Người thợ làm nhà thời xưa có một câu nói rằng: “Đo lỗ trước, chỉnh mộng sau”. Mộng vốn là đầu gỗ được đẽo vừa vặn để lắp vào một lỗ đục ở miếng gỗ khác. Nhờ kỹ thuật ghép mộng gỗ với độ chính xác cao này mà rất nhiều vật dụng và kiến trúc gỗ của người xưa không cần sử dụng đinh, keo gắn mà vẫn bền chắc theo thời gian. Người thợ mộc nếu như không biết kích cỡ lỗ là như thế nào mà đã làm mộng thì chắc chắn là không thể làm được đồ vật có kết cấu vững chắc. Trong xử thế, người thông hiểu sẽ tùy từng hoàn cảnh mà linh hoạt biến đổi, không nhất thiết là cố định. Đối với những sự tình không thông, người trí tuệ sẽ thuyết phục bằng phương thức phù hợp mà vẫn không phương hại đạo nghĩa.

Trí tuệ cổ nhân: "Đo lỗ trước, chỉnh mộng sau"
(Tranh minh họa: Thế kỷ 17, National Trust photo, Public Domain)

Sách “Hoài Nam Tử” viết rằng: “Trí giả li lộ nhi đắc đạo, ngu giả thủ đạo nhi thất lộ”, người trí tuệ rời khỏi đường bị tắc nghẽn mà chọn đi trên con đường phù hợp, người ngu xuẩn ôm giữ không buông, cuối cùng lại mất đi con đường phía trước.

Chuyện kể rằng vua nước Lỗ là Lỗ Ai Công muốn mở rộng hành cung về phía tây. Các quan cực lực can ngăn, cho rằng xây dựng thêm nhà cửa ở phía tây là trái lễ nghi, xây xong sẽ làm tổn hại vương quốc. Lỗ Ai Công tức giận không theo, quan lại khuyên can đều không được.

Về sau Lỗ Ai Công mang chuyện này đến hỏi Thái phó Tể Chiết Tuy. Tể Chiết Tuy đáp: “Thiên hạ có ba chuyện không may mắn, nhưng việc mở rộng và xây dựng nhà cửa về phía tây không nằm trong số ấy”.

Lỗ Ai Công nghe xong vô cùng cao hứng, vui mừng lộ rõ trên nét mặt. Một lát sau, Lỗ Ai Công lại tiếp tục hỏi: “Vậy ba chuyện không may mắn ấy là gì?”

Tể Chiết Tuy đáp: “Không chiểu theo lễ nghĩa mà làm là việc không may mắn thứ nhất. Truy cầu ham dục một cách không có chừng mực là việc không may mắn thứ hai. Không nghe các hạ thần trung thành cực lực đưa ra lời can gián là việc không may mắn thứ ba”.

Lỗ Ai Công nghe xong liền ngồi im lặng trầm tư, cuối cùng quyết định đình chỉ việc xây dựng.

Có một số người mà càng cố khuyên can mạnh mẽ, họ càng không tiếp thu. Nhưng nếu như có thể chọn phương thức phù hợp thì sẽ lại dễ dàng làm họ tỉnh ngộ chỉ bằng một hai câu nói.

Có một câu chuyện ngụ ngôn vui thế này. Một lần Khổng Tử đi chu du thì con ngựa của ông chạy vào ruộng hoa màu của người dân địa phương. Chủ nhân của mảnh ruộng kia rất phẫn nộ, bắt con ngựa lại coi như bồi thường. Khổng Tử phái Tử Cống đến chỗ người nông dân kia xin thả ngựa. Mặc dù Tử Cống nói rất nhiều lời đạo lý cao xa với một thái độ rất cung kính nhưng cũng không thể khiến người nông dân trả lại. Không còn cách nào, Tử Cống đành quay trở về bẩm báo với Khổng Tử.

Khổng Tử đã nói: “Dùng những lời người ta không hiểu đi thuyết phục người ta thì chẳng phải giống như dùng tế phẩm để chiêu đãi dã thú, dùng cổ nhạc đi lấy lòng chim muông. Ngựa không được thả là lỗi của ta, không phải lỗi của chủ ruộng”.

Thế là Khổng Tử lại phái người coi ngựa đến giảng giải. Người coi ngựa đến nói: “Ông chưa từng đến vùng Đông Hải xa xôi để trồng trọt, tôi cũng chưa từng đến Tây Hải đi dạo. Cũng như thế, ngựa nhà tôi làm sao biết đây là ruộng nhà ông mà không phải là ruộng nhà tôi?”

Người nông dân cho là phải, vui vẻ cởi dây buộc ngựa, trả ngựa lại cho người coi ngựa.

Có những khúc cổ nhạc mà bậc thánh hiền cho là hay nhưng lại có người lại cho rằng không hay bằng những nhạc khúc hiện đại. Đó không phải bởi vì người đàn hát không hay mà là khả năng thưởng thức của người nghe là khác nhau, đối tượng nghe cũng khác nhau. Có những sự tình khi xảy ra, dùng lời nói khéo léo tinh tế chưa chắc đã hữu dụng bằng những lời chân thật vụng về. Cũng có những sự tình tất phải dùng lời khéo léo tinh tế, không thể nào vụng về nóng ruột được. Vậy nên “Đo lỗ trước, chỉnh mộng sau” chính là một đạo lý xử thế.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: Trí tuệ cổ nhân: Có 4 điều cần kính sợ trong đời