Những người có tu dưỡng sẽ dùng trí tuệ để xử lý việc của bản thân mình, đồng thời cũng sẽ đứng ở góc độ của người khác để suy nghĩ, tôn trọng người khác. Tu dưỡng và bằng cấp, tài phú, địa vị là không có quan hệ. Nhưng tu dưỡng lại có quan hệ với việc chúng ta có vị tha, có nghĩ tới người khác hay không. Tuy nhiên lý niệm về lòng vị tha này cũng được hiểu theo những cách khác nhau.

Thử tìm hiểu cách nhìn nhận về lòng vị tha của một triết gia cổ đại
(Tranh minh họa qua Aboluowang.com)

Trong cuốn “Liệt tử” có ghi chép cuộc đối thoại giữa Cầm Tử, học trò của Mặc Tử và Dương Chu, một triết gia thời Chiến Quốc.

Cầm Tử hỏi Dương Chu: Nhổ một sợi lông trên người tiên sinh để cứu vớt thế đạo thiên hạ này, tiên sinh có làm hay không?”

Dương Chu nói: “Thế đạo thiên hạ này, làm sao mà một sợi lông có thể cứu vớt được?”

Cầm Tử lại nói: “Nếu như có thể, tiên sinh có sẵn lòng nhổ một sợi lông của mình không?”

Dương Chu nghe xong, tỏ ý vẫn là sẽ không nhổ. Ông nói: “Người thời cổ, nhổ một sợi lông để làm lợi cho thiên hạ cũng sẽ không nhổ. Mà có dùng cả thiên hạ để cung phụng một người thì cũng không nguyện ý. Nếu mọi người đều có thể trân quý sinh mệnh của chính mình, không làm tổn thất một sợi lông, mọi người đều không cần bị hy sinh để làm lợi cho thiên hạ, thì thiên hạ sẽ được yên ổn thái bình”. 

Theo cách nhìn của Dương Chu, việc hy sinh cá nhân để thoả mãn xã hội là không đúng, mà hy sinh xã hội để thoả mãn cá nhân cũng là không đúng. Có thể thấy Dương Chu mong muốn ai cũng nên thể làm tổn hại ai. Suy rộng ra đến việc trị quốc, chính là không nên hễ động một chút là lấy danh nghĩa “thiên hạ” để tùy ý xâm phạm và cướp đoạt quyền lợi của dân chúng. Cách nhìn nhận về lòng vị tha này thoạt nghe có vẻ “ngược”, nhưng suy ngẫm kỹ thì lại rất có đạo lý, rất mang màu sắc của Lão Tử.

Dương Chu là một triết học gia và tư tưởng gia nổi tiếng của nước Ngụy thời kỳ Chiến Quốc. Ông phát dương tư tưởng quý thân phòng hoạn của Lão Tử, nói về “quý sinh”, chính là coi trọng giá trị tồn tại của sinh mệnh. Tư tưởng của ông vào thời đầu Chiến Quốc có một dạo rất thịnh hành, cùng với Nho, Mặc hình thành hình thế chân vạc.

Học thuyết của Dương Chu ở thời Chiến Quốc là khác biệt với tư tưởng “Kiêm ái” của Mặc Tử. Mạnh Tử từng viết: “Lời trong thiên hạ, nếu không là của Dương Chu thì là của Mặc Tử”. Những người đi học đương thời phân làm hai phái, không theo học Dương Chu thì theo học Mặc Tử, có thể thấy sức ảnh hưởng của Dương Chu lúc bấy giờ.

Nhưng Mạnh Tử không đồng ý với lập luận của Dương Chu, ông nói: “Dương Tử ‘vị ngã’, nhổ một sợi lông mà làm được lợi cho thiên hạ, cũng không làm”. Mạnh Tử thuộc về Nho gia, tôn sùng Khổng Tử. Khổng Tử cả đời đi du thuyết thiên hạ, truyền đạo lý, dạy học trò, hy sinh bản thân. Do đó Mạnh Tử không đồng ý với Dương Chu.

Tất nhiên, Đạo gia và Nho gia là khác biệt. Đạo Đức Kinh của Lão Tử và Ngũ Kinh của Khổng Tử bàn đạo lý cũng là có nhiều chỗ bất đồng. Nhưng xét đến cao thâm hơn thì mục đích cuối cùng lại có rất nhiều điểm chung.

Nhân sinh khổ đoản, phải quý trọng sinh mệnh. Lấy nhân sinh hữu hạn để theo đuổi những thứ hư vô không thật thì sẽ chỉ khiến con người rơi vào vực thẳm và mất đi giá trị sinh mệnh mà thôi. “Thân phi ngã hữu” (thân không phải của ta), “Vật phi ngã hữu” (vật không phải của ta) là nhận thức của Dương Chu sau khi có được cái nhìn sâu sắc về sinh mệnh. Con người sống trên đời, nghèo hèn phú quý, sinh lão bệnh tử cũng là điều mà bản thân không chi phối được, cho nên phải quý trọng sinh mệnh, không nên truy đuổi những vật ngoại thân. Theo con đường này mà tiến bước thì khi đến cảnh giới rất cao cũng sẽ đạt được lòng vị tha theo một cách khác.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: