Trong văn hóa nhân loại nói chung đều có miêu tả về nhiều vị Thần khác nhau như Thần sông, Thần núi, Thần sấm, Thần thổ địa, v.v.. Nói chung, các vị Thần chưởng quản vạn sự vạn vật trong trời đất, tất nhiên cũng bao hàm mọi khía cạnh của cuộc sống con người. Những câu chuyện kể về họ không chỉ lưu truyền ở chốn dân gian, mà còn có rất nhiều người hữu duyên đã từng chứng kiến sự tồn tại của Thần linh trong mộng hoặc trong một số tình huống đặc thù nào đó. Một nhóm Thần khá đặc biệt là Thần ôn dịch.

Ở phương Tây, quan niệm dịch bệnh là do Thần gieo xuống cũng không phải là lạ. Trong bức “Đại dịch ở Rome” do danh họa người Pháp, Jules-Élie Delaunay, vẽ vào thế kỷ thứ 19, có thể thấy rõ điều này. Tâm điểm của tác phẩm chính là cảnh một vị Thiên sứ đang chỉ huy Thần ôn dịch cầm giáo đâm vào một cánh cổng. Xung quanh họ, thây xác đầy đường, kẻ sợ hãi, kẻ than khóc, kẻ tuyệt vọng chờ đợi cái chết.

The Plague in Rome 01
Bức “The Plague in Rome” (Tạm dịch: Đại dịch ở Rome), 1869, họa sĩ Jules-Élie Delaunay. (Public Domain)

Bức tranh này kể lại câu chuyện về việc Hoàng đế dùng nhục hình để hành hạ Thánh Sebastian. Sau khi Thánh Sebastian bị bức hại đến chết, một vị Thiên sứ đã chỉ huy Thần ôn dịch cầm giáo, đâm vào cổng của những nhà có người đã trợ giúp cái ác hại chết Sebastian. Trên cổng bị đâm bao nhiêu nhát thì trong nhà sẽ có bấy nhiêu người chết. Từ đó, bệnh dịch bắt đầu lan tràn. Nhưng rồi Thánh Sebastian đã quay lại giúp đẩy lùi bệnh dịch sau khi người dân sám hối và cầu nguyện trước ông.

Mặc dù câu chuyện này không hề nói về nhân quả hay nghiệp báo, nhưng có thể thấy sự tương đồng về đạo lý trong văn hóa phương Đông và phương Tây. Từ đó cũng có thể thấy rằng Thần ôn dịch không phải là tùy tiện muốn làm gì thì làm, ông là một vị Thần dùng hình thức dịch bệnh để báo ứng ác quả mà con người gây ra.

Những ghi chép liên quan đến Thần ôn dịch trong dân gian phương Đông cũng có khá nhiều. Trong “Tam giáo nguyên lưu sưu thần đại toàn” có ghi chép, vào tháng 6 năm Khai Hoàng thời Tùy Văn Đế, trên trời xuất hiện năm vị lực sĩ ở độ cao cách mặt đất khoảng 35 trượng, thân khoác áo bào lấp lánh ngũ sắc, trong tay mỗi vị cầm đủ loại pháp khí. Một người cầm chiếc thìa và chiếc bình, một người cầm túi da và thanh kiếm, một người cầm quạt, một người cầm chiếc búa, và một người cầm bầu lửa.

Tùy Văn Đế hỏi Thái sử công Trương Cư Nhân: “Khanh cho ta hỏi những vị đó là Thần nào vậy? Là điềm phúc hay điềm họa?”

Trương Cư Nhân đáp lời: “Thưa bệ hạ, năm vị đó là ngũ phương lực sĩ. Ở trên trời họ là ngũ quỷ, ở dưới đất họ là năm vị Thần ôn dịch. Thần ôn dịch mùa xuân Trương Nguyên Bá, Thần ôn dịch mùa hạ Lưu Nguyên Đạt, Thần ôn dịch mùa thu Triệu Công Minh, Thần ôn dịch mùa đông Chung Nhân Quý và Tổng lĩnh Thần ôn dịch Sử Văn Nghiệp. Hiện nay ông Trời đang giáng xuống tai họa dịch bệnh, không có cách nào tránh được.”

Vài tìm hiểu về Thần ôn dịch trong tín ngưỡng
Tranh vẽ Triệu Công Minh, một vị Thần ôn dịch trong truyền thuyết. (Tranh: Wellcome Images, Wikipedia, CC BY 4.0)

Trong năm đó nhà Tùy xuất hiện trận đại ôn dịch, có rất nhiều người mắc bệnh mà chết. Tùy Văn Đế phải tu sửa những sai sót của bản thân mình và trùng tu từ đường cúng lễ năm vị Thần ôn dịch. Về sau, nhà Đường tiếp tục kế thừa tục lệ cúng lễ năm vị Thần ôn dịch của nhà Tùy. Vào thời Đường Tống, người ta tin rằng năm vị Thần ôn dịch vâng mệnh Thiên Đế đến nhân gian để phát tán ôn dịch.

Vào thời Tống, Quản Sư Nhân, người Tấn Vân tỉnh Chiết Giang, giữ chức Đồng tri Xu mật viện, trong lúc ông đang đọc sách đã gặp Thời dịch Sứ quân bay ngang qua. Thời dịch Sứ quân này là một vị Thần ôn dịch. Ông ta nói với Quản Sư Nhân là họ sẽ đến nhân gian phát tán dịch bệnh vào ngày đầu tiên của năm mới. Họ bảo người nhà của Quản Sư Nhân sẽ không bị nhiễm bệnh bởi vì ba đời nhà Quản Sư Nhân đều hành thiện tích đức, ngăn cản người ta làm việc ác và ca ngợi những người có hành vi lương thiện cho nên cả nhà sẽ không bị dịch bệnh làm hại.

Trong “Phong thần diễn nghĩa” cũng từng nhắc đến Khương Tử Nha phụng mệnh Nguyên Thủy Thiên Tôn phong cho Lữ Nhạc làm Thần ôn dịch, lệnh cho ông ta thống lĩnh tám vị chính Thần thi hành nhiệm vụ khi có mùa dịch. Mùa dịch chính là bệnh sinh ra do sự thay đổi từ bốn mùa trong năm. Cổ nhân tín Thần, cho rằng ôn dịch ở nhân gian về bản chất là nhân quả báo ứng do Thần an bài căn cứ vào việc làm thiện ác của nhân loại.

Bởi vì người ta tin rằng Thần ôn dịch phát tán ôn dịch dựa trên việc làm thiện ác ở chốn nhân gian cho nên mới có cách nói là “ôn dịch có mắt”.

Còn có người hỏi, vậy vì sao không chỉ những cá nhân hành ác là bị dịch bệnh, mà cả những người dân thường khác cũng phải chịu cảnh báo ứng, cả thế hệ sau cũng chịu cảnh báo ứng? Đó là bởi vì thông thường con người sống đều là có thiện ác đan xen. Trong cuộc sống hàng ngày, con người liên tục làm điều ác, nghĩ điều ác, dù nhỏ hay lớn. Đặc biệt vào những lúc đạo đức suy vi, nhân loại cũng có xu hướng làm điều ác mà không tự biết, sát sinh để ăn, tranh giành lợi ích, giải phóng tình dục, ham mê sắc tình, v.v.. Đó chính là nhân loại. Nghiệp ác tích lũy nhiều rồi thì tất nhiên sẽ có báo ứng.

Hơn nữa trong không ít trường hợp dịch bệnh bùng phát một cách khủng khiếp thường là ứng với việc đàn áp tín ngưỡng vào Thần. Vậy thì người ta cần phải tự hỏi xem khi những người tín Thần bị bức hại, bị lùng bắt và bị giết vô đạo, thì có ai dám đứng ra nói lời ngay chính thay cho họ? Thờ ơ trước cái ác và bán đứng lương tri liệu cũng là một điều không kém phần tàn ác, thậm chí di họa đến con cháu. Mình làm mình chịu, tổ tiên làm, con cháu chịu, đây là quan niệm mà người phương Đông thời xưa hiểu rõ vô cùng.

Khi đạo đức nhân loại tuột dốc đến một mức độ nhất định thì Thượng Thiên sẽ giáng xuống tai họa để cảnh báo con người nên biết dừng bước, không nên tiếp tục để đạo đức xuống dốc. Đây còn là một cách để bảo toàn nhân loại. Nếu không thì những tai họa lớn như Đại Hồng Thủy sẽ xảy ra. Trong nhiều ghi chép, những người còn sống sót sau tai họa dịch bệnh đều là những người trong tâm vẫn còn thiện niệm và đạo đức cao thượng. Bên cạnh đó, những kẻ không còn lương tâm và đạo đức bại hoại đều sẽ nhận phải sự trừng phạt tương ứng. Đúng như cổ nhân từng nói: “Ông Trời đem đến phúc báo cho người thiện và đem đến tai họa cho kẻ ác”.

Ninh Sơn biên tập

Xem thêm:

Mời xem video “Hồi ức 6 tuổi: MC sống tại New York kể chuyện gia đình vượt qua bức hại”: