Người xưa kết giao rất trọng nghĩa khí. Khi đã nghĩa khí tương đầu, kết làm huynh đệ thì lúc gặp nguy hiểm, người ta đều nguyện chết vì nhau, sự khảng khái đó khiến trời đất và hậu thế cảm động. Đây chính là hoạn nạn thấy chân tình.

Trí tuệ cổ nhân: Hoạn nạn thấy chân tình
(Tranh minh họa: Họa sĩ Cừu Anh thời Minh, Public Domain)

“Nhân sinh tự cổ thùy vô tử, lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh”, đời người có ai mà không chết, chỉ nguyện lưu lại tấm lòng son soi rọi sử xanh. Đây là câu thơ được Văn Thiên Tường viết ra từ trong lao ngục thể hiện khí tiết bất khuất, đạo đức cao thượng, cuối cùng lấy cái chết để thể hiện nghĩa khí. Ngay cả khi bị chết bi thảm, xương cốt của Văn Thiên Tường cũng không thể được “lá rụng về cội” vì không ai dám đến nhặt xác cho ông. Đối với cổ nhân mà nói, đây là một điều vô cùng thương tâm. Nhưng ngay dưới tình cảnh nguy hiểm ấy, một người bạn của Văn Thiên Tường là Trương Thiên Tái đã bất chấp hiểm nguy mà đến nhặt xác về an táng. Câu chuyện tình bạn giữa Trương Thiên Tái và Văn Thiên tường thực sự khiến người ta phải cảm động, ngưỡng mộ. Một người nêu bật cái nghĩa khí trung trinh, một người lại nêu bật nghĩa khí kết giao huynh đệ. Đúng như cổ nhân nói: “Hoạn nạn thấy chân tình”, khi hoạn nạn mới thấy được tấm lòng thật của nhau. 

Trương Thiên Tái, tự là Nghị Phủ, hiệu là Nhất Ngạc, là người triều đại Nam Tống. Ông và Văn Thiên Tường không chỉ là bạn bè đồng hương mà ngay từ nhỏ đã là bạn cùng học, được thầy giáo gọi là “Song bích”. Nhưng vận khí của Trương Thiên Tái không được tốt. Văn Thiên Tường đỗ trạng nguyên được thăng chức rất nhanh, khi ông làm đến Thừa tướng Nam Tống thì Trương Thiên Tái vẫn chỉ là một cử nhân.

Văn Thiên Tường biết được tài năng của bạn học nên đã nhiều lần mời Trương Thiên Tái ra làm quan. Nhưng Trương Thiên Tái có lòng tự trọng rất cao, trước sau đều không gặp lại Văn Thiên Tường. Ông lựa chọn ở nhà cày cấy, đọc sách, sống cuộc sống thanh bần đạo hạnh, từ đầu đến cuối đều không ra làm quan.

Năm 1278, Văn Thiên Tường dẫn quân Tống chống lại quân Nguyên Mông bị thất bại. Văn Thiên Tường bị bắt, bị quân Nguyên áp giải về kinh đô. Trương Thiên Tái nghe tin bạn gặp nguy, liền lập tức bán gia sản lấy tiền và chờ đợi Văn Thiên Tường bị áp giải qua quê ông. Khi gặp Văn Thiên Tường ở dưới thành Cát Châu, Trương Thiên Tái nói: “Thừa tướng! Ngài đến Yên Kinh, Trương Thiên Tái tôi cũng theo ngài!”. Trương Thiên Tái đã thỉnh cầu được đi cùng Văn Thiên Tường để chăm sóc cuộc sống hàng ngày cho bạn mình. Thống soái của quân Nguyên vì ngưỡng mộ thái độ làm người của Văn Thiên Tường nên đã đồng ý để Trương Thiên Tái đi theo cùng.

Dọc đường đi, Trương Thiên Tái mỗi ngày đều chăm sóc cho Văn Thiên Tường, từ việc rửa mặt, xúc cơm giống như một người hầu thực sự. Sau khi Văn Thiên Tường bị áp giải đến đại lao ở phương bắc, Trương Thiên Tái liền đến sống ở khu vực gần đại lao, mỗi ngày đều cung cấp đồ ăn cho Văn Thiên Tường. Trương Thiên Tái làm việc đó suốt khoảng thời gian ba năm mà không có gián đoạn nào. Trong khoảng thời gian này, ông còn mạo hiểm tính mạng mang những bài thơ, bài văn do Văn Thiên Tường viết ở trong tù truyền ra ngoài, trong số đó có bài “Chính khí ca” được thế hệ sau ngưỡng mộ và lưu truyền rộng rãi.

Trương Thiên Tái đã tiêu hao hết tài sản, chịu nóng chịu lạnh, tận tâm tận sức giúp Văn Thiên Tường trong suốt ba năm cho đến khi Văn Thiên Tường bị Hốt Tất Liệt hạ lệnh xử quyết. Vào ngày Văn Thiên Tường bị giết, Trương Thiên Tái đã mạo hiểm lấy trộm thi thể Văn Thiên Tường đem giấu đi, sau đó an táng. Đồng thời, Trương Thiên Tái cũng tìm thấy thi thể của Văn phu nhân Âu Dương thị, người đã tự sát trong doanh trại tù binh. Sau khi hỏa táng, ông liền mang những kỷ vật và những bản thảo của Văn Thiên Tường khi còn sống và cả tro cốt của hai người họ giao lại cho người nhà của bạn mình.

Người đời sau đem câu chuyện trọng tình trọng nghĩa của Trương Thiên Tái đối với Văn Thiên Tường truyền tụng lại, gọi là “Sinh tử giao tình, Thiên Tái nhất ngạc”, ý nói tình bạn chân thành có thể vì đối phương mà không tiếc nguy hiểm mạng sống. Văn Thiên Tường truyền lưu lại cho hậu thế khí tiết kiên trung bất khuất, còn Trương Thiên Tái lại truyền cho người đời một tấm chân tình cao thượng và hiếm có.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: