lớn, nhưng với đứa trẻ 7-8 tuổi trong tôi ngày ấy, nó thật mông lung. Không phải khi mẹ kéo cánh cửa sắt, dồn số bụi rác, vỏ hạt dưa, hạt bí của 3 ngày tết vào gầu hót đi đổ là hết Tết. Tết chẳng thể nào hết một cách đơn giản như thế.

Hay đến ngày 5, ngày 6, đi học lại là hết Tết? Tựa như tiếng thở phào của người lớn hôm nay: “Vậy là xong Tết” vào cái ngày hóa vàng sau hơn một tuần vừa làm việc, mua bán, lại sửa soạn nhà cửa, làm cơm cúng mỗi ngày. Không, thế giới của trẻ con không nhỏ bé như vậy đâu. Thế giới ấy vẫn còn Tết cả khi chúng bạn đã đầy tràn trong lớp, cô ở trên đã giảng, bọn trẻ con ngồi dưới vẫn sột soạt những phong bao lì xì phồng phồng những tờ xanh, đỏ bên trong. Là giờ ra chơi, mấy đứa móc túi áo lộn túi quần chia nhau nắm hạt dưa màu đỏ. Con đường tan học về nhảy chân sáo còn nhặt được nụ đào chúm đỏ chưa kịp nở rơi lại bên đường.

Tết là mỗi sáng thức dậy, tiếng bước chân bố vội vàng, tiếng mẹ í ơi, mùi bánh chưng thơm om nhà. Không phải bánh chưng cắt miếng rồi rán hai mặt như ở trường vẫn bán. Bánh chưng của mẹ là bánh chưng rán lột vỏ, phần gạo nếp rán hết thì tới phần nhân cũng được rán béo ngậy để bên.

Tết sẽ hết khi nào nhỉ?
(Ảnh: Tác giả cung cấp)

Ngày ấy, bếp than tổ ong là sang lắm. Mỗi nhà vẫn dùng than bùn, có xe ngựa chở than đến, người bán đong thúng mà đội vào. Mẹ dùng cái bay xắn từng cục than bằng nắm tay bỏ vào lò. Bếp lò ấy muốn nhóm cho hồng cũng mất độ nửa giờ. Rồi dùng càng lâu thì càng mau tàn, phải thêm than. Nhưng mẹ chẳng tiếc than, lúc nào cũng “chơi lớn”, rán bánh chưng lột vỏ cho cả nhà ăn. Mấy bố con đứng ngồi xếp hàng, mẹ lột xong lại cầm đĩa bánh nóng hổi ra chia vào đĩa cho từng người. Tết ấy, chẳng phải chỉ ở miếng bánh rán giòn. Mà là cảnh đầm ấm tự con thấy chẳng nhà nào bằng…

Rồi Tết là mưa xuân. Chuỗi ngày đi bộ tới trường là hạt mưa rơi trắng đầu. Hạt lấm tấm đậu trên tóc, mình thấy đẹp như châu sa, mẹ lại bảo dễ sinh… chấy. Mưa lạnh, rồi nồm. Mẹ giặt quần áo xong lại đi lau cái nền nhà sũng nước. Nhà ai sang sẽ có nền gạch bông. Nhà kém sang thì nền xi măng láng bóng kẻ chỉ giả gạch. Nhưng chung quy thì nền nào cũng đầy nước. Mấy cô sang nhà thường hay so nhà chị khô hơn, nhà em ướt lắm. Tết lúc này là đượm mùi bánh… mốc.

Giờ lớn rồi, tiếp xúc tây ta, đọc sách đọc báo nên về bảo mẹ ăn bánh mốc sinh ung thư. Nhưng ngày ấy và cả bây giờ, tôi tin nhiều nhà vẫn giữ thói quen cắt góc bánh mốc rồi đem rán. Gạo mà, hạt ngọc mà. Hơn nữa bánh chưng lại đầy hạt ngọc đến thế. Nhìn miếng bánh chưng bị để tới mốc xanh mốc đỏ không thể cứu được nữa, ai cũng sẽ chau mày. Bánh chưng mốc thì bóc lá, dùng dao gọt, rồi lại rán lột vỏ kiểu của mẹ vẫn ngon như thường. Lúc này, miếng vỏ bánh giòn có thêm vị chua nhẹ, đủ để nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ tới chục ngày ra Giêng tan học nhảy chân sáo vào nhà mẹ vẫn đón bằng đĩa bánh chiều.

Cũng như đông khi nào đã hết, xuân đến khi nào, tôi chẳng bao giờ thật sự biết Tết đã qua khi nào. Xuân đã đến thật chưa, khi cái lạnh cứ dai dẳng, nhói lên khi đầu ngón tay, đầu ngón chân cước đỏ căng tức. Lộc lá đã nảy, mưa bay bay rọi vào mặt khi chiều tan tầm về, lại tí tách thành giọt gianh đầu hồi những đêm ngồi gõ máy tính ngủ muộn. Hay khi hạt nước nồm đọng thành dòng, nổi thành giọt trên tường, nhưng căn phòng trọ im ắng quá mỗi khi mở cửa đi về. Ấy phải chăng là khi Tết thực sự đã hết?

Thật dễ để biết khi nào Tết đến, mà thật khó để bằng lòng rằng nó đã qua. Dành cho mẹ mấy đồng, mẹ lại tất tả gói đủ rau củ, giò lụa, giò bò, bánh chưng… cho mấy đứa. Vẫn những lời mấy đứa đã thuộc từ lâu: “Cầm đi mà ăn, ở nhà bố mẹ ăn chán rồi”…

Tết sẽ hết khi nào nhỉ?
(Ảnh: Tác giả cung cấp)

Nghinh Xuân

Xem thêm:

Mời xem video: