Triết gia nổi tiếng thời Tiên Tần, Tuân Tử, sinh ra ở nước Triệu vào cuối thời Chiến Quốc. Ông kế thừa học thuyết Nho gia, nhưng khác biệt với Mạnh Tử bàn về mặt thiện của con người, Tuân Tử nói nhiều hơn về mặt ác của con người. Nhưng Tuân Tử nói về mặt ác này cũng là để người ta nhận ra, mục đích cuối cùng vẫn đạt được khuyến thiện, dựa vào đó mà hình thành nên những tư tưởng giáo dục độc đáo của mình.

Ví như, Tuân Tử nói: Học tập phải lấy thánh vương làm gương, người nỗ lực hướng tới mục tiêu này là “sĩ”, tiếp cận gần mục tiêu này thì là “quân tử”, đạt được mục tiêu này thì chính là “Thánh nhân”. Tuân Tử tập trung vào “long lễ”, “trọng pháp”, phải coi trọng tác dụng của lễ trong giáo dục. Người vô lễ là người không được giáo dục, là người không có giáo dưỡng. Dưới đây là một số điểm giáo dưỡng cần có mà Tuân Tử nhắc tới.

Tuân Tử: Tám điểm giáo dưỡng căn bản của một người
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

1. Không trút giận lên người khác

Tuân Tử nói: “Khoái khoái nhi vong giả, nộ dã”. Phát tiết cảm xúc phẫn nộ tuy rằng có thể nhất thời khiến tâm trạng thoải mái nhưng lại gây hại. Tìm kiếm niềm vui nhất thời và trút nỗi lòng của mình lên người khác là lợi dụng lòng bao dung của người khác để đạt được niềm vui cho riêng mình. Nhìn giống như là một sự giải tỏa cảm xúc nhưng nó không chỉ làm tổn thương những người bao dung chúng ta mà còn khiến khả năng tự chủ của bản thân ngày càng yếu đi, hành vi cũng ngày càng dễ bị cảm xúc chi phối. Phóng túng phẫn nộ, nhẹ thì có thể gây ra cãi vã rắc rối, nặng sẽ gây ra tội lỗi.

Lựa chọn phương thức biểu đạt cảm xúc sao cho phù hợp, thỏa đáng là một điều cần phải học.

2. Không quá khắt khe, hà khắc

Tuân Tử nói: “Sát sát nhi tàn giả, kĩ dã”, người nhìn thấy quá rõ có thể sẽ làm tổn thương người khác cũng có thể làm tổn thương chính mình. Nhìn thấu mọi việc, có thể nhìn rõ ưu khuyết điểm thiện ác của người khác đương nhiên là không có gì đáng chê trách. Chỉ ra chỗ thiếu sót một cách thỏa đáng sẽ khiến người ta vui lòng phục tùng. Nhưng tính toán chi li, chỉ trích nặng nề người khác thì chỉ là tạo ra niềm vui bới móc lỗi lầm dựa trên sự tổn hại đến lòng tự trọng của người khác.

Tục ngữ nói: “Nước quá trong thì không có cá, người quá xét nét thì không có bạn đồng hành”, người khắc nghiệt thì luôn sẽ không có người muốn kết giao. Giữa bạn bè là như vậy, giữa người thân trong gia đình lại càng là như vậy. Giữa cha con không nên thường xuyên có sự trách móc, giữa vợ chồng nên ít có đúng sai. Một mối quan hệ tốt đẹp cần được tưới mát bằng tình yêu thương và chăm sóc bằng thiện ý. Đúng sai đôi khi cũng không quá quan trọng. Hồ đồ một chút sẽ khiến mối quan hệ giữa người và người thêm ấm áp, dễ chịu.

3. Không phô trương

Tuân Tử nói: “Bác nhi cùng giả, tí dã”, dùng học vấn rộng để lấn át người khác thì thực chất là thể hiện sự thiếu giáo dưỡng của bản thân. Người dùng tri thức làm vũ khí tranh cường háo thắng, dùng tri thức uyên bác để phá hủy người khác, chọc vào nỗi đau của người khác nhằm đạt được cảm giác vượt trội hơn người thì những người đó không phải là người thực sự học sâu biết rộng.

Người quân tử hiểu sâu biết rộng là người có tri thức hiểu lễ nghĩa, ôn tồn lễ độ, biết khoan dung và biết lắng nghe. Trí tuệ thật sự đến từ sự quan sát và hiểu biết của chúng ta về người khác, từ nội tâm chân thành và nhân hậu của chúng ta. 

4. Không cố biện giải thoái thác

Tuân Tử nói: “Thanh chi nhi du trọc giả, khẩu dã”, nếu chỉ dùng từ ngữ để làm rõ điều gì đó sẽ khiến nó ngày càng trở nên mơ hồ thêm. Cách tốt nhất để làm rõ điều gì đó là áp dụng nó vào thực tế và dùng hành động chứng minh bản thân. Cách tồi tệ nhất là giải thích và thoái thác, vừa đổ trách nhiệm cho người khác, vừa đánh mất niềm tin và sự tôn trọng của người khác dành cho mình. Giỏi biện giải không bằng làm đến nơi đến chốn.

5. Không nịnh hót, lấy lòng

Tuân Tử nói: “Hoạn chi nhi du tích giả, giao dã”, một mối quan hệ đòi hỏi nhiều phó xuất hơn. Một mối quan hệ được duy trì bằng nụ cười chào đón, sự nịnh nọt và cần được duy trì bằng cách làm hài lòng người khác đương nhiên sẽ không tồn tại được lâu.

“Quân tử chi giao đạm nhược thủy”, một mối quan hệ chân thành là tâm đầu ý hợp không cần nói ra, là cùng nâng đỡ nhau mà không cần hồi báo, là thật tâm chia sẻ nỗi buồn nhưng không cầu chia sẻ niềm vui.

6. Không tranh luận

Tuân Tử nói: “Biện nhi bất thuyết giả, tranh dã”, những biện luận có lý có căn cứ nhưng lại không thể thuyết phục được người khác là do người ta chỉ vì tranh ai thắng ai thua, ai đúng ai sai. Tranh luận quý ở chỗ là để thuyết phục người khác, nếu chỉ tranh luận phân đúng sai, giữ thể diện thì dù có làm cho người ta không nói nên lời, như thế cũng chỉ là khiến mối quan hệ bị tổn thương.  

Khi tranh luận, trước tiên hãy lắng nghe những gì người khác nói. Học cách lắng nghe là điều quan trọng đầu tiên của tranh luận. Chỉ khi thực sự hiểu được những bối rối và nhu cầu của người khác, chúng ta mới có thể hiểu họ bằng lý trí, lay động họ về mặt cảm xúc và thảo luận các giải pháp, khiến họ tâm phục khẩu phục.

7. Thẳng thắn phải nghĩ đến người khác

Tuân Tử nói: “Trực lập nhi bất kiến tri giả, thắng dã”, người chính trực không được người khác hiểu là bởi vì sự chính trực ấy đã làm tổn thương người khác. Những người thẳng thắn thường dễ dàng xem nhẹ tâm lý cảm thụ của người khác và chỉ bày tỏ suy nghĩ của mình. Nhưng đôi khi, dù có thiện ý mà cơ hội, thời điểm và cách thể hiện không phù hợp thì có thể gây ra những hậu quả không lường trước được.

“Chu Dịch” có câu: “Tu từ lập kì thành”, giữa người với người điều quý nhất là sự chân thành nhưng cũng cần chú ý đến từ ngữ và cách diễn đạt. Đôi khi nên chuyển ý kiến của cá nhân thành sự thảo luận của đôi bên. Học cách biểu đạt hợp lý mới có thể biến sự thẳng thắn trở thành một tính cách được quý trọng.

8. Cương nhu kết hợp

Tuân Tử nói: “Liêm nhi bất kiến quý giả, quế dã”, người có nguyên tắc không được người khác tôn kính là bởi vì họ quá mức sắc bén. Người xưa ví người quân tử như một viên ngọc đẹp: “Liêm nhi bất quế” (liêm khiết mà không làm hại), mặc dù kiên trì nguyên tắc nhưng lại không tổn thương ai. Nếu một người quá sắc bén, quá mạnh mẽ, tự cho mình là đúng và không tôn trọng người khác thì sẽ không chỉ làm tổn thương người khác mà còn gieo rắc mầm mống rắc rối cho chính mình.

Viên dung xử thế, đối đãi khoan dung với mọi người, nghĩ đến người khác, “hợp thời yếu thế” là cách cổ nhân thường làm, bởi vì nó không chỉ giúp bảo toàn chính mình mà còn khiến người khác nguyện ý kết giao.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: